TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam quyết tâm với sứ mệnh bảo vệ môi trường

Thực hiện thông điệp “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, trong nhiệm kỳ mới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam quyết tâm hoàn thành sứ mệnh bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Nhìn lại nhiệm kỳ IV (2015 - 2020)Đài truyền hình Hà Nội phát sóng phiên khai mạc Đại hội TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam lần thứ VTW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Dấu ấn một năm bứt phá và phát triển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là bảo đảm chất lượng môi trường sống để bảo vệ sức khỏe người dân, thay đổi phương thức quản lý theo hướng bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các công cụ quản lý môi trường, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao. Luật quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo suốt vòng đời của dự án đầu tư phát triển, bắt đầu từ khâu quy hoạch, xem xét chủ trương, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án cho đến khi vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kết thúc hoạt động.

tm-img-alt

Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành hành lang pháp lý cơ bản về bảo vệ môi trường (BVMT) có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ, khi chuyển các quy định rải rác, phân tán về BVMT ở các luật khác về Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về BVMT của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) như xây dựng chiến lược, quy hoạch, quy phạm pháp luật, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện; Thẩm định, cấp phép; Thông tin, báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường; Phân công, phân cấp đi đôi với xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra hành lang pháp lý cho những định hướng lớn về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, nhóm đối tượng có nguy cao gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; Tiếp cận cách thức quản lý dựa trên nền tảng khoa học, thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Cùng với đó, Luật cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đối với nhóm ít nguy cơ gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; Đồng thời thúc đẩy các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, đầu tư phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên để vừa phát triển kinh tế, vừa BVMT, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

“Với rất nhiều điểm mới, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức, hành động trong công tác quản lý và BVMT; Vấn đề môi trường cùng với kinh tế, xã hội phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế để thực hiện phát triển bền vững đất nước”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện rất rõ nội dung mục tiêu phát triển kinh tế gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. 

Cụ thể, trước các tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Luật quy định việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược nhằm chủ động thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Luật đã lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước; Căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên trong trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm

Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong suốt quá trình hoạt động, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong bối cảnh chung của Việt Nam và thế giới có những tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là môi trường.

Trong nhiệm kỳ mới 2021 - 2025, Bộ trưởng mong muốn, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tập trung vào những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục củng cố và điều chỉnh tổ chức hoạt động cho phù hợp với sự phát triển trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế; Tăng cường năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội về chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường, tạo điều kiện nâng cao vị thế của Hội.

“Đẩy mạnh công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Nâng cao chất lượng tạp chí, ấn phẩm, tạp chí điện tử kinhtemoitruong.vn và kinhtexanh.vn. Đặc biệt với vai trò của mình, Hội cần tiếp tục nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Hình thành và phát huy vai trò của Viện/Trung tâm khoa học pháp lý và ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đánh giá về hoạt động của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, TS Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, thời gian qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là một tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

tm-img-alt

Theo TS Tạ Đình Thi, trong năm 2021, để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nên chú trọng vào 3 nhóm hoạt động trọng tâm như sau:

Một là, tập hợp lực lượng hội viên, phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến lĩnh vực môi trường song hành với phát triển bền vững kinh tế. Tiếp tục tập hợp, củng cố đội ngũ những người hoạt động trong Hội tâm huyết ở Trung ương và địa phương, tăng cường mở rộng thêm về đối tượng tham gia từ các nhà quản lý, nghiên cứu, giảng dạy đến những cán bộ nghỉ hưu,... Đội ngũ chuyên gia không chỉ đòi hỏi năng lực giỏi về chuyên môn mà quan trọng hơn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc công tâm, công bằng, đóng góp những ý kiến khách quan theo hướng xây dựng đối với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra sự điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, cũng như các giải pháp phù hợp, loại trừ khả năng xảy ra tiêu cực; Phối hợp và liên kết vùng giữa các hội địa phương. Các hoạt động của Hội cần đi sát với yêu cầu từng vùng miền, trên cơ sở tìm hiểu kỹ điều kiện của từng nơi, phải chuyển giao được những công nghệ phù hợp, thiết thực, tư vấn hiệu quả góp phần vào sự phát triển của từng địa phương.

Hai là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đặc biệt với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây vừa là cơ hội để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Truyền thông và phổ biến kiến thức của Hội trong các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường; Vừa là dịp để các nhà khoa học của Hội tham gia hỗ trợ về kỹ thuật và pháp lý cho các hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ba là, tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế hợp tác đa phương, về tình hình biển Đông, tình hình ASEAN và các kết quả hội nghị cấp cao ASEAN nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính thức về tình hình trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên, trí thức. Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng trí thức, các nhà nghiên cứu về khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác với các hội trong và ngoài Hội, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các hoạt động.

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2021 - 2025, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về chú trọng đẩy mạnh kinh tế tri thức, hình thành và phát triển nền kinh tế xanh, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những hoạt động triển khai ngay sau đó và đạt được các kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của Hội trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức trong và ngoài nước.

tm-img-alt
Đại hội Đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2021 - 2025 của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thành công tốt đẹp.

Thơi gian qua, công tác phát triển hội viên của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng tự hào, Hội đã quy tụ hơn 500 hội viên, hoạt động được mở rộng tại các vùng miền trong cả nước, có sự tham gia của nhiều tập thể và cá nhân, nhất là lực lượng các doanh nghiệp, doanh nhân.

Với đội ngũ hội viên luôn nhiệt tình, sẵn sàng làm tốt những nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhiệt huyết, trong nhiệm kỳ mới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam quyết tâm hoàn thành sứ mệnh bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam.

Vương Liễu (Thực hiện)

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết