Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Làm sao để hệ thống thanh tra giáo dục chủ động hơn

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra năm học 2018 - 2019 và phương hướng công tác thanh tra năm học 2019 - 2020 khối sở giáo dục và đào tạo.
Phát huy truyền thống Anh hùng, vẻ vang, quyết tâm chỉnh đốn, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giaoSữa học đường: Chưa thống nhất bổ sung 3 hay 21 vi chấtCả nước tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 vào sáng 5/9

Công tác thanh tra của ngành giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Tống Duy Hiến cho biết, năm học 2018-2019, công tác thanh tra của ngành giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường nền nếp kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.

Về công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, năm học qua, Thanh tra Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tập huấn quan trọng như : sử dụng phần mềm quản lý và thanh tra tài chính cơ sở giáo dục; nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019; nghiệp vụ thanh tra công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2019 cho 34 Đoàn thanh tra công tác chấm thi.

Về tăng cường đội ngũ thanh tra giáo dục, hiện cả nước có 293 cán bộ công chức làm công tác thanh tra và 16.084 cộng tác viên thanh tra giáo dục. Một số địa phương có đội ngũ Thanh tra Sở tương đối ổn định, đảm bảo số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương mà đội ngũ thanh tra, lãnh đạo thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo quy định.

Về tổ chức hoạt động thanh tra, trong năm học 2018-2019, các Sở GD&ĐT đã chú trọng xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra năm học tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như: công tác quản lý của Thủ trưởng đơn vị, những vấn đề nóng, gây bức xúc của ngành giáo dục (dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm học, sử dụng văn bằng chứng chỉ; việc tuyển dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên; việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo).

Thông qua các cuộc thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, từ đó kịp thời chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:

Có 11 Sở đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính do đã phát hiện sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản như chi sai, thu sai, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, trả lại cha mẹ học sinh. Đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu cơ sở giáo dục kiểm điểm rút kinh nghiệm cán bộ quản lý, giáo viên.

Ngoài ra, các đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong quản lý của một số phòng GD&ĐT như: quản lý thu, chi, dạy thêm, học thêm sai quy định; công tác xã hội hóa giáo dục sai quy định, gây bức xúc trong dư luận ... Các kết luận thanh tra đã tác động tích cực tới hệ thống, góp phần làm cho công tác quản lý giáo dục của địa phương ngày một quy củ, nghiêm túc.

Đặc biệt, thông qua công tác tập huấn, tăng cường thanh kiểm tra các khâu của thi THPT quốc gia, trong đó có thanh tra coi thi, chấm thi, giám sát thanh tra chấm thi. Gồm có: 04 đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi tại 08 tỉnh; 09 đoàn thanh tra công tác coi thi tại 18 tỉnh; 34 Đoàn thanh tra công tác chấm thi tại 63 tỉnh; 01 tổ giám sát hoạt động của 34 đoàn thanh tra chấm thi.

thu truong bo gddt lam sao de he thong thanh tra giao duc chu dong hon
Thứ trưởng trao tặng khen thưởng cho các cán bộ, lãnh đạo Thanh tra xuất sắc.

Làm sao để hệ thống thanh tra giáo dục chủ động hơn

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của công tác thanh tra giáo dục. Đó là lực lượng thanh tra và công tác tổ chức thanh tra của một số sở còn dàn trải, chưa sâu sát trong việc chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các vấn đề nóng mà như báo chí đã phản ánh như: vi phạm đạo đức nhà giáo; chưa chú trọng đến hoạt động giám sát của Đoàn thanh tra thi THPT quốc gia năm 2019. Nguyên nhân của những thiếu sót này được chỉ ra là do nhận thức chung về công tác thanh tra, năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra, công tác phối hợp giữa thanh tra tỉnh và thanh tra huyện, điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đã đạt được của hệ thống thanh tra giáo dục từ Bộ đến Sở. Về nhiệm vụ năm học mới, Thứ trưởng nhất trí với dự thảo phương hướng nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2019-2020 và nhấn mạnh thêm một số nội dung chủ yếu sau:

Năm học 2019-2020, trong bối cảnh triển khai Luật giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học 2018; toàn ngành thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, thì vai trò của lực lượng Thanh tra rất quan trọng. Để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, Thanh tra cần xây dựng, củng cố lực lượng, trong đó cần đặc biệt coi trọng hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ thanh tra viên trong ngành. Đây là hoạt động cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thứ trưởng yêu cầu "Lực lượng thanh tra không những nhanh - mạnh - tinh nhuệ trong công tác thanh, kiểm tra các hoạt động của ngành, mà phải làm sao khiến các cá nhân, đơn vị sự nghiệp giáo dục phải "tâm phục, khẩu phục" trong quá trình thực thi nhiệm vụ".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng, hoạt động của đội ngũ thanh tra "Làm sao để hệ thống thanh tra giáo dục chủ động hơn. Trong đó, lực lượng thanh tra tại các địa phương phải chủ động rà soát lại mọi góc cạnh, mọi hoạt động của ngành giáo dục dựa trên đặc thù của địa phương để có kế hoạch giám sát, kiểm tra cho hiệu quả, tuyệt đối không để bỏ sót bất cứ lĩnh vực nào", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường