TS. Monica Sharma: Mỗi người phải hành động trong cuộc chiến chống rác thải nhựa

TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda đã có những chia sẻ về vấn đề rác thải nhựa.
Nỗ lực hành động trong giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa“Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” - Chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựaTạp chí Kinh tế Môi trường đứng thứ 4 về tuyên truyền chống ô nhiễm rác thải nhựa

Tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam", nhiều chuyên gia đã có những góp ý xung quanh câu chuyện giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, có đến hơn 460 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và một nửa trong số đó là các sản phẩm dùng một lần như túi nhựa, cốc và ống hút. Trung Quốc, Mỹ và Đức là 3 quốc gia phát sinh chất thải nhựa lớn nhất, lần lượt là 60, 38 và 14,5 triệu tấn/năm và xu hướng này có thể kéo dài đến năm 2025.

Việc lạm dụng quá mức sản phẩm từ nhựa và thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích sẽ xuất hiện rác thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên "ô nhiễm trắng". Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng và được thải ra môi trường như: Túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, các loại chất dẻo tổng hợp… Có rác thải kích thươc lớn và rác thải vi nhựa, chủ yếu là nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các sản phảm nhựa.

TS. Monica Sharma: Mỗi người phải hành động trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 1
GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (áo đỏ) tham gia thảo luận tại Tọa đàm.

Hiện nay, trên thế giới đang diễn ra việc gia tăng sử dụng nhựa theo cấp số nhân và việc quản lý rác thải không đầy đủ dẫn đến việc rác thải đe dọa đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Các quốc gia ASEAN là nguồn thải nhựa lớn nhất ra đại dương. Ước tính, khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua mỗi phút, khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm. Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Ở những thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày thải ra môi trường lên tới 80 tấn. Chỉ có 10% rác thải nhựa Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc xả ra môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ chất thải nhựa được xử lý không đầy đủ, chiếm 5,76% trong tổng lượng chất thải nhựa không được xử lý đầy đủ trên toàn thế giới. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).

Từ thực trạng trên, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho rằng, để bảo vệ môi trường trước tác hại của chất thải nhựa cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, từ chủ trương chính sách đến hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nylon). Đẩy mạnh tái sử dụng , tái chế sản phẩm nhựa hướng tới một xã hội tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

"Cần ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nylon khó phân hủy. Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi tường...", GS.TS Đặng Thị Kim Chi đề xuất.

Nữ chuyên gia lưu ý, sản phẩm nhựa và chất thải nhựa ngày càng phát sinh nhiều, trong khi chưa có các biện pháp kiểm soát tích cực, gây nhiều tác động xấu, ô nhiễm môi trường. Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa; tăng cường giáo dục tuyên truyền, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Các giải pháp công nghệ - kỹ thuật là rất cần thiết và cần được khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế, góp phần phát triển bền vững đất nước, vì sức khỏe cộng đồng.

TS. Monica Sharma: Mỗi người phải hành động trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 2
TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (bìa trái).

Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda mặc dù không thể góp mặt nhưng đã gửi đến Ban Tổ chức ý kiến của mình về vấn đề rác thải nhựa.

Theo bà Monica Sharma, chúng ta cần chuyển sang lối sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển và bảo tồn cần song hành để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua các hoạt động kỷ niệm văn hóa giữa Việt Nam - Ấn Độ, chúng ta có thể truyền tải những thông điệp về bảo vệ môi trường, để nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.

"Rác thải nhựa toàn cầu đang tàn phá tài nguyên thiên nhiên, đất, nước và không khí của chúng ta. Nó là nguyên nhân của nhiều căn bệnh mà chúng ta đang mắc phải. Mỗi người phải hành động trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Để làm được điều đó, chúng ta cần phải chuyển sang lối sống áp dụng các tập quán truyền thống. Nền văn hóa châu Á truyền thống của chúng ta rất phong phú trong việc bảo tồn môi trường sống tự nhiên và thiên nhiên. Ấn Độ đang thúc đẩy lối sống bền vững thông qua phong trào MISSION LIFE cũng như các sáng kiến khác", Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda chia sẻ.

Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" đã truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tọa đàm cũng mang lại góc nhìn đa chiều cho các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách về vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay dựa trên cách tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nguyên văn chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda:

"We need to shift to sustainable lifestyle, developments and solutions. Our Cultural celebrations must inculcate the habits of environmental protection.

Global plastic waste is devastating the Natural resources, our soil, water and air. It is the cause of many diseases we are suffering with. Every human has to stand up for the war against plastic. For that we have to shift to the traditional practices. Our traditional Asian culture is rich in conservation of Natural habitats and nature. India is promoting sustainable lifestyles through MISSION LIFE and other initiatives."

Thục Quyên

Xem thêm

Liên kết