Thời gian qua, những nghi ngờ về tình trạng “bắt tay”, “đi đêm” “chống lưng” giữa các cá nhân có chức, có quyền với những doanh nghiệp “sân sau” đã làm giảm niềm tin của người dân vào quá trình thu hút đầu tư của các dự án giao thông. Trong thực tế, chuyện mua bán thầu, “quân xanh quân đỏ” trong đấu thầu diễn ra ở nơi này, nơi khác khiến nhiều người dân bức xúc, nhất là khi họ đi trên các tuyến đường mà phải gồng gánh, chi trả rất nhiều các khoản chi phí. Trước việc dự án trọng điểm quốc gia – cao tốc Bắc Nam được tổ chức đấu thầu trong nước, câu hỏi đặt ra là: “Thu hút đầu tư cao tốc Bắc Nam phía Đông - làm sao tránh tình trạng “sân sau”?
Theo diễn biến mới nhất từ phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sau khi hủy đấu thầu quốc tế, Bộ đang thực hiện mở thầu để thu hút nhà đầu tư trong nước tham gia. Điều này mang lại cơ hội cho nhiều nhà đầu tư trong nước. Tuy vậy, cơ hội đi liền với rủi ro và điều quan trọng là cần có giải pháp để lựa chọn nhà đầu tư đúng.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giao thông Phương Thành - một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải phân tích: “Đây là thông tin vui nhưng cũng cần có những tính toán để thu hút nhà đầu tư nhằm phát huy nội lực. Ở đây có 2 vấn đề về nội lực, đó là bản thân nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại. Trong khi cả nhà đầu tư và ngân hàng trong nước đang yếu về năng lực tài chính thì cần cơ chế giám sát và gỡ bằng cách có thể phát hành trái phiếu công trình để huy động vốn cùng tham gia mới có thể mới thành công”.
Rất khó để giảm tình trạng "sân sau" trong thu hút đầu tư cao tốc. |
Khi trao đổi với đại diện các Ban quản lý dự án của Bộ GTVT, câu trả lời chung là các cơ quan, đơn vị này sẽ tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ GTVT, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc mời thầu và tuyển chọn nhà đầu tư cho các dự án thành đảm bảo công khai, minh bạch và đúng các tiêu chí. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là ban Quản lý dự án đầu tiên vừa được Bộ GTVT giao tổ chức khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ-La Sơn.
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cam kết: “Xác định đây là dự án trọng điểm, rút kinh nghiệm các dự án trước đây. Vì vậy, lựa chọn các nhà đầu tư phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật để lựa chọn nhà thầu. Nhà đầu tư trong nước đối với dự án PPP thực hiện bước sơ tuyển, đang đánh giá lựa chọn. Hy vọng các nhà đầu tư trong nước đã có thực hiện dự án BOT trước đây. Tuy vậy, các nhà đầu tư có thể liên danh, liên kết để đáp ứng yêu cầu này”.
Trong thực tế, doanh nghiệp “thân hữu”, “sân sau” đã nhiều lần bị các chuyên gia, nhà kinh tế “gọi mặt chỉ tên” và chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực của các doanh nghiệp sân sau này đối với nền kinh tế. Trong số đó, TS. Huỳnh Thế Du là người nhiều năm nghiên cứu và đưa đánh giá về cơ sở phát triển kinh tế, những yếu tố nền tảng tạo nên sức hút đầu tư đã nhấn mạnh rằng, nền kinh tế của chúng ta chỉ phát triển bền vững khi khuyến khích được các doanh nghiệp tư nhân chân chính phát triển. Đồng thời, chỉ rõ và loại bỏ các doanh nghiệp thân hữu làm méo mó nền kinh tế đất nước.
“Vấn đề Việt Nam cần lưu ý đối với các doanh nghiệp tư nhân đang chia làm 2 nhóm: chân chính và thân hữu. Đối với nhóm thân hữu, bị ảnh hưởng nhiều của việc làm ăn ngắn hạn, vì lợi ích nhóm. Do vậy, phải hướng tới chính sách cần ổn định vĩ mô và hướng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo ra của cải cho xã hội”, TS. Huỳnh Thế Du nói.
Đã có rất nhiều câu hỏi về việc làm cách nào để ngăn chặn tình trạng lách luật, bắt tay giữa người có chức có quyền với doanh nghiệp tạo ra các “sân sau”, “thân hữu”, để trục lợi chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể như BT, BOT được đặt ra với lãnh đạo ngành giao thông vận tải. Chỉ khi xác định những tồn tại, bất cập và kiên quyết khắc phục mới lấy lại niềm tin của người dân.
Bởi người tham gia giao thông phải gồng gánh nhiều loại thuế phí khi đi trên các con đường với nỗi nghi ngờ vì tình trạng “sân trước, sân sau”, với những bức xúc về cao tốc “vừa dùng đã hỏng” như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì hỏi làm sao người dân không phản ứng, không bức xúc? Điều này cần phải chấm dứt.
Từ thực tế nôn nóng trong việc thu hút đầu tư các dự án BOT thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, nêu bài học: “Rút kinh nghiệm 8 dự án thành phần theo hình thức PPP của cao tốc Bắc – Nam, theo tinh thần chúng tôi đang triển khai hiện nay, tất cả các dự án, nếu tổ chức đấu thầu không thành công là chúng tôi không triển khai. Thà kéo dài từ năm này qua năm khác đến khi có nhà đầu tư tham gia đủ thì xét thầu, đảm bảo công khai minh bạch. Tránh vội vàng đưa sớm công trình vào vận hành dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay chúng tôi rút ra bài học, sắp tới báo cáo Chính phủ, tổ chức đấu thầu. Trách nhiệm của nhà đầu tư là lời ăn, lỗ chịu”.
Nếu không quyết tâm loại trừ tình trạng “bắt tay đi đêm”, không minh bạch trong đấu thầu chọn nhà đầu tư đủ năng lực thì dự án trọng điểm quốc gia – cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ không thực hiện được trọng trách “đột phá” hạ tầng, mà nguy cơ trở thành “gánh nặng nợ nần”. Do vậy, rất cần nhìn nhận thấu đáo để đảm bảo thu hút đầu tư hạ tầng bền vững, tránh “nôn nóng” như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GTVT về thu hút các dự án BOT vừa qua, dẫn đến những hệ lụy kinh tế – xã hội đáng tiếc.