Và đây là vị trí phía đầu tàu và ở trên cao ngang đài chỉ huy, nơi mỗi sáng tôi thường ngồi ngắm biển chờ mặt trời mọc mỗi ngày... Khi bạn thưởng thức một ly cà phê ngon tuyệt, trong tiếng sóng biển rì rào như ai đó đang thì thầm, thì thầm... Ngắm trời xanh, mây trắng và thưởng thức nắng vàng, từng giọt nắng rơi xuống mặt biển thành những đốm sáng lung linh. Hít thở không khí trong lành trong sóng nước mênh mông bốn bể là biển rộng, không một chiếc xe, không một ngôi nhà, hẳn đây là “quán cà phê” có tầm nhìn độc nhất vô nhị rồi.
Vị trí này không xa đảo Gạc Ma, nơi tàu chúng tôi tổ chức lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Trường Sa của Tổ quốc với nghi lễ trang nghiêm, xúc động |
Màu của biển
Biển có quá nhiều màu sắc khi bạn ra xa bờ. Khi vào khoang lái của chỉ huy, tôi biết tàu đang đi ở vùng biển có độ sâu thường trên dưới 2km, có lúc dưới 1km. Màu xanh nhạt và đậm khác nhau, đôi lúc đậm đến đen cả ra. Và đây là lần duy nhất, tự dưng biển lặng như tờ, mặt biển phẳng lặng đẹp đến nghi ngờ, màu nước biển thay đổi đột ngột, ánh sáng hắt lên sáng lòa... Đôi khi làm con người trên chiếc tàu nhỏ bé như lá tre trôi trong hồ rộng lớn, cảm giác gờn gợn. Nhưng ngay lập tức cảm giác đó mất đi, thay vào đó là sự tò mò thích thú.
“Quê em ở Trường Sa”
Những "mầm non" ở Trường Sa |
Đó là bài hát mà em bé nào trên đảo cũng thuộc. Những ánh mắt thơ ngây, nụ cười hồn nhiên của các em khiến bao người xúc động! “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...”. Cuộc sống ngoài đảo xa gặp nhiều khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần nhưng những em nhỏ trên quần đảo Trường Sa vẫn lớn lên khỏe khoắn, cứng cáp như những mầm cây vươn lên xanh tốt giữa phong ba, đón ánh nắng mặt trời trước sóng gió khơi xa.
Trồng rau xanh ở Trường Sa
Các chiến sỹ ở Trường Sa tuổi đời còn khá trẻ, ấy vậy mới có câu này hát về lính đảo: “Tuổi hai mươi chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi... mẹ ơi”. Nhiều đồng chí chưa có gia đình, nhưng thật đặc biệt, ai cũng đều có... “con” cả rồi. Con ở đây chính là rau xanh, lính trên đảo vẫn thường nói đùa nhau rằng: "Mình trồng rau như nuôi con vậy!". Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa có lúc nắng như đổ lửa, khi mùa mưa bão thì sóng lớn, sóng to cuồn cuộn.
Những mầm xanh ở Trường Sa có sức sống thật kỳ diệu, màu xanh như thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt đầy nắng, gió mưa sa. |
Có đến Trường Sa, thấy được cái khắc nghiệt của thời tiết, sự khô cằn về thổ nhưỡng, mới thấy hết được sự nỗ lực, cần mẫn của người lính đảo xa trong việc trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Chỗ trồng rau nhiều nơi mang tính tận dụng diện tích, nước ngọt không dư thừa, nên để cây rau phát triển bình thường là rất khó khăn. Mặc dù ở đảo vẫn được cung cấp rau và thực phẩm theo định kỳ của các tàu chở lương thực từ đất liền, nhưng thời gian thì tính theo hàng tháng. Mà ở đảo thì không có khái niệm "chợ" để có thể mua rau tươi ngon mỗi ngày nên đảo nào cũng trồng rau cả.
Ở đây, “đổ nước đi” hầu như không có trong "từ điển", nhìn các đồng chí nâng niu từng giọt nước, như nước vo gạo cũng phải để dành rửa rau, sau đó tưới cho rau, một hình ảnh sinh động đến cảm phục. Được biết trong những năm gần đây, kỹ thuật trồng rau cũng như cung cấp giống rau đã được hỗ trợ nhiều từ đất liền. Nhưng về cơ bản, tôi thấy lính trồng rau vẫn bấp bênh lắm, nhất là các đảo chìm, thực sự chưa có đầu tư cơ bản. Việc tăng gia rau xanh không chỉ là công việc giúp cán bộ, chiến sĩ thảnh thơi đầu óc sau giờ làm việc, mà đó còn là phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lính để kiên cường bám đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Nắng gió Trường Sa... |
Nước ngọt nơi đảo xa
Nếu bạn chỉ có 5 lít nước/ngày cho sinh hoạt cá nhân bạn sẽ làm gì? Đảo ở Trường Sa luôn thiếu nước ngọt vì chỉ trông vào vận chuyển từ đất liền ra hoặc từ nguồn nước mưa, sinh hoạt trên đảo rất khó khăn. Với tiêu chuẩn là 20 lít/ngày/người, mùa khô, càng khó khăn hơn nữa. Có nơi tôi qua, mỗi người dân, chiến sĩ chỉ có 5 lít nước cho mọi sinh hoạt mỗi ngày: đánh răng, rửa mặt, tắm táp, giặt giũ...
