Với những hoạt động thiết thực như tuyên truyền bảo vệ môi trường, tham gia nhặt rác xung quanh nơi ở, tích cực sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường, trong suốt nhiều năm qua, Kỳ Duyên không những hình thành cho mình thói quen "sống xanh" mà còn lan tỏa tình yêu môi trường đến nhiều người bạn khác và người dân địa phương.
Kỳ Duyên quan niệm rằng: "Bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của tất cả mọi người trước tình trạng môi trường 'kêu cứu' vì ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Em nghĩ mỗi học sinh đều có thể chung tay gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp qua những hành động nhỏ mà ý nghĩa. Nhất là khi thói quen sinh hoạt cũng chúng ta vô tình giết chết các loài vật vô tội ở biển và đại dương".
Thay vì sử dụng ống hút nhựa, Kỳ Duyên chuyển qua các loại ống hút bằng tre. |
Kỳ Duyên bắt đầu thay đổi từ chính thói quen hàng ngày của bản thân: Thay vì sử dụng cốc và ống hút nhựa, thì chuyển qua các loại ống hút bằng tre, bằng bột gạo, bằng giấy hay inox. Chiếc bình nước giữ nhiệt trở thành người bạn đồng hành của Duyên khi đi bất cứ đâu xa hoặc đi mua đồ nước uống ở bên ngoài.
Ngày Chủ nhật xanh
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do Kỳ Duyên khởi xướng được rất nhiều bạn học sinh hưởng ứng tham gia - Ảnh: NVCC |
Không chỉ sống xanh “một mình”, Kỳ Duyên luôn trăn trở làm sao có thể truyền cảm hứng này đến với các bạn học sinh trong trường. Những ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch này, cô bạn đã rất tâm huyết và hy vọng sẽ lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường đến nhiều người bạn trong lớp cũng như trong trường. Duyên thành lập một fanpage trên mạng xã hội, với tên gọi Zero Waste, hàng ngày đăng tải các bài viết về tác hại của rác thải nhựa cũng như những hình ảnh xả rác bừa bãi mà cô bạn đã tận mắt nhìn thấy và chụp ảnh lại.
Duyên luôn cho rằng, không chỉ nói mà phải hành động, dù là hành động nhỏ nhất. Thế nên, bên cạnh quản lý fanpage, Kỳ Duyên còn kêu gọi nhà trường và các bạn học sinh tham gia nhiều hoạt động như Ngày Chủ nhật xanh - dọn dẹp và phân loại rác tại những khu vực gần trường. Kỳ Duyên chia sẻ: “Chỉ khi cúi xuống nhặt rác, bạn mới hiểu mọi người vất rác như thế nào”.
Hội chợ ẩm thực xanh
Mới đây nhất là "Hội chợ ẩm thực", chương trình đã nhận được sự hướng ứng của rất nhiều thầy cô và học sinh. Duyên chia sẻ: “Ý tưởng Hội chợ xanh bắt nguồn từ hậu quả của những năm trước. Sau mỗi đợt hội chợ, rác thải nhựa lại xuất hiện tràn lan, không chỉ đầy thùng rác mà còn rơi vãi nhiều trên sân trường. Em đã gửi bản kế hoạch để đoàn trường phê duyệt làm hội chợ không có đồ nhựa, rất may mắn kế hoạch đã thuyết phục được các thầy cô. Hơn nữa, ý tưởng của em còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ thầy tổng phụ trách”.
Bằng sự sáng tạo, các gian hàng trong hội chợ đã tìm ra những kiểu đựng đồ ăn thức uống cực kỳ độc đáo: Có lớp dùng lá chuối, lá dừa xếp thành từng khay nhỏ để người mua có thể mang đi; Có lớp dùng vỏ dừa hay lá sen làm chén trông rất dân dã và thú vị. Thậm chí, các bạn còn đựng đồ ăn bằng bánh ốc quế để khách hàng có thể ăn luôn phần bánh, không thải rác là các túi nilon của vỏ bánh kẹo.
Gian hàng "Hội chợ ẩm thực xanh” được các bạn học sinh bày biện với các chất liệu thân thiện với môi trường như: lá chuối, gáo dừa, ống hút bằng tre, thìa làm từ bã mía... Ảnh: NVCC |
Đối với gian hàng nước uống, các bạn đã sử dụng ly bằng giấy hoặc bằng bã mía. Những ai mang theo bình đựng cá nhân sẽ được nhận thêm ưu đãi khi mua hàng. Kỳ Duyên tâm đắc: "Trên cả mong đợi của mình, các bạn còn chuẩn bị cả ống hút cỏ, ống hút gạo cùng với thìa, muỗng làm bằng bã mía hay thanh tre. Sau hội chợ, mỗi lớp đều có hai bao rác phân loại hữu cơ và vô cơ. Việc dọn dẹp diễn ra nhanh chóng và lượng rác thải nhựa được giảm tải đáng kể".
Đổi rác lấy cây
Đây là dự án mà Duyên cùng với những người bạn muốn mang đến cho mọi người cái nhìn mới mẻ hơn về mối quan hệ giữa rác thải nhựa và cây cối xung quanh. Với một lượng rác thải nhựa nhất định đã được phân loại mà các bạn mang đến thu gom cho dự án, sẽ được đổi lại bằng một cây xanh.
Dự án "Đổi rác lấy cây" được nhiều người ủng hộ - Ảnh: NVCC |
Dự án sẽ đưa ra những hướng dẫn chi tiết về phân loại rác thải, tạo động lực trong việc thực hiện lối sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa và mỗi người sẽ có ý thức trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa. Chưa dừng lại ở đó, Kỳ Duyên vẫn đang ấp ủ rất nhiều “kế hoạch xanh”, với những nỗ lực không ngừng nghỉ cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Hy vọng hành động đẹp và đầy ý nghĩa này của Duyên và những cộng sự sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, với những việc làm nhỏ phù hợp lứa tuổi nhưng sẽ dẫn đến những đổi thay lớn trong thói quen xả rác thải nhựa hàng ngày của người Việt.