TP.HCM đề xuất thí điểm phát triển đô thị theo mô hình TOD

TP.HCM đang đề xuất Quốc hội cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển, trong đó có đề xuất tập trung phát triển giao thông đô thị. Khi được Quốc hội thông qua, TP.HCM sẽ là địa phương tiên phong thực hiện TOD và đường sắt đô thị là hạt nhân.
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển bền vững đô thị Việt Nam5 nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường trong phát triển đô thịThúc đẩy đô thị hóa nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế

Ngày 12/5, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) và theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP) cho hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.

Hội thảo nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình TOD với mục tiêu lấy định hướng phát triển giao thông công cộng, trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò chủ lực, làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

TP.HCM đề xuất thí điểm phát triển đô thị theo mô hình TOD - Ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, Thành phố sẽ địa phương đầu tiên thí điểm mô hình TOD, trong đó hệ thống đường sắt đô thị là hạt nhân trong mô hình này - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố đang triển khai nhiều dự án trọng điểm với Nhật Bản. Thông qua các dự án như đại lộ Đông - Tây, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án cải tạo môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2… thành phố đã có những trao đổi, học tập kinh nghiệm quý báu từ nước bạn Nhật Bản.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, mô hình TOD và đầu tư theo hình thức PPP đang được chính quyền các địa phương quan tâm áp dụng trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

Hiện TP.HCM đang đề xuất Quốc hội cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển TP.HCM, trong đó có đề xuất tập trung phát triển giao thông đô thị (tuyến metro 1 và 2). Khi được Quốc hội thông qua, TP sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình TOD và đường sắt đô thị là hạt nhân.

Phát biểu tại hội thảo, ngài Kurose Yasuo, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản cho hay, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam vì vậy Nhật Bản rất quan tâm, chú trọng trong hợp tác. Nhật Bản đã thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thúc đẩy phát triển nhiều dự án, tiêu biểu là tuyến metro 1. Hiện tuyến này đã chạy thử và chỉ còn một vài bước nữa là có thể đưa vào vận hành.

Ngài Yasuo cho rằng, nếu chỉ có một tuyến metro thì hiệu quả cũng hạn chế. Do đó, mô hình TOD sẽ góp phần làm tăng hiệu ứng, tăng cường sự kết nối giữa metro và xe buýt, quy hoạch chức năng đô thị dọc tuyến đường sắt… để làm sao đem lại kết quả là cuộc sống người dân không phụ thuộc vào các phương tiện cá nhân.

Để thúc đẩy phát triển TOD tại Việt Nam, bà Yoko Takebayashi, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam đưa ra nhận xét, cơ chế đặc thù thí điểm cho TP HCM hoặc thí điểm trong những dự án ban đầu với những cơ chế linh hoạt là điều rất quan trọng. TP.HCM rất cần sự tham gia của các bộ ngành trung ương như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện khung pháp lý.

Mô hình phát triển TOD gắn với khai thác quỹ đất là giải pháp căn cơ và dài hạn, nhất là tạo nguồn lực đầu tư để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. Song song đó, việc điều chỉnh chính sách, xây dựng và hoàn thiện thể chế để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống đường sắt đô thị là cần thiết.

Thanh Tùng