Gần 3.000 đại biểu đã tham gia vào cuộc đàm phán "COP15" tại thành phố Côn Minh, với gần 2.500 kết nối trực tuyến, theo Ban Thư ký Công ước Đa dạng Sinh học của Liên Hợp Quốc (CBD).
Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Geneva vào tháng 1 trước khi các đại biểu trở lại Côn Minh vào tháng Tư để hoàn tất một thỏa thuận sau năm 2020 nhằm "ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học".
Ngoài 1,5 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 233,21 triệu USD) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết là một phần của "Quỹ Đa dạng sinh học Côn Minh" mới, Liên minh châu Âu cũng cho biết họ sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho đa dạng sinh học.
Trong đó, Pháp và Anh cam kết sẽ dành nhiều ngân sách khí hậu hơn cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học. Nhật Bản cũng đã công bố gia hạn 17 triệu USD cho Quỹ đa dạng sinh học của riêng mình.
Theo Huang Runqiu, Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc và là Chủ tịch của COP15, Quản trị môi trường toàn cầu đang đối mặt với "những thách thức chưa từng có" khi tốc độ tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu đang tăng nhanh.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Côn Minh, trong đó kêu gọi "hành động khẩn cấp và phối hợp" của tất cả các bên trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cam kết đảm bảo xây dựng, thông qua và thực hiện có hiệu quả “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.
Tuyên bố Côn Minh cũng đảm bảo lộ trình phục hồi đa dạng sinh học chậm nhất vào năm 2030, tiến tới hiện thực hóa đầy đủ Tầm nhìn 2050 về “sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên".
Thư ký điều hành của CBD Elizabeth Maruma cho rằng thế giới đã không đạt được những “đột phá” cần thiết trong giai đoạn 2011-2020 và đã không bảo vệ được hệ sinh thái vốn đóng vai trò sống còn đối với con người.
COP15 diễn ra trong bối cảnh sau khi phát động “Thập niên Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học 2011-2020", thế giới vẫn đang đứng trước nguy cơ cao không đạt được những mục tiêu về đa dạng sinh học trong khuôn khổ chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.