Tính đa dạng của lý thuyết và đặc thù trong áp dụng thực tiễn ĐTM

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, hai lý do dẫn tới khó nắm bắt lĩnh vực đánh giá tác động môi trường đó là tính đa dạng về lý thuyết và tính đặc thù, cụ thể khi áp dụng trong thực tiễn của ĐTM.
Khai thác điện gió ngoài khơi: Cần đánh giá tác động môi trường và xã hộiDự án trồng rừng có phải lập đánh giá tác động môi trường?Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Đâu là điểm mới trong đánh giá tác động môi trường?Một dự án chỉ lập 1 báo cáo đánh giá tác động môi trường

Đã có nhiều năm nghiên cứu, tham gia thực hiện, giảng dạy và viết giáo trình về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng tôi vẫn không thể hiểu hết được cặn kẽ về công việc này, về môn học này, về những gì ĐTM có thể làm được trong thực tiễn. Có lẽ hai lý do dẫn tới khó nắm bắt lĩnh vực này đó là tính đa dạng về lý thuyết và tính đặc thù, cụ thể khi áp dụng trong thực tiễn của ĐTM. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu một số nhận xét, nhận biết ban đầu của mình về hai vấn đề nêu trên.

I. Về tính đa dạng trong lý thuyết ĐTM

Thực ra, có thể bàn luận chi tiết về nhiều khía cạnh của tính đa dạng của lý thuyết ĐTM nhưng trong khuôn khổ bài viết chỉ tập trung phân tích cụ thể tính đa dạng của một số vấn đề liên quan.

1. Về tính đa dạng của khái niệm, định nghĩa, quy mô ĐTM

Điều này được phân tích khá rõ trong [1], theo đó, người ta có thể gộp chung cả đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong ĐTM, điểm khác cơ bản giữa ĐTM và ĐMC là đối tượng thực hiện. Trong ĐTM, đối tượng phải thực hiện là các dự án phát triển cụ thể như một nhà máy, một cơ sở sản xuất, một công trình xây dựng, một bệnh viện lớn,... trong khi đối tượng phải thực hiện ĐMC là các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển (tiếng Anh là Policies, Plans, Programs- PPP). Sau này, để dễ thực hiện, nhiều khi người ta đã tách riêng ĐTM và ĐMC. Nhiều khái niệm, định nghĩa của ĐTM, ĐMC cũng đã được đưa ra phân tích, so sánh chỉ rõ hơn nội hàm của ĐTM, có khái niệm làm rõ hơn về nghĩa của đánh giá, định nghĩa khác lại nhấn mạnh về tác động, về môi trường [1].

Ngay trong Luật BVMT Việt Nam cũng có sự khác biệt ít nhiều trong các định nghĩa, giải thích về ĐTM. Trong Luật BVMT của Việt Nam năm 1994, ĐTM được định nghĩa như sau: "ĐGTĐMT (ĐTM) là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp để bảo vệ môi trường". Định nghĩa này đã gôp ĐMC vào với ĐTM khi đối tượng phải thực hiện bao gồm cả dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong Luật BVMT của Việt Nam năm 2005, ĐTM và ĐMC đã được tách ra với ĐTM: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó” và với ĐMC: “Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững”. Ta thấy ngay có sự khác biệt về đối tượng của ĐMC ở Việt Nam với lý thuyết chung, ở Luật của Việt Nam, thay cho chính sáchchiến lược phát triển.

Luật BVMT 2014 giữ nguyên khái niệm ĐTM giống Luật BVMT 2005 nhưng có sự thay đổi một chút về ĐMC: “Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững”.

Đến Luật BVMT 2020, ngoài khái niệm ĐTM, ĐMC còn đưa thêm Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, cụ thể là:

“Đánh giá môi trường chiến lược là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính, làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường trong chính sách, chiến lược, quy hoạch.

Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là việc xem xét, nhận dạng các vấn đề môi trường chính của dự án đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc giai đoạn đề xuất thực hiện dự án đầu tư.

ĐTM là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Những phân tích ở trên cho thấy, nhận thức về ĐTM là cả quá trình vì tính đa dạng về nhiều mặt, thể hiện trong tính đa dạng của khái niệm này. Trong nhiều trường hợp người ta còn đưa thêm khái niệm Đánh giá tác động xã hội (Social Impact Assessement - SIA) để nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường xã hội nữa.

2. Tính đa dạng của kiến thức, phương pháp, tài liệu, số liệu sử dụng trong ĐTM

Trong tài liệu [1] đã cho thấy, kiến thức sử dụng trong ĐTM rất rộng, vì vậy cần có sự tham gia của các Viện nghiên cứu, các trường đại học và của từng chuyên gia. Sau đây là một số kiến thức chung nhất nhưng cũng đã thể hiện tính đa dạng, liên ngành của công tác ĐTM:

- Khối kiến thức về các hoạt động phát triển.

- Khối kiến thức khoa học kỹ thuật về tài nguyên và môi trường.

- Khối kiến thức về ĐTM mà nội dung của nó được đề cập trong giáo trình và sách chuyên khảo.

Vì vậy, chắc chắn phải có sự kết hợp của nhiều nhóm chuyên gia có những kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực và trong thực thi ĐTM phải có sự liên kết rất chặt để có thể làm rõ được nguồn gốc các tác động, quy mô tác động, mức tác động, khả năng xảy ra sự cố, khả năng giảm thiểu, kiểm soát tác động,...Và, không thể sử dụng chỉ một nhóm chuyên gia có thể thực hiện ĐTM tất cả các loại dự án mà tùy theo từng dự án cụ thể để huy động đúng chuyên gia, sử dụng đúng những kiến thức chuyên sâu của họ thì một báo cáo ĐTM mới có kết quả tốt.

Chính vì vậy, để tiến hành ĐTM phải tạo mối liên kết và huy động được các công cụ quản lý môi trường khác có liên quan, trong đó phải kể đến các công cụ trình bày trên hình 1.

Tính đa dạng của lý thuyết và tính đặc thù, cụ thể trong áp dụng thực tiễn của ĐTM - Ảnh 1
Hình 1. Mối quan hệ giữa ĐTM (ĐGTĐMT) và công cụ bảo vệ môi trường khác [1]

Mối liên hệ tương hỗ, hai chiều giữa ĐTM và các công cụ khác được phân tích khá kỹ cho thấy sự cần thiết phải có thông tin, phải áp dụng các kết quả thực hiện của các công cụ này phục vụ lập báo cáo ĐTM. Với 8 công cụ bảo vệ môi trường liên quan, phải áp dụng đồng bộ nhiều công cụ vì mỗi công cụ có chức năng, khả năng cũng như phạm vi áp dụng khác nhau nhưng có chung mục đích là tiến tới phát triển bền vững, chất lượng môi trường được duy trì và nâng cao. Thật ra, việc sử dụng các công cụ ở các nước cũng không giống nhau, có thể một công cụ được áp dụng hiệu quả ở nước này lại tỏ ra kém hơn ở nước khác. Dưới đây sẽ phân tích kỹ hơn một số công cụ quản lý môi trường liên quan chặt chẽ tới ĐTM.

Công cụ thông tin, dữ liệu. Bảo vệ môi trường nói chung và ĐTM nói riêng đòi hỏi cơ sở khoa học liên ngành, cả khoa học Tự nhiên lẫn khoa học Xã hội. Chỉ tính riêng khoa học Tự nhiên, ta đã thấy mối liên hệ của công tác này với các ngành sinh vật học, thuỷ văn học, khí tượng học, lâm nghiệp, hải dương học,... Nghĩa là, khi xử lý một vấn đề môi trường ta cần tổng hợp kiến thức của nhiều ngành. Mỗi ngành khoa học lại cần có một hệ thống thông tin, dữ liệu riêng, chẳng hạn, nghiên cứu khí hậu học ta phải có số liệu đo đạc dài hạn của rất nhiều trạm với nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, gió, mưa, áp suất khí quyển,... Do vậy, số lượng các yếu tố cũng như độ dài các dãy số liệu cần cho công tác nghiên cứu bảo vệ môi trường rất lớn. Tất nhiên chúng ta có thể tổ chức đo trực tiếp các yếu tố đặc trưng cho chất lượng môi trường mà chưa có trong các phép đo của các ngành này.

Ở các nước phát triển đã hình thành mạng lưới đo đạc các yếu tố môi trường, xây dựng được cơ sở dữ liệu thống nhất của quốc gia hoặc khu vực qua tổng hợp, chỉnh lý, xử lý để nâng cao độ tin cậy và dễ sử dụng. Hiện nay với hệ thống máy tính đa năng, với khả năng nối mạng quốc gia theo khu vực, trong quốc gia hoặc trên toàn cầu, chúng ta có thể sử dụng được số liệu từ các khu vực khác một cách nhanh chóng.

Ngoài số liệu đo đạc ở mặt đất, chúng ta còn có thể sử dụng các số liệu quan trắc từ vệ tinh - số liệu viễn thám. Với kỹ thuật khai thác hiện đại, các số liệu viễn thám trở thành cơ sở tin cậy cho các luận cứ khoa học nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng.

Công cụ thông tin dữ liệu có tính chất quyết định đến sự đúng đắn và độ chính xác của các nhận định về hiện trạng tài nguyên, dự báo diễn biến các yếu tố môi trường cũng như tác động môi trường của các dự án đã và sẽ hoạt động. Số liệu đã có giúp chúng ta đánh giá hiện trạng môi trường làm nền cho đánh giá tác động của các dự án sẽ hoạt động đến môi trường khu vực. Số liệu đo đạc khi dự án đã hoạt động sẽ giúp điều chỉnh hoạt động đúng hướng hơn, hiệu quả hơn. Đây là công cụ phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau và không thể thiếu được trong ĐTM.

Hiện tai, ở Việt Nam vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt nên những người thực thi ĐTM gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng báo cáo ĐTM.

Quản lý tai biến môi trường. Với mức độ nào đó có thể coi tai biến môi trường, rủi ro môi trường và sự cố môi trường có những nét tương đồng nhất định, nhiều khi có thể dùng thay thế lẫn nhau. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 của Việt Nam đã đưa ra khái niệm về sự cố môi trường: "Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng". Các nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến, rủi ro môi trường cũng được đề cập trong Luật.

Hai đặc trưng cơ bản của tai biến cần chú ý là:

- Xảy ra bất thường, khó dự đoán, dự báo và có tần suất xuất hiện thấp.

- Hậu quả nặng nề về nhiều mặt.

Trong lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều tai biến như núi lửa, động đất, cháy rừng (tai biến thiên nhiên) hoặc nổ nhà máy điện nguyên tử, vỡ đập nước, tràn dầu,... (tai biến nhân tạo) mà sự cố gây ô nhiễm nghiêm trọng mang tên Formosa năm 2016 là một ví dụ. Hàng năm tổn thất về người và của do các tai biến gây ra rất lớn. Do vậy, việc quản lý tai biến môi trường là rất cần thiết và khi làm tốt công tác này sẽ tránh được những sự cố đáng tiếc.

Trong quá trình phát triển, con người đã tiến hành nhiều hoạt động sản xuất trong đó có nhiều hoạt động chứa đựng tiềm năng gây tai biến lớn. Muốn làm giảm tiềm năng, cũng như thiệt hại khi tai biến xảy ra, công tác quản lý tai biến môi trường phải làm tốt những hoạt động sau:

- Xác định các loại tai biến.

- Xác định các đặc trưng tai biến.

- Đánh giá xác suất xảy ra tai biến.

- Đánh giá thiệt hại do tai biến gây nên.

Trong ĐTM, đánh giá tai biến được đề cập như một phần quan trọng. Báo cáo ĐTM cũng phải nêu được 4 hoạt động trên, ngoài ra phải đề ra các biện pháp khắc phục. Ví dụ: Khi xây đập thuỷ điện người ta phải nghĩ ngay tới khả năng vỡ đập do động đất kích thích, do rò rỉ nước trong địa hình Kaster, do phá hoại hoặc do bảo dưỡng không tốt,... Để giảm thiểu phải đưa ra được các biện pháp như xây đập đủ chắc, có biện pháp theo dõi, đo đạc động đất, kiểm soát liên tục trên phạm vi đập, có biện pháp thông báo, trợ giúp khắc phục hậu quả khi đập vỡ,... Tôi còn nhớ khi tiến hành thẩm định thêm về ĐTM Nhà máy thủy điện Sơn La do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thực hiện, vấn đề xác định khả năng xảy ra động đất, động đất kích thích khi hồ tích nước được các chuyên gia thảo luận rất nhiều và để đảm bảo an toàn đã kiến nghị nâng mức chắc chắn của đập lên một mức.

Nghiên cứu và triển khai khoa học, công nghệ. Nghiên cứu, triển khai khoa học, công nghệ đã thu được những kết quả hết sức to lớn và được coi là cứu cánh đối với sự phát triển loài người. Trước hết, công nghệ tiên tiến giúp chúng ta tận dụng tốt hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn tài nguyên môi trường. Hàng hoá sản xuất ra ngày một nhiều, đa dạng về chủng loại. Công nghệ sinh học giúp chúng ta lai tạo được những giống năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh. Công nghệ điện tử giúp con người có thông tin nhanh hơn. Cơ khí hoá với những máy móc tinh xảo làm giảm nhẹ lao động cho con người. Đó là những ví dụ dễ thấy về thành tựu triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ. Việc tăng cường sản xuất, áp dụng công nghệ cao tất yếu dẫn tới khai thác tài nguyên nhiều hơn và xả thải vào môi trường nhiều chất ô nhiễm hơn. Với chức năng đồng hoá chất thải, môi trường chỉ chứa được lượng rất nhỏ, phần còn lại phải được xử lý. Không phải ai khác mà chính lại là công nghệ sẽ giải quyết vấn đề này. Một mặt cần áp dụng những công nghệ mới có lợi cho môi trường (chẳng hạn công nghệ sạch), mặt khác phải có các công nghệ xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người còn nghi ngờ, không biết giải pháp công nghệ có thể giải quyết hết được các vấn đề đặt ra không hay chính nó lại gây ra những vấn đề nan giải khác. Nhớ lại những năm 1960 khi có được thuốc trừ sâu DDT, năng suất nông nghiệp tăng và ổn định, nhưng chỉ hơn 20 năm sau các nhà khoa học đã chỉ ra khả năng tích luỹ chất này trong lương thực, có thể gây bệnh cho người.

Cho dù có những nghi ngờ như vậy, chúng ta vẫn tin vào khả năng phát triển khoa học, công nghệ và tác động to lớn của nó đối với sự phát triển loài người.

Kiến thức về phát triển khoa học, công nghệ rất cần thiết cho công tác ĐTM, bởi vì nắm vững kiến thức về các công nghệ này sẽ có khả năng phân tích các tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường. Cùng sản xuất điện nhưng tác động đến môi trường của nhà máy thuỷ điện khác rất xa với nhà máy nhiệt điện, cùng sản xuất một loại hàng hoá như nhau có thể có nhiều công nghệ khác nhau. Vì vậy, trong ĐTM phải đánh giá được công nghệ nào ít gây tác động hoặc gây ra những tác động dễ khắc phục. Điều này rất quan trọng, có thể giúp người sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến hơn.

Một trong những nội dung cơ bản của ĐTM là đề xuất các giải pháp phòng tránh, khắc phục, xử lý các tác động tiêu cực. Giải pháp công nghệ sẽ là một trong các giải pháp chính có thể đảm nhận công việc này. Các công nghệ xử lý chất thải được nghiên cứu và áp dụng cho phép loại bỏ một số loại chất độc có trong chất thải trước khi thải ra môi trường. Người thực hiện ĐTM phải chỉ rõ những công nghệ nào là thích hợp với việc xử lý chất thải của dự án gây ra.

Tóm lại, ĐTM là công cụ quản lý môi trường, nó có mối quan hệ hai chiều với tất cả các công cụ khác (xem hình 1).

