Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi tắm sông, hồ ngày nắng nóng

Dù các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đưa tin về các vụ tai nạn đuối nước thương tâm, đồng thời cảnh báo về những nguy hiểm rình rập khi tắm tại những bãi tắm tự phát, thế nhưng bãi tắm tự phát như hồ Tây, hồ Linh Đàm, sông Hồng vẫn đông đúc người dân đến tắm vào mùa hè.
Người Hà Nội "đổ bộ" xuống hồ Tây tắm giải nhiệtTriển khai dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và hồ Tây

Từ lâu, tắm sông, hồ được coi là cách giải nhiệt khá ưa thích đối với nhiều người dân Hà Nội, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng việc tắm ở sông, hồ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Những nguy cơ này luôn hiện hữu bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra tại nhiều sông, hồ trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do tác động của các nguồn nước thải trực tiếp không qua xử lý nên hiện nay nước tự nhiên tại các sông, hồ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đối với con người. Nhiều hồ ở Hà Nội, như: hồ Linh Đàm, hồ Tây, hồ Ngọc Khánh, hồ Hoàng Cầu… nhiều lần diễn ra tình trạng cá chết hàng loạt. Đây là dấu hiệu cho thấy nguồn nước tự nhiên tại các hồ này đang bị ô nhiễm trầm trọng. Thực tế thời gian qua đã ghi nhận không ít trường hợp bị nhiễm độc do nước sông, hồ bị ô nhiễm, hoặc "may mắn" hơn thì có thể mắc các bệnh da liễu do nước sông hồ bẩn.

tiem an nhieu nguy co khi tam song ho ngay nang nong
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (bên trái) trao đổi với phóng viên Kinh tế Môi trường.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: "Trong những ngày nắng nóng, nhiều người tìm đến sông, hồ.… để tắm mát. Tuy nhiên, nhiều sông, hồ lại là nơi tiếp nhận các loại nước thải từ khu dân cư, nhà hàng, cơ sở sản xuất chưa qua xử lý. Vì vậy, nguồn nước ở đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của những người tắm tại các khu vực này".

Còn theo các chuyên gia về sức khỏe, khi bơi, tắm, thời gian ngâm nước càng dài thì khả năng mắc bệnh càng cao. Các bệnh điển hình là viêm da tiếp xúc, dị ứng, nhiễm nấm… Bệnh thường chỉ bắt đầu với triệu chứng ngứa, xuất hiện mụn nước… Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây viêm da nặng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bị nhiễm, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều biến đổi như hiện nay.

Các bệnh về tai, mắt là những bệnh thường gặp khi người tắm hoặc bơi lội trong môi trường nước sông, hồ bị ô nhiễm. Bởi khi bơi lội tại sông, hồ do không đeo kính, nên việc này có thể khiến mắt phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bẩn và mắc bệnh. Ngoài triệu chứng đỏ mắt, nước bẩn có thể gây bệnh mắt hột, lậu mắt… Những nơi càng ô nhiễm, khả năng mắc bệnh càng cao.

Cùng với đó, tai cũng là nơi dễ dàng bị ứ đọng nước bẩn, nấm và vi khuẩn xâm chiếm. Nếu không có biện pháp giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chúng có thể gây đau nhức, viêm nhiễm, ảnh hưởng xấu đến thính giác.

tiem an nhieu nguy co khi tam song ho ngay nang nong
Cá chết trắng tại hồ Tây, ảnh chụp tháng 7/2018

Ngoài ra, hoạt động bơi lội trong môi trường nước sông, hồ bị ô nhiễm còn tiềm ẩn những nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Trong nước hồ, sông có thể tồn tại ấu trùng giun, sán và E. coli. Nếu không may uống phải, sẽ mắc các bệnh về tiêu hoá như tiêu chảy, nhiễm giun, sán, viêm ruột. Ngoài ra, trong nước bẩn cũng tồn tại ký sinh trùng Giardia gây tiêu chảy cấp, Norwalkvirus gây viêm dạ dày, viêm gan vi rút A.

Đặc biệt, "vùng kín" cũng là nơi dễ tổn thương do quá trình ngâm lâu trong nguồn nước ô nhiễm, cơ quan sinh dục có thể bị tổn thương, mắc các bệnh phụ khoa, nam khoa. Ngoài ra, nếu trong vùng bơi có người mắc bệnh, mầm bệnh có thể lây nhiễm sang người xung quanh. Chúng không chỉ đem đến sự khó chịu mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ sinh sản của người bơi.

tiem an nhieu nguy co khi tam song ho ngay nang nong
Nhiều người chọn Hồ Tây làm điểm bơi lội trong những ngày nắng nóng

Bên cạnh các nguy cơ về sức khỏe, thói quen tắm ở các sông, hồ khi thời tiết nắng nóng còn đi liền với nguy cơ cao về đuối nước. Bởi các điểm bơi trên sông, hồ thường tự phát, không có nhân viên cứu hộ túc trực. Thời tiết nắng nóng dễ gây đến các hiện tượng như đột quỵ, sốc nhiệt… Vì vậy, khi tắm, bơi tại các sông, hồ chỉ cần một chút sơ suất là đã có thể khiến người bơi bị đuối nước, dễ dẫn đến tử vong.

Có thể thấy, bơi lội là một nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người, nhưng phải có biện pháp cần thiết để vừa thỏa mãn sở thích bản thân vừa bảo đảm an toàn. Trước hết, người đi bơi phải có ý thức tự bảo vệ bản thân; hạn chế việc tắm sông, hồ tùy tiện nhất là tại các khu vực nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm để tránh các nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh nguy hiểm.

Quang Đạo
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường