Thiên nhiên thịnh nộ

Trái đất đang nóng dần lên, hiệu ứng nhà kính – El Nino, hạn hán, lũ lụt, thiên tai… là vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu. Phải chăng đó là do thiên nhiên, là “thiên tai” chứ không phải ở con người ?

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mới đây cho biết, từ năm 1990, lượng khí nhà kính làm gia tăng 41% tổng bức xạ, nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu. Trong đó, khí CO2 chiếm 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập niên vừa qua. Riêng trong năm 2017, nồng độ CO2 trong khí quyển đã lên mức trung bình toàn cầu 405,5 phần triệu (ppm), cao hơn gần 50% so với giai đoạn trước khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp và đang tiếp tục tăng cao hơn nữa. Chính sự gia tăng CO2 làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Thế nhưng thực tế, chính hoạt động sinh sống, sản xuất không kiểm soát của con người mới là nguồn phát thải chính các khí gây hiệu ứng nhà kính – WMO khẳng định.

Tại Việt Nam, những thông tin liên quan nạn phá rừng, lâm tặc hoành hành không dứt vẫn xuất hiện. Rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, đều bị đốn hạ không thương tiếc. Rừng bị cạo trọc, thay vào đó, thủy điện lớn bé mọc lên. Khi nước lũ tràn về đã gây ra những cơn đại hồng thủy, cuốn phăng mọi thứ theo dòng nước.

thien nhien thinh no
Cơn thịnh nộ của thiên nhiên là do con người tạo nên. Ảnh: Internet

TPHCM nay thưa thớt những con đường rợp bóng cổ thụ để nhường chỗ cho những tòa nhà chọc trời, những khu công nghiệp ngày đêm nhả khói… Con người chỉ biết lầm lũi, cắm đầu chạy vượt qua cái nắng bỏng rát, chẳng hề có một chỗ trú chân râm mát trên con đường bê-tông khô cứng. Người lao động mưu sinh giữa trời nắng muốn khóc, nhưng họ biết trách ai, kêu ai đây?

Trong những năm gần đây, con người đã chứng kiến nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề, các đợt nắng nóng đỉnh điểm hay những cơn bão có sức tàn phá kinh hoàng khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất mới chỉ tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Sự nóng lên toàn cầu cũng kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên họp giải trình về thực hiện quy hoạch TPHCM hồi cuối năm 2018. Sở quy hoạch – kiến trúc TPHCM cho biết, tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh tại Sài Gòn thời gian qua chỉ đạt trung bình 9,8 hecta/năm, được cho là rất ít so với quy hoạch là hơn 11.000 hecta. Với tiến độ này, Sài Gòn cần khoảng 1.000 năm mới có đủ 11.000 hecta cây xanh. Trong khi Sài Gòn đang thiếu mảng xanh trầm trọng, năm 2016, TPHCM ra thông báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi (Q.1) cũng bị đốn hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm.

Người ta nói rằng, muốn giải bài toán phát triển bền vững, điều đầu tiên và vô cùng quan trọng là phải cân đối sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người. Nếu cố tình phá vỡ sự cân bằng ấy, cơn thịnh nộ của thiên nhiên xảy ra sẽ không thể đo lường hết hậu quả của nó.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường