Độ PM2.5 tại Bangkok sáng 8/1, đã tăng lên mức 119 microgramme/m3, khiến thành phố Thủ đô của Thái Lan trở thành địa điểm ô nhiễm không khí tồi tệ thứ ba thế giới sau Canberra của Australia và New Delhi của Ấn Độ. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, nồng độ PM2.5 đã giảm xuống còn 33,9 microgramme/m3, giúp Bangkok hạ xuống thứ 32 trong bảng xếp hạng đo chất lượng không khí thời gian thực của Air Visual.
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã áp đặt mức báo động cao, sau khi nồng độ PM2.5 tại 38 trong tổng số 50 quận ở thủ đô tăng cao. Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD) cho biết các mức độ PM2.5 tại 38 khu vực này dao động từ 40 đến 71 microgramme/m3. Nồng độ PM2.5 tại nhiều khu vực ở Bangkok trở nên tồi tệ hơn từ ngày 6/1. Giám đốc Sở Y tế Bangkok Chawin Sirinak cho biết, đơn vị quản lý bệnh truyền nhiễm đang theo sát những hướng dẫn được soạn thảo để giúp nhà chức trách đối phó hữu hiệu với những lo ngại về ô nhiễm không khí.
Theo ông Chawin, các quan chức tại những đơn vị lưu động do 68 văn phòng y tế điều hành đã được yêu cầu đẩy mạnh chiến dịch tăng cường nhận thức trong cư dân của thành phố, trong đó tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh tim mạch. Người dân có những vấn đề về sức khỏe được khuyến cáo đeo khẩu trang và tránh những hoạt động ngoài trời không cần thiết. Các đơn vị y tế lưu động được lệnh tăng cường giám sát các nhóm dễ bị tổn thương nếu nồng độ PM2.5 đạt mức 76-100 microgramme/m3 trong ba ngày liên tiếp. Ngưỡng PM2.5 an toàn do PCD đặt ra là 50 microgramme/m3.
Để giúp giảm nhẹ tình hình, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anupong Paojinda đã ra lệnh cho cảnh sát giám sát chặt khí thải của các phương tiện giao thông và các nhà máy, đồng thời thực hiện lệnh cấm đốt lửa ngoài trời.
Trước đó, trong năm 2019, Nội các Thái Lan đã thông qua ba biện pháp do PCD đề xuất nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở vùng Bangkok mở rộng. Biện pháp đầu tiên giải quyết tình trạng khói bụi trên cơ sở từng giai đoạn. Trong trường hợp bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng 50 microgramme/m3 trong phạm vi 51-75 microgram/m3, các biện pháp kiểm soát chặt hơn sẽ được áp dụng. Trong trường hợp mức độ PM2.5 ở mức 76-100 microgramme/m3, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sẽ được áp dụng. Nếu ô nhiễm vượt quá ngưỡng 100 microgramme/m3, PCD và Ủy ban Môi trường quốc gia có thể trình các biện pháp khẩn cấp lên Thủ tướng để thực hiện ngay lập tức. Các biện pháp thứ hai và thứ ba với mục tiêu giải quyết ô nhiễm tận gốc và thúc đẩy hiệu quả quản lý sẽ được thực hiện trên cơ sở ngắn hạn từ năm 2018-2021 và trong dài hạn từ năm 2022-2024.
Một biện pháp khác để chống khói bụi lan tràn ở Bangkok là cấm các phương tiện xả “khói bẩn” lưu thông trên đường phố. Cảnh sát và thanh tra Cục Giao thông đường bộ được lệnh phối hợp tăng cường kiểm tra nồng độ khí thải của phương tiện cơ giới và có quyền cấm lưu thông nếu phát hiện phương tiện xả thải vượt ngưỡng cho phép, nhất là xả ra bụi mịn PM2.5. Phương tiện cơ giới sẽ chỉ được tham gia giao thông nếu sửa chữa hoặc thay thế.
Tính đến tháng 8/2019, Bangkok có 10,5 triệu xe ô-tô đăng ký với Cục Đường bộ, trong khi còn rất nhiều người lái xe vào thành phố từ các tỉnh lân cận.