II. Về tính đặc thù, cụ thể trong áp dụng thực tiễn của ĐTM

Về lý thuyết, ĐTM có tính đa dạng rõ ràng nhưng khi áp dụng thực tế mà cụ thể ở đây là lập báo cáo ĐTM và thẩm định báo cáo ĐTM lại phải rất cụ thể, mang tính đặc thù đối với từng loại dự án và điều kiện nơi đặt dự án phát triển.

Do có sự khác nhau về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do dự án sản xuất, cung cấp mà có sự khác nhau về đầu vào (nguyên, nhiên liệu, công nghệ sản xuất, nhân lực, kinh phí,...) nên mỗi báo cáo ĐTM phải làm rõ, chỉ rõ một cách chi tiết cụ thể về sản phẩm, công nghệ, thiết bị sử dụng, nguyên nhiên liệu đầu vào của dự án được đưa vào đánh giá. Đây là những vấn đề mà chủ/lãnh đạo dự án nắm rõ nhất và họ phải thể hiện trong thuyết minh dự án, trong luận chứng kinh tế kỹ thuật trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Và, việc để họ là chủ thể thực hiện lập báo cáo ĐTM chính vì họ hiểu rõ nhất về dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì dự án có thể mang tới cho xã hội, cho môi trường.

Ở Việt Nam, đã từ lâu, trong các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định mẫu cấu trúc (bao hàm nội dung) của báo cáo ĐTM, mới đây nhất là Mẫu 04 của Thông tư Số: 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 [2] (sau đây viết tắt là mẫu 04). Việc quy định này đã thống nhất về cơ bản cấu trúc và nội dung cần có của báo cáo ĐTM nhưng nếu cứ áp dụng một cách hình thức thì vẫn thấy có những phần đưa vào không cần thiết và một số phần còn bị bỏ qua. Dưới đây xin nêu một số điểm như vậy.

Trong chương 1 mẫu 04 về Mô tả tóm tắt dự án có mục 2 yêu cầu Tóm tắt các vấn đề môi trường chính của dự án với nội dung rất cụ thể như các tác động môi trường chính của dự án, quy mô, tính chất của các loại chất thải phát sinh từ dự án (nếu có), các tác động môi trường khác (nếu có),... trong khi có cả chương 3 mới thật sự yêu cầu thực hiện các hoạt động đánh giá tác động của dự án. Liệu có trùng lắp không?, theo chúng tôi một số nội dung trong phần mở đầu và chương 1 nên soạn riêng thành bản Tóm tắt báo cáo ĐTM ngắn gọn cỡ như báo cáo tóm tắt luận án tiến sĩ để có thể đưa đến tay nhiều người quan tâm. Nhiều quốc gia đã thực hiện theo hướng này, trong đó báo cáo tóm tắt ĐTM trình bày những kết quả chính của quá trình lập báo cáo ĐTM, còn báo cáo chi tiết được coi là các tài liệu chỉ rõ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để đưa ra những kết quả này. Như vậy, kết quả ĐTM đến được với rất nhiều người bằng bản cứng và bản mềm, chỉ khi phát hiện thấy có vấn đề cần làm rõ người ta mới tìm đến các nơi (có thể là thư viện) để đọc báo cáo ĐTM chi tiết.

Hoặc như, chương 1 có yêu cầu: Mô tả chi tiết, cụ thể về công nghệ sản xuất, vận hành của dự án có khả năng gây tác động xấu đến môi trường và nêu rõ cơ sở lựa chọn công nghệ kèm theo sơ đồ minh họa nhưng nếu không chú ý thì sẽ không hiểu cơ sở lựa chọn phải trình bày như thế nào. Trong một số tài liệu hướng dẫn thực hiện ĐTM đã đề nghị làm rõ thứ hạng của công nghệ được chọn, thuộc loại nào trong cách phân chia chung trên thế giới và phân tích thêm một vài công nghệ khác như công nghệ thay thế. Chỉ như vậy mới hiểu tại sao lại chọn công nghệ này mà không chọn công nghệ khác, vì hạn hẹp kinh phí, vì khó tiếp cận công nghệ mới hay vì lý do khác nào đó.

