Khó khăn chồng chất
“Hai năm liên tiếp, thị trường BĐS trên địa bàn sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, dự án nhà ở bị “đứng hình” quá nhiều do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, bị dừng triển khai do thiếu vốn. Bài toán nổi cộm hiện nay kéo theo nhiều hệ lụy là tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và NỞXH đã dẫn đến giá nhà đất tăng (do “tổng cầu” lớn hơn nguồn cung) khiến cho số đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp khó sở hữu”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định.
Khó khăn chồng chất nguy cơ đầy nhiều doanh nghiệp đến vực phá sản |
Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng gặp khó khăn, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường BĐS có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.
Thị trường BĐS sau giai đoạn “đóng băng” 2011 đến 2013 đã bắt đầu phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại, năm 2017 thị trường đạt đến mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm “thức tỉnh”. Nhưng đầu năm 2018 đến nay, thị trường BĐS trên địa bàn TP sụt giảm mạnh cả về số lượng dự án và số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền, căn hộ bình dân. Một phần nguyên nhân là vướng về pháp lý các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ.
Nguy cơ phá sản
Thực tế thị trường đang rơi vào tình thế khó khăn hiện nay nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
Thủ tục hành chính, pháp lý chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp BĐS hiện nay là có những chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2 - 3 năm khiến doanh nghiệp BĐS bất an, còn công tác tính tiền sử dụng đất dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM đều bị chậm trễ.
Liên quan vấn đề này, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch Đầu tư khẩn trương nghiên cứu xây dựng cụ thể quy trình triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định đối tượng tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, HoREA đề nghị UBND TP cho phép chủ đầu tư dự án được khởi công xây dựng các công trình sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình.
Từ tháng 3/2019, trên địa bàn TP có 124 dự án được vận hành trở lại, hiện còn hơn 30 dự án tiếp tục bị rà soát về pháp lý. Tuy nhiên, quá trình rà soát, thanh tra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
Nếu chính quyền và doanh nghiệp không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì thời gian tới có thể còn tiếp tục bị sụt giảm, dẫn đến hệ quả thị trường BĐS ở TP.HCM trở về “kỷ băng hà” là điều tất yếu.
Tính đến tháng 9/2019, số lượng dự án nhà ở hoàn thành đã bị sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án, với 111 ha 43 và 12.453 căn nhà. Trong đó có 10.085 căn hộ chung cư, chỉ bằng khoảng 36% về số lượng dự án; chỉ bằng khoảng 79% về diện tích đất sử dụng đất; chỉ bằng khoảng 47% về số lượng căn nhà và chỉ bằng khoảng 49% tổng diện tích sàn xây dựng so với năm 2018.