Tá hoả vì tiền điện tăng 190 lần
Đó là trường hợp của chị H.V. thuê nhà của bà Phùng Thị Phượng (trú phường Kỳ Phương, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Trung bình mỗi tháng, chị V. sử dụng từ 70-130 nghìn tiền điện.
Tháng 6 vừa qua, chị V. nhận được hóa đơn tiền điện lên đến hơn 13,5 triệu đồng, tăng gấp 190 lần so với tháng trước khiến chị giật mình và phản ánh sự việc.
Trả lời Tổ quốc, ông Đoàn Văn Tạnh - Giám đốc Hợp tác xã Tiền Phương (Đơn vị cung cấp điện trên địa bàn phường Kỳ Phương, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, tiền điện tăng đột biến là do rò rỉ gây thất thoát điện năng vào mái tôn.
Ảnh hóa đơn tiền điện của chị Phượng lên đến trên 13,5 triệu đồng. |
Sau khi sự việc xảy ra, HTX Tiền Phương đã mời chị V. lên để lập biên bản sự việc và cùng phối hợp giải quyết sự việc.
"Do chị V. chỉ là khách thuê nhà, còn chủ nhà lại đi vắng ở xa nên phía đơn vị đã quyết định giải quyết bằng cách lập biên bản, yêu cầu chị V. đóng 130 nghìn đồng bằng đúng với số tiền điện của tháng cao nhất mà chị V. sử dụng từ trước đến nay.
Số tiền còn lại, đơn vị sẽ chờ chủ nhà về rồi phối hợp giải quyết và HTX sẽ hỗ trợ 30-50% số tiền này do sự cố không mong muốn. Tuy nhiên, chị V. không đồng tình ký vào biên bản nên sự việc chưa được giải quyết", ông Tạnh nói.
Giám đốc Hợp tác xã Tiền Phương cũng cho biết đã tạm ngưng cấp điện cho gia đình này, khi nào khách hàng nạp tiền thì điện mới được đóng trở lại.
Khách hàng bị tính nhầm tiền điện... gần 90 triệu: 'Do bụi bẩn nên máy đọc không chuẩn' |
Theo ông Tạnh, lý do chị V. chưa ký vào biên bản vì trong biên bản một phần là HTX có yêu cầu gia đình này thay lại đường dây điện, tránh sự cố tương tự và đáng tiếc. Tuy nhiên chị V. cho rằng chị là khách trọ nên việc chị phải thay đường dây là chưa hợp lý nên chưa đồng ý.
Do chủ nhà đang đi vào miền Nam chưa thể về để giải quyết nhưng đường dây điện của gia đình này và trực tiếp là chị V. đang sử dụng thì đã xuống cấp và dẫn đến rò rỉ điện 2 lần. Nếu không thay ngay thì rất nguy hiểm, mất an toàn và có thể xảy ra tai nạn điện bất cứ lúc nào.
"Chúng tôi đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu nên buộc phải thay dây điện chúng tôi mới cung cấp điện trở lại. Tuy nhiên khách hàng chưa đồng ý ký vào biên bản, chưa đóng tiền. Khi nào khách hàng đồng ý thì chúng tôi sẵn sàng giải quyết ngay", ông Tạnh thông tin thêm.
Nơi được cho là điện bị rò rỉ khiến chỉ số công tơ tăng vọt. (Ảnh: Dân Việt) |
Trong khi đó, trả lời báo Dân Việt, chị V. cho biết: "Hôm đó (ngày 16/6), người bên HTX điện đến ghi chỉ số công tơ, thấy họ thông báo là điện tôi dùng tháng này tăng đột biến. Sau đó, anh này leo lên mái để kiểm tra rồi thông báo là điện tôi bị dò rỉ trên mái. Từ đó đến nay nhà tôi đã bị cắt điện".
Cũng theo chị V., thiết bị điện trong nhà chỉ có: 1 tủ lạnh, 1 chiếc máy may, 1 nồi cơm điện và một vài bóng điện thắp sáng, không dùng quạt, có điều hòa nhưng không dùng đến. Vì vậy khi thuê lại ngôi nhà này của bà Phượng từ tháng 9/2019 đến nay tiền điện chị sử dụng dao động từ 27.000 đồng đến 130.000 đồng/ tháng.
Tháng 5/2020, chị chỉ dùng hết hơn 71.000 đồng tiền điện, nhưng tháng 6/2020, hóa đơn tiền điện tăng vọt lên hơn 13.500.000 đồng.
Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: Đình chỉ công tác Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn |
"Bây giờ tôi cũng chưa biết nguyên nhân thật sự là gì, bởi nếu có sự rò rỉ điện thật sự thì lâu nay tôi ở trong nhà và mọi người đến đây đã gặp sự cố rồi. Tuy nhiên, lâu nay tôi ở đây thường xuyên và sử dụng điện nhưng không thấy có gì bất thường cả" - chị V. nói.
Chị V. đề nghị bên HTX khắc phục sự cố rò rỉ và đóng điện lại cho nhưng chưa được chấp nhận.
EVN đang ghi số điện như thế nào? Theo EVN, hiện cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện, trong đó 54% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động. Với công tơ điện tử, việc ghi chỉ số điện được thực hiện tự động bằng thiết bị đo xa và đo gần. Sở dĩ có loại "đo xa" và "đo gần", theo giải thích của EVN, là tùy công nghệ đi kèm của loại công tơ điện tử nhập về theo từng giai đoạn, thời kỳ. Với công tơ điện tử đo xa, hàng ngày dữ liệu sử dụng điện của hộ gia đình sẽ được truyền trực tiếp về máy chủ trung tâm dữ liệu và người sử dụng điện có thể tra cứu sản lượng dùng trên website chăm sóc khách hàng của tổng công ty điện lực các khu vực Với công tơ điện tử đo gần, chỉ số sẽ đo đếm vào ngày cố định hàng tháng thông qua thiết bị đo xa HHU. Công nhân điện lực phải tới gần công tơ và thu thập dữ liệu qua thiết bị này, dữ liệu sau đó được truyền về máy chủ. Với công tơ cơ khí, công nhân điện lực phải trực tiếp ghi chỉ số bằng ảnh chụp qua camera, truyền vào phần mềm máy tính bảng. Ảnh chụp này hiển thị rõ ngày, giờ thu thập dữ liệu. Dữ liệu sau khi công nhân thu thập được sẽ được nhập lên phần mềm quản lý, bộ phận điều hành sẽ xuất toàn bộ bảng kê công tơ, trường hợp bất thường sẽ gửi về đội quản lý điện lực để phúc tra. Sau khi hoàn tất phúc tra, đội quản lý xác nhận số liệu và phòng kinh doanh các công ty điện lực ký bảng kê, lập hoá đơn trên phần mềm (CMIS). Sau khi lập hóa đơn, công ty điện lực sẽ gửi tin nhắn SMS tới toàn bộ khách hàng số tiền phải trả trong tháng và các khách hàng có sản lượng điện sử dụng tăng bất thường từ 1,3 lần trở lên để đối chiếu, tra soát. |