Tóm tắt: Vấn đề về nước, đặc biệt là nước sạch hiện nay đang trở nên rất bức thiết. Ở Việt Nam, tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang gây sức ép không nhỏ đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế. Quản lý tài nguyên nước bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi Việt Nam chủ động được chưa tới 30% nguồn nước, gần 70% còn lại là lượng nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Việt Nam đã thực hiện một số công cụ dựa trên tiếp cận thị trường như thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí trong khai thác sử dụng nước, phí trợ cấp tiền sử dụng nước...
Nhằm đánh giá thực trạng thực hiện các công cụ kinh tế (CCKT) trong quản lý tài nguyên nước (TNN) tại Việt Nam, tác giả đã tiến hành rà soát các điều khoản trong các văn bản luật quy định về CCKT quản lý TNN. Hiện nay, tại Việt Nam đang áp dụng CCKT trong quản lý TNN như là thuế tài nguyên, phí BVMT với nước thải, bước đầu áp dụng định giá nước sinh hoạt và đã thu được những kết quả đáng kể. Bài viết cũng phân tích cơ hội áp dụng CCKT trong quản lý TNN ở Việt Nam.
Vấn đề về nước sạch hiện nay đang trở thành vấn đề bức thiết, nhận được sự quan tâm không chỉ ở phạm vi một quốc gia, một khu vực mà đang là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo năm 2025 sẽ có gần 2 tỉ người phải sống tại các khu vực khan hiếm nguồn nước và 2/3 cư dân trên hành tinh có thể bị thiếu nước. Quản lý TNN bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi Việt Nam chủ động được chưa tới 30% nguồn nước, gần 70% còn lại là lượng nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang gây sức ép không nhỏ đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế. Câu hỏi đặt ta cần áp dụng công cụ quản lý nào là hiệu quả để khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm TNN? Và hiện nay Việt Nam đã áp dụng một số công cụ quản lý dựa vào thị trường đã đem lại kết quả bước đầu khả quan.
Việt Nam được chia thành 16 lưu vực sông chính. Phát triển tại 4 lưu vực sông chính đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam, đó là vùng lưu vực sông ĐBSH (25%), vùng ĐBSCL (17%), vùng Đồng Nai (28%) và nhóm các sông miền Đông Nam Bộ SERC (10%) [3]. Tổng lượng nước cần cung cấp cho các ngành kinh tế hiện tại khoảng 137 – 145 tỉ m3; dự báo đến năm 2030, con số này là khoảng 150 tỉ m3. Trong đó, lượng nước sử dụng trong mùa khô chiếm tới 60%, nếu tính cả lượng cần cho môi trường sinh thái ở hạ du khoảng 50 tỉ m3, thì tổng lượng nước cần có để dùng trong mùa khô là 140 tỉ m3. Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên trong mùa khô của tất cả các LVS chỉ khoảng 30%, tương đương với 96 tỉ m3, cộng với lượng nước trữ được của các hồ chứa trên toàn quốc khoảng 40 tỉ m3 thì lượng nước cấp trong mùa khô rất căng thẳng, dẫn đến xung đột trong sử dụng nước giữa các ngành trên một LVS và xung đột này ngày càng gay gắt, nhất là tại các LVS vừa và nhỏ [1].
Nhu cầu sử dụng nước hiện nay của khoảng 30 triệu người sống tại các khu vực thành thị về nước sinh hoạt, kinh doanh và dịch vụ ước tính từ 8 đến 10 triệu m3 mỗi ngày. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước ở các khu vực thành thị là khoảng 5,4 triệu m3/ngày, đáp ứng ít hơn 70% nhu cầu nước đô thị [5]. Bên cạnh đó, có tới 62% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh và lên đến 30% dân số được cung cấp nước uống. Cấp nước cho sinh hoạt và hoạt động vệ sinh của người dân ở nhiều khu vực thành thị và nông thôn phần lớn là từ nguồn nước ngầm [1].
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, tổng nhu cầu nước là 80,2 tỉ m3/năm vào năm 2009 [9]. Báo cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi (2015) dự báo nhu cầu nước hiện tại ở mức 80,6 tỉ m3/năm và 95 tỉ m3/năm vào năm 2030 [5].
Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) đưa nước ta vào nhóm quốc gia thiếu nước. Sự phụ thuộc lớn vào nguồn nước xuyên biên giới làm tăng tính không chắc chắn của sản lượng nước trong tương lai ở các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Với 63% tổng lượng nước mặt đến từ bên ngoài như Campuchia, Trung Quốc và Lào, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nước láng giềng. Ví dụ như các lưu vực sông Cửu Long và sông Hồng, đóng góp khoảng 42% GDP của Việt Nam, nhận 95% và 40% lưu lượng hàng năm tương ứng từ bên ngoài. Đây là một thực trạng đáng báo động và nếu không quản lý tốt nguồn tài nguyên này thì chỉ trong tương lai gần, nước ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nước [8].
Hội nghị Quốc tế về Nước và Môi trường (ICWE) đưa ra quan điểm: “Thất bại của quá khứ trong việc nhận ra giá trị kinh tế của nước đã dẫn đến việc sử dụng nguồn tài nguyên này một cách lãng phí và có hại cho môi trường”. Lý thuyết kinh tế cho thấy nhìn nhận nước như là một hàng hóa kinh tế sẽ đem đến hiệu quả về mặt phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả TNN. Hiện nay ở Việt Nam đã áp dụng một số CCKT trong quản lý TNN như: Phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên (trong đó có quy định về TNN) và công cụ định giá nước.
1.1. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” đã được áp dụng đối với CCKT phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải.
Các văn bản pháp quy quy định phí BVMT đối với nước thải
Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003. Theo Nghị định, phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt do công ty cung cấp nước sạch thu kèm cùng với việc thu tiền nước sạch sử dụng. Mức phí nước thải sinh hoạt do HĐND các địa phương tự quy định, với mức trần là 10% giá bán nước sạch chưa tính thuế. Đối với nước thải công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải tự kê khai số phí của mình theo mẫu quy định, nộp tờ khai cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Sau đó Sở TN&MT sẽ ra thông báo nộp phí, và cơ sở sẽ phải tự nộp phí vào kho bạc nhà nước trên địa bàn.
Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp tại Điều 48 có quy định về đối tượng thu phí thoát nước gồm: (1) Tất cả các hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát nước có nghĩa vụ trả phí thoát nước theo quy định của Nghị định này;
(2) Tất cả các hộ thoát nước xả nước thải trực tiếp ra môi trường có nghĩa vụ trả phí BVMT đối với nước thải theo quy định của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải và Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 8/1/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP. Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 22/3/2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP.
Nghị định 154/2016/NĐ-CP QĐ Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định này thay thế Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 và các văn bản sau đó. Theo đó quy định, những trường hợp chịu phí là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt gồm: Hộ gia đình; Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; Cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; Bệnh viện; Phòng khám chữa bệnh; Nhà hàng…
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của một m3 nước sạch chưa bao gồm thuế VAT. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, HĐND cấp tỉnh, thành phố quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được tính như sau: F = f + C, trong đó F là số phí phải nộp; f là mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm; C là phí biến đổi, tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm. Theo quy định, những trường hợp chịu phí là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt gồm: Hộ gia đình; Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; Cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; Bệnh viện; Phòng khám chữa bệnh; Nhà hàng…
Năm 2020 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016. Nghị định 53/2020/NĐ-CP nêu rõ: Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải quy định trên là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Nghị định nêu rõ: Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí. Về mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Nghị định quy định: Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau: Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.
Hiện trạng thực thi quy định phí BVMT đối với nước thải
Phí BVMT đối với nước thải được thực hiện bắt đầu từ năm 2004 với mục tiêu huy động đóng góp tài chính để khôi phục môi trường và khuyến khích giảm thiểu việc xả chất ô nhiễm vào môi trường, sử dụng nguồn nước sạch một cách hiệu quả. Phí BVMT đối với nước thải chia thành 2 loại phí là: Phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.
Các địa phương đều đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến và đối tượng khác có nước thải thuộc đối tượng nộp phí theo đúng quy định. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cơ bản chấp hành về công tác quan trắc và khai báo chất ô nhiễm có trong nước thải theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP. Một số doanh nghiệp có khối lượng nước thải lớn (từ trên 1.000 m3 nước thải/ngày đêm) đã thực hiện quan trắc tự động có kết nối với cơ quan quản lý môi trường, do vậy, việc theo dõi hàm lượng chất ô nhiễm và khối lượng nước thải là cơ sở xác định số phí phải nộp được giám sát chặt chẽ.
Nhìn chung, việc triển khai thu phí BVMT đối với nước thải được các địa phương ghi nhận là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giám sát, theo dõi các đối tượng xả nước thải trên địa bàn, nhất là các nguồn thải lưu lượng lớn, có tác động nhiều đến môi trường; nguồn thu phí (số tiền phí thu được năm 2016 là 1.287 tỉ đồng, năm 2017 là 2.102 tỉ đồng) góp phần tăng cường kinh phí cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương.
Phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt
Đơn vị thu phí là đơn vị cung cấp nước sạch chịu trách nhiệm thu phí và nộp vào ngân sách nhà nước. UBND phường xã kết hợp với các đơn vị cấp nước xác định mức thu phí. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý theo dõi việc thu phí là Sở TN&MT. Việc thu phí nước thải sinh hoạt đã được thực hiện bắt đầu từ năm 2004, nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi ban hành nhiều Nghị định kế tiếp với hướng dẫn chi tiết, việc thu phí nước thải sinh hoạt đã tăng đáng kể, đặc biệt là các thành phố lớn trong cả nước, tỉ lệ đạt trên 85%. Số phí nước thải sinh hoạt thu được lên đến 90% trong tổng số phí nước thải thu được, đặc biệt mức thu cao nhất trong cả nước là TP.HCM, Hải Phòng và một số thành phố lớn khác.
Phí BVMT đối với nước thải công nghiệp
Mặc dù quy định về việc thu phí nước thải công nghiệp được nhà nước ban hành đầu tiên là Nghị định 67/2003/NĐ-CP, nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vì thế hiệu quả thu phí nước thải công nghiệp còn rất thấp, các nhà quản lý còn lúng túng trong cách thu và tính phí, các doanh nghiệp tìm cách trốn tránh và nợ phí. Sau hơn 15 năm tổ chức thực hiện, mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực nhưng quá trình thu và nộp phí nước thải ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn:
Thứ nhất, số phí thu được của các tỉnh, thành phố thấp hơn nhiều so với số phí ước tính ban đầu: Theo thống kê 2015, tỉ lệ thu phí nước thải của cả nước còn rất thấp, như 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chỉ thu được chừng 20 - 30% so với dự kiến. Trên địa bàn cả nước mới có 45/64 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí, hiện vẫn còn 19 tỉnh, thành phố chưa thực hiện việc này. Với gần 1/3 số địa phương trên cả nước chưa thực hiện việc thu phí). Thứ hai, nhiều doanh nghiệp không chấp hành các quy định nộp phí nước thải như theo Sở TN&MT TP.HCM tổng hợp năm 2020 có đến 25% doanh nghiệp chưa đóng phí nước thải, trong khi đó tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra ngày càng trầm trọng...
Nhìn chung, phí môi trường nói chung hay phí nước thải nói riêng là một trong những CCKT rất hiệu quả, đã góp phần to lớn vào công tác quản lý và bảo vệ môi trường, đem lại một nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên mức thu phí BVMT đối với nước thải của nước ta còn tương đối thấp, tỉ lệ thu phí chưa cao và mức thu khác xa so với thực tế.
1.2. Thuế Tài nguyên
Nguyên tắc “Người hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền” đã được áp dụng tại nước ta trong quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng nước thông qua thuế tài nguyên. Luật Thuế tài nguyên được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009. Luật gồm 4 chương, 11 điều quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, kê khai nộp thuế và miễn, giảm thuế. Đây là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước góp phần giám sát, thúc đẩy sử dụng tài nguyên tiết kiệm.
Với quy định về thuế TNN trong Thuế tài nguyên mới chỉ có thể tính thuế được cho nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện do được áp dụng Quyết định 284/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Phí khai thác, sử dụng nước mặt và nước ngầm chủ yếu mới được áp dụng với các doanh nghiệp như thủy điện, thủy lợi, cơ sở cấp nước; Các loại hình doanh nghiệp khác, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình hầu như chưa trả phí cho việc khai thác và sử dụng nước ngầm. Nước thiên nhiên là loại tài nguyên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và đang có xu hướng khan hiếm nhưng khung thuế suất hiện hành còn ở mức thấp (1% - 10%).
Kết quả nghiên cứu cho thấy pháp luật về Thuế tài nguyên là công cụ quan trọng để thúc đẩy quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật Thuế tài nguyên 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt trong việc xác định trách nhiệm người nộp thuế, sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất thuế tài nguyên. Một số điểm mâu thuẫn và quy định không rõ ràng trong các văn bản luật nói trên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý Thuế tài nguyên.
Sau một thời gian thực hiện Luật Thuế tài nguyên đã bộc lộ một số những điểm không còn phù hợp và trong bối cảnh hiện nay môi trường đã có nhiều thay đổi, một số khuyến nghị được đề xuất là: (i) sửa đổi quy định pháp luật về người nộp thuế để tránh mâu thuẫn; (ii) sửa đổi các quy định về giá tính thuế và sản lượng tính thuế để đảm bảo phản ánh đúng bản chất của thuế tài nguyên và thúc đẩy khai thác, sử dụng tài nguyên nói chung và TNN nói riêng một cách tiết kiệm, hợp lý; (iii) sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về quản lý tài nguyên, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý thuế tài nguyên.
1.3. Định giá nước
Định giá nước là tính phí cho việc lấy nước khỏi hệ thống có thể được sử dụng như một CCKT để quản lý nhu cầu và thu hồi chi phí.
Định giá nước sinh hoạt theo dịch vụ cấp nước
Theo Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT -BTC-BXD-BNN hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Giá thành toàn bộ của sản phẩm nước sạch bao gồm các khoản mục bảng 1.
Bảng 1. Bảng giá tiêu thụ nước sạch
Đứng trước tình hình nước ta sẽ thiếu nước, các nguồn nước mặt trong các lưu vực bị phụ thuộc vào nguồn nước sản sinh từ nước ngoài, bên cạnh đó là sự thay đổi của khí hậu toàn cầu, nên việc áp dụng các công cụ để thu hồi chi phí, khuyến khích tiết kiệm/ bảo tồn nước, và bảo vệ môi trường nước là hết sức cần thiết. Công cụ định giá TNN là CCKT giúp các nhà quản lý và người sử dụng nhận thức rõ về giới hạn của TNN và sử dụng nước tiết kiệm. Các phương pháp định giá TNN hiện nay đang được các nhà khoa học, nhà kinh tế nghiên cứu để làm cơ sở cho các nhà quản lý đưa ra phương thức quản lý hiệu quả. Dựa trên cơ sở lý thuyết kinh tế, các nhà kinh tế đã phát triển các phương pháp thực nghiệm để đánh giá giá trị kinh tế của tài nguyên. Cho đến nay, chưa có một hệ thống phương pháp nào được xây dựng và áp dụng riêng biệt để đánh giá giá trị của nước sinh hoạt, thay vào đó người ta xây dựng các phương pháp chung rồi áp dụng cho nước sinh hoạt như một dạng tài nguyên cụ thể. Có một số nghiên cứu đã ứng dụng phương pháp định giá nước như: Phương pháp dựa vào thị trường thực, phương pháp dựa vào thị trường thay thế, phương pháp dựa vào thị trường giả định, phương pháp định giá theo khối, phương pháp định giá 2 thành phần, phương pháp định giá chi phí cận biên. Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã sử dụng cơ cấu định giá theo block (khối lượng) tăng dần trong việc cung cấp nước sinh hoạt nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng và sử dụng nguồn nước hiệu quả.
Việc áp dụng các CCKT trong quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng ở Việt Nam mới đang ở những bước ban đầu. Trong quá trình đó, nước ta đã có một số thuận lợi cơ bản:
Quan điểm và đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng, tăng cường áp dụng các CCKT.
Nhận thức, ý thức của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp với các vấn đề môi trường ngày càng được nâng cao. Không ít doanh nghiệp và người dân đã nhận thức được và sẵn lòng chi trả cho các trách nhiệm môi trường liên quan.
Với lợi thế của người đi sau, Việt Nam có điều kiện học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong việc áp dụng CCKT, có thể rút ngắn được thời gian cũng như tránh được những sai lầm không đáng có trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các CCKT.
Áp dụng các CCKT đã trở thành một yếu tố tất yếu để bảo đảm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý TNN nói riêng. Để có thể áp dụng một cách toàn diện và có hiệu quả các CCKT ở Việt Nam, theo tác giả, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các công việc sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến áp dụng CCKT trong quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng nói chung.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện các CCKT hiện có và mở rộng quy mô/ phạm vi áp dụng của các công cụ này, ví dụ như mở rộng quy mô thu phí BVMT, tiếp tục thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải (hiện nay tính phí với mức thu 10% chi phí nước sạch sử dụng), đề xuất các mức phí hợp lý hơn…
Ba là, áp dụng CCKT trên cơ sở phối hợp thường xuyên và đồng bộ với các công cụ quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng khác như công cụ pháp lý, công cụ kỹ thuật, huy động sự tham gia của cộng đồng…
Bốn là, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu của thực tế (ví dụ: Hệ thống các trang thiết bị đo lường, phân tích, giám sát…; Đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ về kinh tế môi trường…).
Năm là, nâng cao nhận thức và năng lực của các doanh nghiệp về quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng và áp dụng các CCKT trong quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng, giúp doanh nghiệp chủ động và linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các giải pháp BVMT có hiệu quả chi phí tốt nhất…
Sáu là, hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn môi trường như là những cầu nối giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lựa chọn các giải pháp quản lý môi trường nói chung và quản lý TNN nói riêng và kinh doanh bền vững.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đưa vào thực hiện các CCKT trong quản lý TNN có triển vọng áp dụng thành công ở Việt Nam như: Quỹ môi trường, quota.
Đối mặt với những thách thức về môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực trong việc cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu BVMT hướng tới phát triển bền vững. Quản lý môi trường bằng các công cụ hành chính (công cụ mệnh lệnh - kiểm soát) đã thể hiện nhiều hạn chế trong bối cảnh hiện nay. Sự ra đời của CCKT trong quản lý môi trường tạo ra động lực tài chính nhằm khuyến khích các bên tham gia có trách nhiệm giảm lượng phát thải hay tạo ra các sản phẩm ít ô nhiễm đã nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh chung này, tại Việt Nam, các CCKT trong quản lý TNN đã bước đầu được áp dụng và thu được những kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn bộc lộ nhiều bất cập.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuế và phí là CCKT trong quản lý TNN được áp dụng rất nhiều ở các quốc gia trên thế giới. Nhằm đánh giá thực trạng thực hiện các CCKT trong quản lý TNN tại Việt Nam, tác giả đã tiến hành rà soát các điều khoản trong các văn bản luật quy định về CCKT quản lý TNN. Hiện nay, tại Việt Nam đang áp dụng CCKT trong quản lý TNN như là Thuế tài nguyên, phí BVMT với nước thải, bước đầu áp dụng định giá nước sinh hoạt và đã thu được những kết quả đáng kể.
Nghiên cứu cũng phân tích cơ hội áp dụng CCKT trong quản lý TNN trong tương lai. Bài viết đã đề xuất một số kiến nghị để CCKT thực sự hữu ích trong quản lý TNN của nước ta như công cụ quota, Quỹ môi trường.