Thị trường bất động sản các tỉnh giảm tốc

Sau cơn sốt ảo chóng vánh, thị trường bất động sản tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đã có dấu hiệu sụt giảm mạnh, thanh khoản chậm nguyên nhân do chính sách tín dụng siết chặt, các thủ tục pháp lý ngưng trệ.
Thị trường bất động sản có xu hướng chuyển dịch ra xa trung tâmNhững rủi ro pháp lý tạo kẽ hở cho tội phạm đất đai tung hoành“Nước cờ” sân bay Chu Lai của các tỉ phú bất động sản

Giao dịch đóng băng

Thời gian vừa qua, thị trường các tỉnh từ Bắc vào Nam đã xảy ra những cơn sốt ảo đối với phân khúc đất nền. Các dự án được chào bán đều có thông tin quy hoạch, pháp lý chưa rõ ràng, hạ tầng chưa phát triển, dân cư thưa thớt nhưng đã được các chủ đầu tư cố tình sử dụng các chiêu trò để đẩy giá, tạo sự sôi động giả tạo để bán hàng.

thi truong bat dong san cac tinh giam toc
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam giao dịch trầm lắng. Nhiều dự án đối mặt với tình trạng đóng băng do chính sách và vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng. Nguồn cung hạn chế, giao dịch chủ yếu đến từ các dự án đã chào bán trước đó nhưng điều kiện pháp lý chưa đảm bảo.

Một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng… dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện các dự án phát triển tại các khu vực này đều trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có sản phẩm chào bán ra thị trường.

Tại các thị trường Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang cũng không xuất hiện dự án mới, giá bán đất nền không tăng, thanh khoản kém do chính sách lãi suất ngân hàng tăng cao.

Tại Quảng Ninh, chính quyền tỉnh đang quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc chào bán các dự án dẫn đến nguồn cung bị ảnh hưởng. Trong quý 3, có 300 sản phẩm mới đến từ các dự án Kalong Center City; Grand bay Hạ Long được chào bán, tỉ lệ hấp thụ 50%. Riêng Vân Đồn, không có dự án mới nào được chào bán, thị trường chững hoàn toàn, không có giao dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc rà soát tính pháp lý dự án kéo dài khiến nguồn cung thị trường trở lên khan hiếm. Nhiều dự án đã xây dựng lên tầng 1, tầng 2 nhưng chưa thể đưa hàng ra bán. Do vậy, thị trường các tỉnh sẽ tiếp tục trầm lắng, không có nhiều thay đổi bởi gần như chưa thấy có dấu hiệu về việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển dự án trở lại.

Phân khúc căn hộ khách sạn trầm lắng

Cũng theo báo cáo Hiệp hội môi giới, quý III/2019, số lượng dự án căn hộ khách sạn (condotel) mở bán giảm mạnh, giao dịch chỉ dừng lại ở mức 2.515 sản phẩm đến từ các dự án cũ.

Một số thị trường condotel bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian trước như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang đi vào trầm lắng. Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý đang rà soát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư e ngại. Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng từ phía ngân hàng đã được siết chặt đối với phân khúc này vì vậy chủ đầu tư các dự án và các khách hàng đều không thể vay được vốn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 36 quy định giảm tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% (năm 2014) xuống còn 40% (đầu năm 2019). Đồng thời tăng tỉ lệ an toàn cho vay bất động sản từ 150% lên 250%. Hai động thái này làm giảm dòng tín dụng vào bất động sản giảm từ cuối 2018.

“Tôi cho rằng pháp lý cho các căn hộ condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho giới đầu tư. Bên cạnh đó, ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản khiến dòng vốn đổ vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bị hụt hơi. Ngoài ra, giá bán của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã bị đẩy lên mức quá cao trong những năm vừa qua khiến thị trường bị sụt giảm”- ông Nam nhấn mạnh.

Theo (Thuỳ Linh/TN&MT)