Cậu lính trẻ kể với tôi là nhiều khi phải luân phiên nhường nước ngọt cho nhau, nhường cho những ai làm nhiệm vụ lặn, ngụp ngoài biển về còn tắm. Nước ngọt ở Trường Sa còn quý hơn cả vàng, nên không ai bảo ai, đoàn tôi lên đảo mọi người hay mang nước của mình để uống, nhiều khi khát cũng cố nhịn về tàu uống nước. “Nắng tốt dưa, mưa tốt lính” - Chú lính trẻ cứ như ông cụ non, giảng cho tôi vậy. Và lúc này, lần đầu tiên trong đời tôi nhớ ngay câu hát mà cả chục năm nay chưa hề nghe lại bao giờ: “Mưa đi mưa đi đảo nhỏ chờ mưa/ Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa”.
Đến lúc được thấy, được trải nghiệm cảm giác đó, bạn mới cảm nhận thêm những ý nghĩa của nó, khi thiếu nước ngọt thì cơn mưa quý giá đến nhường nào: “Mưa Trường Sa là giọt sương trên nụ hoa thắm tươi bình minh/ Mưa Trường Sa, là nụ hôn cho tình yêu phút đầu gặp em/ Xôn xao.../ Bàng hoàng.../ Chơi vơi.../ Hạnh phúc...”. Có lẽ cảnh hiếm nước như thời bao cấp giờ mới có thể gặp lại ở đây. Hiện đang có những dự án lắp máy lọc nước biển thành nước ngọt ở Trường Sa, đã triển khai thành công ở một số điểm đảo và đang cho nhân rộng. Đó là một niềm vui rất lớn đối với bao chiến sĩ và bà con nơi đảo xa.
Những cành hoa giấy vươn rất cao giữa sóng gió Trường Sa |
Đón đưa vào đảo
“Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Có đảo chúng tôi đến, vào đảo khó khăn hơn, phải thăm dò trước. Ca nô dù bé cũng không phi vào được nên toàn dùng ca nô kéo xuồng chở người “lăng” rất nghệ thuật vào đảo. Chính vì vậy mà các chiến sỹ ở đảo sẽ ra để túm dây thừng kéo xuồng vào, cũng như đẩy xuồng chúng tôi ra biển để trở về tàu. Tôi nghe nói ở đây khi mùa biển động, bạn có thể phải đợi từ 15-20 hôm ở ngoài mà không thể vào đảo được là chuyện bình thường. Đảo ngay trước mặt, nhìn thấy nhau mà không thể gặp. Đây là cảnh đón đưa nhiệt tình, xả thân của lính đảo, mà tôi biết nhiều thành viên tàu chúng tôi cảm động lắm.
Nhà giàn và những hy sinh lặng lẽ
Trong gần 30 năm qua, kể từ ngày Nhà nước thành lập Cụm kinh tế Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (năm 1989, ngay sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta năm 1988), chúng ta đã xây dựng được 15 nhà giàn thuộc khu vực DKI. Đó chính là những vọng gác trên biển. Cũng từ đó, các chiến sĩ nhà giàn phải đối phó thường xuyên với nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là bão gió giữa đại dương. Những trận cuồng phong đã làm đổ một số nhà giàn, cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ chiến sĩ.
"Đời lính đảo sóng ghềnh cát trắng/ Nhuốm phong ba mưa nắng gió trời" |
Đoàn chúng tôi làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ Quốc, đó là một thời khắc không thể nào quên trong hành trình của mình. Giữa bốn bề khói hương và im lặng, giọng nói truyền cảm kể về các thời khắc cam go giữa sự sống và cái chết, các cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng hy sinh thân mình, nhường giọt nước, lương khô cuối cùng, thậm chí áo phao cho đồng đội và thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng... Đoàn chúng tôi quá nhiều người đã khóc vì xúc động và cảm phục các đồng chí... Mỗi người đều được phát những bông cúc vàng để gửi xuống đại dương tưởng nhớ tới các anh, và đâu đó lại thấy ai cầm hoa và khóc nức nở...
Lúc đầu đi Trường Sa tôi cũng nghĩ sẽ lấy một món đồ gì đó về kỷ niệm, như một hòn đá thật đẹp chẳng hạn. Nhưng ý nghĩ đó của tôi hoàn toàn tan biến sau khi chờ “săn" ảnh cá chuồn. Tôi gặp một anh bạn ở Thái Nguyên, anh tâm sự, cái túi to anh ấy vác theo là túi đất, đá ở quê nhà. Anh định lấy đá về làm kỷ niệm, nhưng nghĩ là ai cũng làm thế thì đảo mất dần đất đá nên anh mang theo chỗ đất đá nhiều hơn.
Sau chuyến đi dài ngày trên biển, nhiều thành viên khi về đất liền vẫn bị quen lịch của tàu, đó là dậy sớm. Ngoài ra, còn có cảm giác "say" đất liền nữa, khi không có sự chao đảo, lắc lư như thường lệ...