Chương 2 của báo cáo ĐTM theo mẫu 4 có tiêu đề: Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và hiện trạng môi trường khu vực thực hiện dự án. Nếu không hiểu rõ dự án cụ thể cần thông tin gì thì phần này sẽ được trình bày mang tính hình thức nhiều hơn, nghĩa là có phần vị trí (ở đâu đó), có phần điều kiện khí tượng (nhiệt độ, độ ẩm, gió,... lấy từ báo cáo nào đấy) hay điều kiện địa hình địa chất cũng trích, tham khảo từ tài liệu đã có. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ, căn cứ vào đặc điểm, những tính chất cụ thể của dự án thì phải lựa chọn thông tin thật sự hữu ích. Ví dụ, dự án có thải nhiều chất ô nhiễm không khí thì phải lấy được số liệu khí tượng trạm gần nhất, phân tích kỹ tần suất xuất hiện hướng gió, tìm và chỉ ra hướng gió thịnh hành, xác định các điều kiện có thể ảnh hưởng đến quá trình lan truyền khí thải (độ ổn định khí quyển, quãng đường xáo trộn chẳng hạn) để có thể hình dung khu vực nào xung quanh dự án sẽ phải chịu ảnh hưởng của khí thải. Hay, dự án thải nhiều nước thải thì phải xem xét kỹ hướng nghiêng địa hình, tính chất thủy văn của các thủy vực có thể nhận nước thải và cả đối với nước ngầm nữa.

Chỉ khi nêu các điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với đặc điểm, tính chất cụ thể dự án thì nội dung chương này mới thật sự hữu ích.

Có lẽ chương 3 của mẫu 4 là chương thuộc loại quan trọng nhất với yêu cầu: Đánh giá, dự báo tác động môi trường của dự án và đề xuất các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố môi trường. Mặc dù có nhiều nội dung và là chương rất quan trọng nhưng những điều hướng dẫn lại rất ngắn và còn chung chung, yêu cầu người thực hiện ĐTM một dự án cụ thể phải vận dụng linh hoạt. Thật ra, đánh giá mà ở đây là dự báo tác động môi trường không hề dễ, người thực hiện phải có tài liệu về cùng loại dự án đã hoạt động ở đâu đó (kể cả ở nước ngoài) mới hình dung những loại tác động cần phải tiến hành dự báo, đánh giá. Và, khi đánh giá cụ thể họ phải áp dụng nhiều phương pháp hiện đại nhất có thể, sử dụng được số liệu hoặc khảo sát để có được bộ số liệu đủ độ tin cậy liên quan đến tác động môi trường. Ở một số nước, cơ quan quản lý không bắt buộc sử dụng một phương pháp chung cho tất cả các loại dự án nhưng có những đề xuất, hướng dẫn sử dụng những phương pháp, mô hình dự báo cho một số loại hình dự án. Chẳng hạn, đối với dự án có mức khí thải lớn từ ống khói cao thì cần sử dụng một số mô hình/phần mềm tính toán lan truyền chất ô nhiễm không khí để xác định phân bố nồng độ chất ô nhiễm khu vực xung quanh. Ở nước ta, mặc dù chưa có quy định, hướng dẫn như vậy nhưng trong nhiều báo cáo ĐTM đã sử dụng được các phương pháp hiện đại cho kết quả khá tốt nhưng vẫn có dự án thực hiện ĐTM không áp dụng hoặc áp dụng các phương pháp kém hiệu quả, thậm chí lạc hậu, mang tính hình thức. Phải chăng, nên có quy định, hướng dẫn chung cho một số loại dự án đặc thù ở Việt Nam.

Trong mẫu 4 có hẳn chương 5 về Quản lý và giám sát môi trường, chủ yếu quy định về hệ thống đo đạc các yếu tố liên quan đến các loại chất thải của dự án trước khi thải ra môi trường và đo các yếu tố môi trường xung quanh tại những nơi có khả năng chịu tác động của dự án. Đây là bước quan trọng để cung cấp số liệu cho cơ quan quản lý khi dự án đã đi vào hoạt động nhằm nắm bắt được thực tế những gì đang diễn ra. Số liệu này sẽ giúp so sánh kết quả dự báo với tình hình, diễn biến thực tế và giúp cơ quan quản lý kiểm soát, giúp dự án điều chỉnh hoạt động (nếu cần). Trong lý thuyết thì ngoài hoạt động đo đạc, phân tích để có số liệu thì còn có thêm hoạt động kiểm toán môi trường, điều chưa được đề cập nhiều trong các văn bản luật Việt Nam. Theo [1], kiểm toán môi trường là một thuật ngữ, bắt nguồn từ kế toán tài chính, nhằm chỉ khái niệm về phép kiểm chứng các hoạt động tác nghiệp và xác nhận về các số liệu. Theo ngôn ngữ quản lý môi trường thì mục tiêu của kiểm toán môi trường đối với dự án là tạo lập cơ sở dữ liệu về mọi yếu tố có liên quan tới tác động của dự án đến môi trường. Thường thời hạn kiểm toán là một năm, trong năm đó, các số liệu về lượng nguyên nhiên liệu đầu vào, lượng sản phẩm đầu ra, lượng phát thải các chất ô nhiễm phải được xác định. Nếu kiểm toán môi trường thực hiện tốt thì khi cần có thể có số liệu để xem xét, so sánh với những gì dự báo trước đó. Những gì còn hạn chế, sai sót sẽ phải được khắc phục, sửa chữa. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để có thể giải quyết. Việc mất quá nhiều thời gian xác định nguyên nhân sự cố Formosa có lẽ phần nào do không có số liệu kiểm toán môi trường. Khi làm việc với một chuyên gia Nhật Bản, tôi có hỏi về trường hợp người dân kêu ống khói một nhà máy ban đêm xả thải nhiều, đen nghịt trong khi ban ngày thì có vẻ như xả thải ít hơn, khói ít đen hơn. Người dân đã trình bày với các cấp quản lý môi trường và chưa được trả lời thỏa đáng vì không có số liệu đo trong ống khói. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, có thể do ban ngày khói thải đã qua xử lý trong khi ban đêm thì xả thẳng ra môi trường. Tôi có đề xuất cách kiểm soát vấn đề này thông qua lắp công tơ điện ở các hệ thống xử lý bụi, SO2, NOx để biết khi nào các hệ thống xử lý hoạt động và cường độ hoạt động ở mức nào. Chuyên gia này đồng ý và nói rõ hơn về tác dụng của kiểm toán môi trường, khi thấy có sự chênh khác với những gì đã xảy ra trước đó phải bắt tay kiểm tra và nếu có sai sót phải khắc phục ngay.

Như vậy, nếu coi ĐTM một dự án chấm dứt khi báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án bắt đầu đi vào hoạt động thì không chính xác vì còn bước monitoring và kiểm toán phải làm trong suốt thời gian hoạt động dự án. Vấn đề là, trong báo cáo ĐTM phải chỉ ra được hệ thống số liệu cần có trong kiểm toán và phương pháp xử lý khi thấy có những bất thường đối với số liệu thu thập được. Chẳng hạn mức tiêu thụ điện của hệ thống lọc bụi phải có trong danh mục kiểm toán và khi thấy lượng điện tiêu thụ trong một năm hay giai đoạn nào đó quá ít thì phải kiểm tra lại hoạt động của thiết bị này.

Viết đến đây đã khá dài nhưng người viết vẫn còn có nhiều điều chưa nêu hết được. Điều đó phần nào phản ánh cả tính đa dạng của lý thuyết và tính đặc thù, cụ thể khi thực hiện ĐTM. Có lẽ vẫn cần phân tích sâu hơn và đặc biệt phải có quá trình tổng kết, xem xét nhiều mặt về thực hiện ĐTM ở Việt Nam trong thời gian tới. Mong được mọi người cùng tham gia.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hoàng Xuân Cơ, Phạm Ngọc Hồ, Đánh giá tác động môi trường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, in lần thứ 5, 2009.

[2]. Thông tư số: 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019

Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Xem thêm

Liên kết