Thông tư 06: Giữ an toàn cho ngân hàng nhưng lại làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp

"Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang cực kỳ khó khăn. Thông tư 06 tuy giữ an toàn cho ngân hàng nhưng lại làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp" - chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh.
Ngân hàng Nhà nước vướng nhiều vi phạm trong xử lý nợ xấuCó nên giảm thuế VAT 2% với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng?Ngân hàng nào báo lãi lớn nhất từ mảng dịch vụ trong 9 tháng đầu năm

Ngày 28/6/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023 (Thông tư 06).

Tại Thông tư 06, NHNN đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm 4 nhu cầu vốn tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay, thông tư này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều "rào chắn" trong tiếp cận vốn

Mới đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 06 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023. Lý do là bởi HoREA cho rằng, Thông tư 06 dựng lên nhiều "rào chắn" trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư 06 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của TCTD) đối với khách hàng có 4 quy định mới: Các TCTD không được cho vay để gửi tiền nhằm kiểm soát rủi ro khoản vay và cho vay đúng mục đích; Không được cho vay để thanh toán mua cổ phần; Không được cho vay theo hợp đồng không đủ điều kiện; Không được cho vay bù đắp tài chính.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) cho rằng, trong bối cảnh ngành BĐS đang khó khăn, Chính phủ đang muốn phát triển ổn định thị trường mà áp dụng quy định này là đang siết lại tất cả các doanh nghiệp.

Thông tư 06: Giữ an toàn cho ngân hàng nhưng lại làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Thông tư 06 tạo ra nhiều "rào chắn" trong tiếp cận vốn đối. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, pháp lý các dự án đã tắc, đến khâu cho vay, ngân hàng lại dùng pháp lý để ép một lần nữa khiến doanh nghiệp bị siết đến 2 lần. Một dự án khi đến bước được triển khai xây dựng phải qua nhiều gian khổ pháp lý, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng, tiền đất.

Đối với BĐS, tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng chiếm đến 60-70% tổng mức đầu tư dự án, nên cần được cho vay ngay từ bước dự án bắt đầu được triển khai. Đặc biệt, có những dự án vốn đầu tư lên đến cả nghìn, chục nghìn tỷ thì càng cần vốn tín dụng ngay từ ban đầu.

“Nếu tín dụng bị siết như thế này thì BĐS còn trông chờ gì ở tín dụng nữa, BĐS phát triển làm sao được nữa? Quy định này cần phải xem xét lại”, ông Hiệp nói.

Thông tư đưa ra vào thời này là không thích hợp

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang cực kỳ khó khăn. Thông tư 06 tuy giữ an toàn cho ngân hàng nhưng lại làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp.

“Không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc thù, vốn của họ cơ bản là nguồn vốn tín dụng. Thậm chí, việc nới lỏng chính sách tiền tệ thời điểm này chưa chắc các doanh nghiệp đã vay vốn bởi họ đang thiếu đơn hàng và rất khó khăn.

Chính vì khó khăn như vậy nên Thông tư 06 đưa ra thời điểm này theo tôi là không thích hợp, nó giống như một chiếc “vòng kim cô" giữa lúc đang cần nới lỏng các chính sách để phục hồi kinh tế thì lại siết lại”, TS. Bùi Trinh nhận định.

Còn theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm cho biết, xét trên lợi ích của các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản nói riêng, những quy định về nhu cầu vốn không được vay có thể tạo thêm rào cản, làm cho việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn và tạo áp lực về tài chính lớn cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, đối với những doanh nghiệp đang có khoản nợ lớn sẽ không tiếp cận được nguồn vốn tại các tổ chức tài chính để “đảo nợ”, vì vậy nguy cơ phá sản là rất lớn. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp đánh mất cơ hội phát triển, tạo nên khó khăn về kinh tế trong toàn xã hội.

"Có thể coi những quy định mới về nhu cầu vốn không được vay trong Thông tư 06 là hai mặt của một vấn đề. Một mặt, những quy định này giúp tăng cường sự giám sát và quản lý của NHNN đối với hoạt động của các TCTD tạo nên một môi trường tín dụng lành mạnh, mặt khác cũng tạo ra những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp", ông Tú nói.

Anh Thư

Xem thêm

Liên kết