Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ lãi suất thấp và gói hỗ trợ 30.000 tỉ từ tài khóa được áp dụng triển khai ngay. |
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ chính thức ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phòng chống Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhấn mạnh: "Tinh thần chung là phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, không nói lòng vòng. Đặc biệt là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu những ngành này chịu tác động rất lớn. Hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỉ. Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch".
Ngoài việc yêu cầu thực hiện ngay hai gói hỗ trợ nêu trên, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để ổn định vĩ mô. Đồng thời Chính phủ cho biết tạm thời chưa đặt ra việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra các gói kích thích kinh tế. Thay vào đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đưa ra các kịch bản, đối sách đối với Covid-19 và tình hình thế giới để không bị động, bất ngờ.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Theo Thủ tướng, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém, trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch. Việc hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19 là nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém, trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đưa ra các yêu cầu đối với từng hạng mục cụ thể. Ví dụ đối với chính sách tiền tệ, Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước ổn định lãi suất, tỉ giá, thị trường vàng, thị trường ngoại tệ,…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính: "Về tài chính ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát khẩn trương đề xuất miễn, giảm, giãn, hoãn chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. Nhất là quan tâm các ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19".
Còn với hoạt động đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là giao thông vận tải, công thương; tập trung giải ngân các dự án dùng vốn ODA.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các địa phương.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển đàn lợn để nguồn cung dồi dào và giảm giá thịt lợn. Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng giá điện và các dịch vụ công thời gian tới; kiểm soát xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm găm hàng, nâng giá.
Trước đó, ngày 2/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cho đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng.