TS Vũ Đình Chuẩn,Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học vừa qua, giáo dục trung học của cả nước đã có nhiều khởi sắc. Mạng lưới trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu phổ cập giáo dục THCS. Công tác phổ cập giáo dục THCS được tăng cường; chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà đều được nâng lên.
Bên cạnh những mặt đạt được, giáo dục trung học còn một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định, bạo lực học đường còn xảy ra; một bộ phận nhỏ giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc dư luận; việc thực hiện các quy định của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT ở một số nơi còn cứng nhắc, chưa hiệu quả…
Phát biểu tại kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đặt ra 5 vấn đề mà giáo dục trung học cần thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Nguồn: Bộ GD&ĐT. |
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Luật Giáo dục 2019, các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình, Sách giáo khoa (SGK). Những đổi mới trong công tác quản lý, quản trị, tổ chức trường học… theo Luật Giáo dục 2019, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng hiệu quả khi Luật có hiệu lực.
Thứ hai, về công tác dồn dịch điểm trường, giảm biên chế theo Nghị quyết số 18 và 19 của Bộ Chính trị, cần được thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh.
“Một số địa phương vừa qua dồn dịch điểm trường một cách cơ học, xoá bỏ điểm trường, đưa học sinh về học bán trú ở điểm trường chính, nhưng lại không quan tâm đến vấn đề địa hình chia cắt giữa trường với nhà của các em. Chúng ta cứ nghĩ đưa tất cả học sinh đến ở bán trú tại trường là tốt nhưng thực tế các em có thể gặp nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống, tâm lý khi thiếu vắng gia đình. Học sinh sẽ hạnh phúc nhất khi được học ở gần nhà, gần bố mẹ” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - |
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải đặt chất lượng giáo dục, quyền lợi của học sinh lên hàng đầu khi thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến ngành. Công tác dồn dịch điểm trường hay tinh giảm biên chế phải được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, không cào bằng. Trước khi triển khai thực hiện, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, tính toán, căn cứ vào quy mô phát triển, địa hình, địa lý thực tế… để đưa ra các phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Thứ ba, giáo dục trung học cần đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó cố gắng tiếp tục triển khai thực hiện những mô hình dạy học hiệu quả, tích cực như: giáo dục STEM, mô hình trường học gắn với di sản, trường học gắn với du lịch…
Thứ tư, về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, toàn ngành giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng cần quyết tâm thực hiện tốt 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm học 2019-2020 này là: chuẩn bị SGK và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Về chuẩn bị SGK cho chương trình mới, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực thực hiện, trong tháng 9 tới sẽ hoàn thành việc thẩm định các bộ SGK đã được nhà xuất bản gửi về, trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng.
Với nội dung giáo dục địa phương, ở cấp Tiểu học sẽ được lồng ghép trong các môn học, nhưng cấp THCS phải có tài liệu riêng. Tài liệu này do các địa phương xây dựng, song song với đó, địa phương được quyền lựa chọn SGK trong các bộ sách được phê duyệt. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các Sở GD&ĐT tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh sớm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và xây dựng hướng dẫn quy trình để chọn SGK.
Công tác bồi dưỡng giáo viên là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm bởi đây là nhân tốt quyết định thành công của chương trình GDPT mới. Quan điểm và cách thức bồi dưỡng lần này có nhiều khác biệt so với trước đây. Cụ thể, giáo viên thay vì chỉ được bồi dưỡng trực tiếp tập trung sẽ được kết hợp bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Nội dung bồi dưỡng không xoay quanh chương trình tổng thể, chương trình môn học của chương trình GDPT mới mà kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ đã ban hành.
“Nếu chúng ta có những thầy cô giáo không tốt, quá trình giáo dục sẽ gặp khó khăn, chất lượng giáo dục theo đó khó có thể đảm bảo” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - |
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và các điều kiện khác đảm bảo theo yêu cầu của chương GDPT mới, cũng được lãnh đạo ngành giáo dục lưu ý các địa phương.
Thứ năm, tục đổi mới phương pháp quản lý theo hướng phân cấp phân quyền, đặc biệt là tăng cường quản lý chất lượng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác quản trị của nhà trường cần thay đổi chuyển từ quản lý theo mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác. Cách quản lý mới cần tạo ra môi trường làm việc công bằng, khách quan, dân chủ, sáng tạo, đảm bảo sản phẩm giáo dục mà trường đào tạo ra sẽ chất lượng.
Một số việc mà giáo dục trung học cần thực hiện trong năm học tới để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý là: tăng cường công tác quản lý bạo lực học đường; tăng cường công tác quản lý giáo viên để không còn tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, đảm bảo đúng quy định.