20 năm vì nền Kinh tế Xanh
Từ những năm 2000, ngay từ khi thành lập, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam – VIASEE đã xác định rõ nhiệm vụ của Hội có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia hoạch định chính sách pháp luật, trọng tâm là xây dựng nền kinh tế xanh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hội nhập với xu thế phát triển của toàn cầu, Chính phủ ta ngày càng chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn hay còn gọi là nền kinh tế đầu tư vào vốn tự nhiên, dựa vào bảo vệ môi trường để đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Điều này cho thấy những vấn đề mà Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nghiên cứu, tổ chức triển khai trong suốt 20 năm đều là những vấn đề mang tính cấp thiết, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
“Việc thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có tầm nhìn chiến lược, dự báo trước được tình hình và nắm bắt được xu thế thời đại”, TS Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT đánh giá.
Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp với 23 hội viên ban đầu, sau 20 năm, Hội đã có hơn 500 hội viên, trải đều khắp 3 miền của Tổ quốc, quy tụ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín hàng đầu về lĩnh vực kinh tế môi trường. Kể từ khi thành lập cho đến nay, TW Hội luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Với sự nỗ lực không ngừng, TW Hội đã vươn lên, trở thành hội viên tiên phong về lĩnh vực kinh tế môi trường trong hệ thống các đơn vị thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – VUSTA, vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ TN&MT; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) trao tặng Cờ thi đua xuất sắc…
“Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, sự phấn đấu của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Trong suốt 20 năm hình thành và phát triển dưới mái nhà chung VUSTA, TW Hội luôn là thành viên rất tích cực với nhiều đóng góp, luôn luôn phấn đấu và đáp ứng tất cả các tiêu chí, mục tiêu và phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và đã đóng góp không nhỏ trong vấn đề bảo vệ môi trường của Việt Nam”, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA nói.
Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động về môi trường, thời gian vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vẫn không ngừng xây dựng, kiện toàn bộ máy. Hiện, ngoài cơ quan chính đặt tại Thủ đô Hà Nội, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã cho ra mắt Văn phòng đại diện khu vực phía Nam tại TP.HCM; thành lập nhiều đơn vị chuyên trách trực thuộc như Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Ban Pháp chế, Trung tâm Kinh tế Môi trường, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI).
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, TW Hội cũng chú trọng phát triển công tác truyền thông. Theo đó, từ một tờ báo in cùng 2 trang tin điện tử hoạt động ổn định, đến nay, cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã ra mắt Tạp chí điện tử, thành lập Văn phòng đại diện của Tạp chí tại TP.HCM, thành lập và vận hành hiệu quả mạng xã hội vì môi trường đầu tiên tại Việt Nam tại địa chỉ www.vngreen.vn.
Song song với nhiệm vụ kiện toàn bộ máy hoạt động, TW Hội cũng thành công trong việc kiện toàn công tác nhân sự. Các cán bộ trẻ, hội tụ đầy đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị lần lượt được tham gia vào hoạt động của TW Hội, được tập thể ghi nhận, thống nhất bổ nhiệm giữ những vị trí quan trọng, hứa hẹn mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ mang tính đột phá.
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Xung lực cho nền kinh tế tuần hoàn
Như đã biết, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.
Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và các đơn vị thành viên đã chủ động thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới, tuyệt đối tuân thủ Chỉ đạo phòng chống dịch, quan tâm bảo vệ sức khỏe của cán bộ công nhân viên, người lao động… nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
Với sự phối hợp của Bộ TN&MT, tháng 5/2021, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã cho ra mắt Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc với sứ mệnh hướng đến việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chương trình thiện nguyện nhân văn sâu sắc. Theo đó, gần 50.000 khẩu trang y tế và một số nhu yếu phẩm y tế đã được Quỹ trao tặng cho các bệnh viện tuyến đầu tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao, diễn biến phức tạp.
Những hoạt động thiết thực này được thực hiện sau khi đội ngũ nhân sự của TW Hội được kiện toàn. Lớp lãnh đạo trẻ đã bộc lộ và phát huy năng lực ngay khi nhận nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó là vai trò định hướng của lớp lãnh đạo gạo cội, nhiều kinh nghiệm.
"Tôi cho rằng cách định hướng của người đứng đầu rất quan trọng. Tại VIASEE, PGS.TS Trương Mạnh Tiến và PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đều là những nhà khoa học chân chính và nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, nhìn vào nhân sự của VIASEE, tôi thấy có sự gắn kết giữa các thế hệ. Đó đều là những con người tâm huyết, say sưa trong công việc", TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA chia sẻ.
Những bước đi táo bạo, mạnh mẽ và dứt khoát trong thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn chắc chắn không hề dễ dàng, song tin tưởng rằng với sự sáng suốt từ ban lãnh đạo cùng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng từ tập thể, VIASEE sẽ đi qua khó khăn, trở thành xung lực phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Làm tốt nhiệm vụ được giao – “Hữu xạ tự nhiên hương”
Trong buổi đến thăm và làm việc với VIASEE và Tạp chí Kinh tế Môi trường vào tháng 6/2021 mới đây, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ghi nhận kết quả VIASEE đã đạt được trong 20 năm phát triển:
"Những kết quả, thành tựu trên một lần nữa khẳng định VIASEE đã hoạt động đúng hướng, hiệu quả trong hệ thống của VUSTA". Bên cạnh đó, Chủ tịch VUSTA căn dặn, những nhiệm kỳ trước, VIASEE đều làm tốt các nhiệm vụ mà Liên hiệp Hội Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, đó là công tác phản biện, tư vấn, giám định xã hội.
Trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch VUSTA kỳ vọng TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước, tổ chức các diễn đàn khoa học, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có tên tuổi đến các nhà quản lý tham gia góp ý, phản biện. Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện, tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế hợp tác đa phương…
Về Tạp chí Kinh tế Môi trường, TSKH Phan Xuân Dũng ghi nhận và đánh giá cao Tạp chí trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, hoạt động và định hướng VUSTA và VIASEE. Chủ tịch VUSTA cho rằng, báo chí để có sức ảnh hưởng lớn phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và đi đúng trọng tâm vấn đề.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch VUSTA chúc Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày càng phát triển và bày tỏ sự tin tưởng Tạp chí sẽ trở thành cánh chim đầu đàn trong việc tuyên truyền các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Với sự quan tâm của lãnh đạo VUSTA, lãnh đạo VIASEE khẳng định, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ hoàn thành sứ mệnh được giao, là kênh tuyên truyền hiệu quả các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của VUSTA trong vấn đề bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Với VIASEE, chặng đường 20 năm đích thực là một hành trình gieo mầm xanh hạnh phúc. Như lời chia sẻ của Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch danh dự của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam:
“Tôi một mực tin tưởng rằng, nếu như tất cả chúng ta biết yêu thương xứ sở của mình, biết làm việc phúc đức, biết tôi luyện ý chí để vươn tới thành công, biết nuôi dưỡng văn hóa hiếu hòa trong tâm hồn thì xung quanh chúng ta sự màu nhiệm sẽ luôn lấp lánh, kì diệu và bất ngờ”.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, từ một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động còn nhiều hạn chế do khó khăn về điều kiện làm việc, nhân sự, VIASEE đã vươn lên trở thành một hội mạnh và đầy trách nhiệm trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, liên tục mở rộng và không ngừng phát triển.
Những thành tựu đạt được ngày hôm nay là nhờ TW Hội và các đơn vị thành viên luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bám sát mục đích, tôn chỉ, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ. Nỗ lực và hiệu quả đem lại đã giúp VIASEE cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường xây dựng được thương hiệu, xác lập vị thế, uy tín trong xã hội.
Làm tốt nhiệm vụ bằng cái tâm, bằng tình yêu dành cho quê hương đất nước, tự nhiên “tiếng lành đồn xa”, “hữu xạ tự nhiên hương”. Đó là điều mà lãnh đạo VIASEE luôn tâm niệm và mong muốn lớp lãnh đạo kế cận học hỏi và phát huy.