Trung quốc bật cảnh báo Xanh do mưa lũ lớn bất thường
Cơ quan khí tượng của Trung Quốc phát cảnh báo về giông bão hoặc lũ lụt liên tiếp 31 ngày qua.
Lũ lụt vì mưa lớn bất thường trong nhiều tuần ở miền Nam Trung Quốc khiến ít nhất 106 người thiệt mạng hoặc mất tích. Khoảng 15 triệu người chịu ảnh hưởng từ đợt thiên tai năm nay. Một số vùng ghi nhận tình trạng lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Hình ảnh ngôi làng tại tỉnh Quảng Tây chìm trong biển nước, được Tân Hoa xã đăng tải vào tháng 6. (Ảnh: AP) |
Cục Khí tượng Trung Quốc ngày 3/7 cảnh báo khu vực tây nam Trung Quốc có khả năng đón nhận đợt mưa lũ lớn mới, bắt đầu từ ngày 4/7 và kéo dài khoảng 3 ngày. Lượng nước đổ về khu vực trung và hạ nguồn sông Trường Giang tiếp tục tăng. Kể từ đầu tháng 6, đã có 5 đợt mưa lớn được ghi nhận ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc.
Cục Khí tượng Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo giông bão hoặc lũ lụt trong liên tiếp 31 ngày qua. Theo cơ quan này, sẽ còn ít nhất hai đợt mưa lớn diễn ra trong những ngày tới. Giới chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra tình trạng sạt lở và nguy cơ vỡ đập, hồ trữ nước tại một số địa phương. Tính đến cuối tháng 6, ít nhất 25 dòng sông lớn ở Trung Quốc vượt ngưỡng báo động lũ lụt.
Tổn thất từ đợt mưa lũ lần này đã lên đến 25 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3,6 tỉ USD) với khoảng 97.000 ngôi nhà chịu thiệt hại.
Chính quyền thành phố Trùng Khánh vào tháng 6 cho biết khu vực gần dòng Kỳ Giang, thượng nguồn sông Trường Giang, bất ngờ xảy ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng nhất kể từ năm 1940. Khoảng 40.000 cư dân đã được sơ tán.
Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết các tỉnh phía nam sẽ tiếp tục có mưa trong 10 ngày tới, với lượng mưa ở hầu hết khu vực đều cao hơn 50-80% so với cùng kỳ các năm. Cộng với ảnh hưởng từ lượng nước tích trữ trong các đợt mưa vừa qua, những khu vực này có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.
Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng
Central Kalimantan, tỉnh lớn thứ 3 của Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 1/7 sau khi xác nhận hơn 700 vụ cháy rừng trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với mùa cháy rừng hàng năm.
Tỉnh Central Kalimantan ở Indonesia đã ban bố tình trạng khẩn cấp cháy rừng đến tận 28/9. (Ảnh: CNA) |
Tuyên bố này được đưa ra khi Indonesia mở rộng quy mô bảo vệ cho một số khu rừng nhiệt đới quan trọng nhất thế giới.
Tỉnh Central Kalimantan cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ diễn ra cho đến ngày 28/9. Mức độ khẩn cấp đang ở giai đoạn “cảnh báo” đầu tiên - kêu gọi tăng cường tuần tra và nỗ lực dập lửa sớm.
“Những nỗ lực giảm thiểu cháy rừng đang được tiến hành vì hầu hết mọi khu vực ở miền Trung Kalimantan đều bước vào mùa khô vào tháng 7”, ông Alpius Patanan, một quan chức của cơ quan giảm nhẹ thiên tai tỉnh Central Kalimantan cho biết.
Phần lớn dầu cọ của Indonesia được trồng ở vùng Kalimantan giàu rừng, còn được gọi là Indonesia Borneo cũng như trên đảo Sumatra.
Các nhà môi trường học cho biết ngành công nghiệp dầu cọ Indonesia là một trong những “động lực” hàng đầu của nạn phá rừng cũng đang hủy hoại môi trường sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Sumatra và đười ươi.
Hơn 160 người tử vong do sập mỏ ngọc bích ở Myanmar
Một đống chất thải khai thác mỏ ngọc bích ở bang Kachin của Myanmar đã sụp đổ vào ngày 2/7 và chôn vùi nhiều công nhân dưới bùn và nước.
Nhân viên cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân sau vụ sập mỏ đá quý tại một khu khai thác ở Hpakant, thành phố Kachin, Myanmar vào ngày 2/7/2020. (Ảnh: Reuters) |
Ông Thar Lin Maung, một quan chức địa phương cho biết số người chết là 161, với 43 người phải nhập viện. Theo ông, việc tìm kiếm vẫn đang diễn ra.
“Một nửa số nạn nhân vẫn chưa được xác định, trong khi nhiều người là những người di cư đang sống trong một căn lều nhỏ bên cạnh mỏ” - ông Thar Lin Maung cho biết.
Theo ông Thar Lin Maung, một buổi lễ nhằm cấp viện trợ tài chính cho gia đình của các nạn nhân đã được tổ chức vào ngày 3/7. Khoảng 80.000 USD đã được tài trợ bởi chính quyền khu vực, cơ quan công nghiệp Myanmar Gems và Hiệp hội doanh nhân trang sức và một công ty khai thác.
Sạt lở gây chết người là hiện tượng phổ biến trong các mỏ ở Hpakant do tình trạng quản lý kém, nạn nhân thường đến từ các cộng đồng nghèo khó, những người liều mạng săn lùng những viên đá quý màu xanh lục với ước mơ đổi đời.
Vụ sạt lở mỏ ngọc bích ngày 2/7 là tồi tệ nhất trong hơn 5 năm. Hồi năm 2015, khoảng 100 người đã chết trong một vụ sập mỏ tại nước này; 50 người khác đã chết vào năm 2019.
Thế giới có hơn 11 triệu ca mắc và 528.318 ca tử vong do Covid-19
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 4/7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 11.174.869 trường hợp, trong đó có 528.318 trường hợp tử vong.
Người dân Mỹ đeo khẩu trang trên đường phố bang Texas. (Ảnh: Reuters) |
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 50.371 ca mắc và 568 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 2.886.055 và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 132.053 người. Mỹ đang chiếm gần 1/4 số ca tử vong trên toàn cầu. Nhiều thống đốc bang tại Mỹ đã dừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế khi số ca mắc tăng vọt.
Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 22.721 ca mắc và 444 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 649.889, trong đó có 18.669 ca tử vong. Ấn Độ hiện giờ đã đứng thứ 4 trên thế giới về số ca mắc.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là ổ dịch lớn nhất khu vực. Quốc gia này đã ghi nhận thêm 1.301 ca mắc và 49 ca tử vong trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 60.695, tổng số ca tử vong là 3.036.
Người Nga ủng hộ sửa đổi hiến pháp, Ông Putin đứng trước cơ hội làm Tổng thống đến 84 tuổi.
Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp Nga diễn ra từ ngày 25/6 và kết thúc vào 21h ngày 1/7 (theo giờ Moscow). Việc kiểm phiếu bắt đầu ngay sau khi các trạm bỏ phiếu đóng cửa.
Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, việc sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố
Hãng thông tấn TASS của Nga mới đây dẫn dữ liệu từ CEC cho biết sau khi kiểm đếm 96,04% phiếu bầu cho biết tỉ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân này là 65%. Trong đó, khoảng 78,05% người Nga ủng hộ sửa đổi hiến pháp, và hơn 21% không ủng hộ.
Theo RT, dự thảo Luật sửa đổi Hiến pháp Nga có 206 sửa đổi, bao gồm việc mở rộng quyền lực của Quốc hội Nga và Tòa án Hiến pháp, giới hạn số nhiệm kỳ của mỗi tổng thống, xác định các quy định của hiến pháp Nga sẽ có giá trị cao hơn so với các thỏa thuận quốc tế. Dự luật cũng mở rộng nghĩa vụ của chính phủ Nga trong các vấn đề xã hội.
Tổng thống Putin đưa hộ chiếu của ông cho một thành viên ủy ban bầu cử xem khi ông đến bỏ phiếu về các sửa đổi hiến pháp tại một điểm bỏ phiếu ở Matxcơva, Nga hôm 1/7. (Ảnh: Reuters) |
Mặc dù dự luật quy định mỗi tổng thống chỉ có thể cầm quyền hai nhiệm kỳ, nhưng cũng kèm theo đề xuất đưa số nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm về 0, đây cũng là điểm sửa đổi quan trọng nhất thu hút sự chú ý của người dân Nga cũng như giới truyền thông.
Nếu kết quả trưng cầu cho thấy người dân tán thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.