Nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phát động phong trào "toàn dân tiêu độc khử trùng trong 1 tháng" với các hộ, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi. |
Đây là ghi nhận tại Hội nghị triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh phía Nam ngày 25/5 tại TP HCM.
Đã tiêu hủy 5% tổng đàn lợn cả nước
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính hết ngày 24/5 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 2.904 xã thuộc 265 huyện tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, với hơn 1,7 triệu con lợn bị tiêu hủy (chiếm 5% tổng đàn cả nước).
Tại khu vực phía Nam, hiện đã có 8/18 tỉnh xuất hiện lợn bệnh. Nhìn chung, các ổ dịch được phát hiện đa phần ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia đều đã xuất hiện dịch. Đáng chú ý, một số khu vực ở Campuchia có dịch tả lợn châu Phi lại giáp ranh với nhiều tỉnh của Việt Nam như Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai, Đắk Lắk.
Dự báo của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan đến những vùng nuôi còn đang an toàn, thậm chí sẽ xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Những nơi có dịch đã qua 30 ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới cũng vẫn còn rủi ro dịch sẽ quay lại.
Tuy bệnh lây lan nhanh nhưng công tác phòng chống dịch bước đầu đã đạt kết quả nhất định khi có 80 xã thuộc 49 huyện của 22 tỉnh, thành không phát sinh thêm lợn mắc bệnh trong 30 ngày qua.
Cả nước cũng đã tổ chức xây dựng được 740 cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Riêng Đông và Tây Nam Bộ - nơi chiếm 65% tổng đàn lợn của cả nước - có 459 cơ sở. Ngành nông nghiệp cũng đang chủ trương xúc tiến các giải pháp thúc đẩy chăn nuôi gia cầm và các loại gia súc khác để bù đắp (trâu, bò, dê, cừu…).
Thực tế, công tác phòng chống dịch ghi nhận nhiều khó khăn, như: quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, chuồng trại còn lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao, số cơ sở chăn nuôi an toàn còn ít so với tổng số trang trại. Nhiều hộ chăn nuôi chưa hiểu rõ tính nguy hiểm nên chưa thực hiện các biện pháp an toàn sinh học triệt để (Bình Phước vẫn chăn nuôi lợn lai, lợn rừng kiểu “gần gũi thiên nhiên”, hoặc tận dụng thức ăn dư thừa cho chăn nuôi. Đồng Nai vẫn phát hiện giết mổ lợn bệnh, lợn lậu…). Người chăn nuôi khi phát hiện bệnh không khai báo ngay do tâm lý luyến tiếc. Từ lúc phát hiện bệnh đến lúc cơ quan chức năng thực hiện tiêu hủy lợn bệnh mất 5, 6 ngày - tức tạo ra nguy cơ lây lan lớn.
Một số nơi công tác vệ sinh, tiêu độc, sát trùng còn chậm và chưa đúng kỹ thuật; lực lượng tham gia chưa được tập huấn, không có quần áo bảo hộ; trang thiết bị tiêu độc, khử trùng chưa đầy đủ. “Thiếu dự trữ vôi bột, hóa chất cục bộ nên xe cộ cứ chạy đi, chạy lại, ra - vào vùng dịch để vận chuyển thêm cũng gây ra rủi ro chưa xử được dịch đã làm lây lan dịch” - ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y nói.
Báo cáo của ngành thú y còn cho thấy một số địa phương chưa đủ nhân lực để ứng phó kịp thời với dịch bệnh; nơi thì không còn chi cục thú y nên không thuận lợi về đầu mối triển khai, liên thông thông tin; nơi thì giám đốc trung tâm thú y là… bí thư xã - không phải cán bộ chuyên môn - và trung tâm cũng chỉ có 3 người…
Hiện đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa mưa, nhiều nơi ngập úng - là kiểu thời tiết bất lợi cho phòng chống dịch; gây khó khăn khi xử lý lợn bệnh bằng phương pháp chôn lấp. Đây cũng là khu vực có kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nên kiểm soát vận tải đường thủy càng phức tạp hơn.
“Chạy nước rút” hỗ trợ người chăn nuôi
Sau khi ngành thú y “điểm danh” các bất cập về điều kiện cơ sở vật chất tại một số chốt chặn như “xe chở heo phải dừng giữa đường để kiểm dịch trong khi các xe khác vẫn chạy ào ào bên cạnh - rất nguy hiểm” hoặc chốt kiểm dịch không có nơi nuôi nhốt lợn khi phát hiện “có vấn đề”, các địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ.
Nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn đang phát động phong trào “toàn dân tiêu độc khử trùng trong 1 tháng” với các hộ, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi.
Tại Đồng Nai, khi phát hiện dịch, không chỉ lợn bệnh mà cả lượng thức ăn chăn nuôi còn dư thừa cũng phải bị tiêu hủy. “Đấu tranh, vận động cũng khó khăn vì người dân phản đối do e ngại không đủ nguồn lực tái đàn sau này; hay chính quyền phải nhờ cả công an hỗ trợ cưỡng chế, điều tra, tìm kiếm ổ dịch. Thậm chí có trường hợp chống đối đang chuẩn bị khởi tố để làm gương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho hay.
Nhiều địa phương tại Tây Nam Bộ như Hậu Giang, Bạc Liêu thì đồng tình kiến nghị nhanh chóng sửa đổi chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại bởi dù thực hiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP hay Nghị quyết 16/NQ-CP thì mức hỗ trợ cũng khá thấp, không quá 38.000 đồng/kg hơi.
"Muốn điều chỉnh Nghị định cũng mất thời gian, còn giá lợn trên thị trường thì thay đổi hàng ngày. Nếu giao cho tỉnh chủ động về giá hỗ trợ thì người dân sẽ yên tâm hơn, sẽ chủ động báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời hơn, thay vì tâm lý tiếc hoặc cố tình tìm cách bán chạy lợn bệnh để vớt vát" - Chủ tịch UBND Tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đặt vấn đề cho giải pháp có tính tác động kinh tế.
Phản hồi các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng lãnh đạo các tỉnh, thành có thể tham mưu, trình thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho người chăn nuôi. Các địa phương đừng quá cứng nhắc, không ai đi bắt bẻ người làm lợi cho dân cả. Tất nhiên, tới đây ngành nông nghiệp cũng sẽ tham mưu Chính phủ ra cơ chế mới theo hướng cho thực hiện hệ số cộng thêm hoặc đề nghị phân cấp để địa phương tự quyết.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo: "Tất cả các cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn nhỏ không tái đàn vào lúc này. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có thông báo tăng đàn trở lại. Chúng tôi đã bàn với các địa phương tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi lợn".
Hiện tại, các cơ sở giết mổ tập trung có lợi thế về công nghệ chế biến được khuyến khích tăng cường thu mua, giết mổ, dự trữ thịt cấp đông vì dự báo thị trường sẽ thiếu hụt thịt lợn trong những tháng, những quý tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương trao đổi với các địa phương tùy tình hình cụ thể để ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện công tác này.
Dù rằng khó mà kiểm soát hết các con đường truyền nhiễm kiểu "chim trời, cá nước" của virus dịch tả lợn châu Phi, nhưng theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn cần có khuyến cáo ứng xử đảm bảo "an toàn sinh học" cho các hộ chăn nuôi vệ tinh, trong đó chú ý cả hoạt động di chuyển của công nhân, người tham gia chăn nuôi khi ra vào vùng có dịch.
Làm sao để đánh chuột không vỡ bình hoa? Cuộc chiến phòng chống dịch tả lợn châu Phi lần này rõ ràng cần sự đồng lòng của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, để không chỉ bảo vệ sinh kế lâu dài cho người chăn nuôi mà còn góp phần ổn định "sức khỏe" cho ngành nông nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.