Tổng cục Lâm nghiệp: Gia Lai cần cân nhắc chuyển đổi 174 ha đất rừng làm sân golf

Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án sân golf Đắk Đoa (huyện Đắk Đoa, Gia Lai).
Sân Golf Kim Bảng rộng 200 ha xây dựng không phépHòa Bình: Dự án sân golf Đồng Tâm bỏ hoang 10 nămSân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chính

Theo văn bản trên, Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN&PTNT giao xử lý đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai tại tờ trình số 2402 về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án sân golf Đắk Đoa; tờ trình số 2402 không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo, do vậy, chưa đủ cơ sở để tổ chức thẩm định hồ sơ theo quy định.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dự án sân golf Đắk Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng hơn 174 ha đất rừng (trong đó có hơn 155 ha rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng hơn 15 nghìn m2), làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thời gian qua, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các đại biểu đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, dư luận xã hội, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của giảm diện tích rừng, đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và khu vực Tây Nguyên.

tm-img-alt
Rừng thông trồng, nơi Gia Lai muốn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm dự án thể thao. (Ảnh: Dân Việt)

Từ những phân tích nêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.

Trước đó, Gia Lai đã có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án sân golf Đắk Đoa. Mục tiêu xây dựng tổ hợp sân golf, tạo một quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt chuẩn quốc tế, là một trong những trung tâm du lịch của Bắc Tây Nguyên, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Nếu được đầu tư, dự án sẽ được xây dựng trên khu đất 197,3 ha tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa của huyện Đắk Đoa. Trong 197,3 ha, quy hoạch khu sân golf 36 lỗ là 170,5 ha; đất phụ trợ sân golf là 26,8 ha. Thời gian thực hiện hợp đồng đầu tư dự án có sử dụng đất là 532 ngày. Thời hạn thuê đất là 50 năm. Tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.300 tỉ đồng.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, quan điểm của Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng những quỹ đất không có tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi qua làm sân golf. Đó là các khu vực đất lúa kém năng suất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất đồi không cho năng suất canh tác cao. Chỉ những quỹ đất hoang hóa, khó canh tác hoặc không canh tác gì được mới ưu tiên làm sân golf.

"Các địa phương phải hạn chế, tiến tới không cho phép sử dụng đất rừng làm sân golf. Với các danh thắng tự nhiên đẹp như đồi cỏ hồng tại Gia Lai cũng không thể cấp phép làm sân golf, vì đây là một danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên ưu tiên phát triển thành một địa danh du lịch sẽ tốt hơn", ông Võ nói.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo các địa phương cần ngăn chặn tình trạng nhiều chủ dự án sân golf lợi dụng cấp phép đầu tư sân golf để xây dựng khách sạn nhằm kinh doanh cho thuê, thậm chí xây dựng nhà ở, biệt thự để bán ngay trong khu vực sân golf.

Không lấy đất rừng làm sân golf

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, theo đó, Nghị định quy định cụ thể về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020.

Theo quy định tại nghị định này, các loại đất không được sử dụng để làm sân golf như: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa; đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển.

Với sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ, Chính phủ quy định diện tích đất không được quá 90 ha và ra điều kiện với nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng trong thời hạn không quá ba năm.

Hà My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường