Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới: Bài 1-Vẫn kém bền vững

Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới qua các năm đã mang lại nhiều sự cải thiện rõ nét về môi trường ở các vùng nông thôn.
Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mớiGần 82.000 tỉ đồng đầu tư lưới điện nông thônXây dựng nông thôn mới cần đảm bảo tính thiết thực và bền vững

Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện tiêu chí này vẫn còn những bất cập, khó khăn cần được tháo gỡ, để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết về chủ đề này.

Bài 1 - Vẫn kém bền vững

Qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của các bên liên quan vào công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường. Kết quả đó được thể hiện qua tỉ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó cả nước có 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 61,1%, tăng 3,9% so với cuối năm 2018. Mặc dù có những chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động, nhưng so với nhiều tiêu chí khác, tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí kém bền vững nhất trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

thuc hien tieu chi moi truong trong xay dung nong thon moi bai 1 van kem ben vung
Tuyến kênh mương tưới, tiêu được đầu tư bê tông hóa đồng bộ theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Đan Phương, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Những chuyển biến rõ nét

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, từ năm 2016 đến nay, công tác bảo vệ môi trường mà cụ thể là việc thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới đã có bước khởi sắc một cách toàn diện. Thành công đó trước hết là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Hầu hết lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện các nội dung về môi trường, không chỉ mang lại bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, mà chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cũng không ngừng được nâng cao. Sự gắn kết giữa người dân và người dân, giữa người dân và các tổ chức đoàn thể, giữa người dân và chính quyền ngày càng được cải thiện. Từ sự ổn định về chất lượng cuộc sống và sự củng cố mối quan hệ cộng đồng, các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông thôn sẽ không ngừng được tăng cường.

Tiếp theo là sự vào cuộc và ý thức trách nhiệm với môi trường của cộng đồng dân cư. Tại nhiều nơi, người dân đã không coi việc vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, việc trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc “phải làm”, mà là việc “cần làm” với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao, điển hình tại các địa phương như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Trị...

Quá trình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhiều bài học hay, cách làm tốt trong phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã xuất hiện tại Hà Tĩnh, Nam Định...; việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại Nam Định, An Giang...; việc xử lý chất thải chăn nuôi tại Gia Lâm..., xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình, cụm dân cư với chi phí thấp, phương án vận hành đơn giản ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh và thành phố Sông Công, Thái Nguyên... đã phát huy hiệu quả trên thực tế.

Với áp lực từ cộng đồng và nhu cầu tất yếu của thực tiễn công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhiều mô hình công nghệ, biện pháp quản lý trong thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai và phần nào từng bước giải quyết được những bức xúc từ hậu quả ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp chất thải sinh hoạt mang lại.

Phụ thuộc vào nhận thức, ý thức của chính quyền và người dân

Bên cạnh những thành quả rõ nét của việc thực hiện tiêu chí môi trường trong thời gian qua, thực tế triển khai tại các địa phương cũng cho thấy, việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, tiêu chí môi trường là tiêu chí kém bền vững. Mặc dù so với nhiều tiêu chí khác, việc thực hiện tiêu chí môi trường đôi khi không đòi hỏi phải đầu tư lớn, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân. Bài học từ nhiều địa phương cho thấy, nếu chỉ cần dừng lại (sau thời điểm công nhận) mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, các kết quả đạt được sẽ tụt hậu rất nhanh (như hình ảnh thuyền bơi ngược dòng, nếu dừng tay chèo sẽ bị trôi ngược).

Ngay tại thời điểm công nhận, thực chất nhiều nội dung, yêu cầu của tiêu chí môi trường mới dừng lại ở mức “đạt”, thậm chí mới chỉ là các “phương án” thực hiện (như phương án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường cho các làng nghề, phương án thu gom và xử lý chất thải, phương án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung, phương án cải tạo ao hồ...). Như vậy, nếu không có các giải pháp quyết liệt (với lộ trình, nguồn lực và phân công trách nhiệm cụ thể) trong việc triển khai thực hiện các phương án nêu trên, thì coi như tiêu chí môi trường vẫn đang còn “nợ”.

Thời gian qua, nhiều địa phương còn tập trung vào đầu tư hạ tầng mà chưa chú trọng nhiều đến cảnh quan, nhiều nơi đường làng ngõ xóm, hàng rào cây xanh được bê tông hóa, làm mất đi vẻ đẹp hiền hòa, truyền thống của cảnh quan nông thôn, tạo hiệu ứng bất lợi cho môi trường (thiếu hệ sinh thái thực vật với mục tiêu điều hòa tiểu khí hậu, giữ độ ẩm, hấp thu CO2... và lâu dài là các mục tiêu về kinh tế).

Một điểm rất cần được đề cập đến trong việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, đó là các biện pháp kỹ thuật phù hợp, hoặc công nghệ áp dụng phù hợp, trong đó có cả mô hình về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống, nhất là tại các địa phương vùng núi cao, biên giới và hải đảo. Các mô hình cảnh quan môi trường tương đối đa dạng, nhưng đâu đó cũng bộc lộ những bất cập nhỏ cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và điều chỉnh, như các bồn cây ven đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại; sự khó khăn trong tiếp cận trồng hoa, cây xanh ven quốc lộ, các tuyến đê hay kênh mương thủy lợi.

Việc xây dựng các mô hình cảnh quan môi trường cũng đặt ra nhiều vấn đề, như trồng hoa, trồng cây lấy gỗ hay chỉ duy trì giá trị cảnh quan; việc trồng cây phù hợp tại những điểm thiếu đất, thiếu không gian, thiếu mặt bằng hay tại các vùng thiếu nước. Mặt khác, có nên giao khoán các khu vực cho các hộ dân vừa duy trì thảm thực vật, hành lang cây xanh bảo vệ cảnh quan vừa mang lại giá trị kinh tế hay không?

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc phương thức quản lý các cơ sở, đặc biệt là cơ sở sản xuất nhỏ trong khu dân cư; nguồn lực đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường cho các làng nghề, cụm công nghiệp và nguồn kinh phí vận hành các công trình sau khi được đầu tư; quy hoạch không gian cho các khu vực chăn nuôi tập trung và quản lý thực hiện theo quy hoạch; mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là bảo tồn được các hệ sinh thái ven biển đặc thù.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương không chỉ dừng ở quản lý sản phẩm lương thực, thực phẩm, mà cần tiếp cận cả quy trình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ... Vấn đề nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh cho một số vùng còn đang khó khăn như vùng biên giới, hải đảo, Đồng bằng sông Cửu Long... Mô hình xử lý nước thải phân tán hộ gia đình, cụm dân cư phù hợp; mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt; các mô hình, biện pháp công nghệ tận thu, quay vòng, tái chế, tái sử dụng các chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và trên địa bàn nông thôn... cần phù hợp với đặc thù từng khu vực.

Những điểm nêu trên cần có lời giải đáp hữu hiệu trong giai đoạn tiếp theo của việc thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Được “sống trong môi trường trong lành, sạch đẹp” là nhu cầu tất yếu của mỗi người dân, vì vậy yêu cầu đối với môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, phải được nâng dần lên. Xây dựng tiêu chí môi trường là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Do đó, việc củng cố kết quả thực hiện tiêu chí môi trường giai đoạn này, tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện tiêu chí nâng cao trong giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết để xây dựng nông thôn mới bền vững.

Bài 2 - Những giải pháp chủ yếu để thực hiện hiệu quả và bền vững

Theo (Văn Hào/TTXVN)