Ủy ban Dân tộc phê duyệt 4 dự án môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Ủy ban Dân tộc, dự án được thực hiện sẽ đánh giá cụ thể thực trạng môi trường vùng đồng bào DTTS và nhận thức về bảo vệ môi trường của học sinh các trường dân tộc nội trú. Thời gian thực hiện mỗi dự án là 2 năm (2022 - 2023).

Mới đây, Ủy ban Dân tộc ban hành quyết định phê duyệt 4 dự án bảo vệ môi trường thực hiện từ năm 2022 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nước ta, nhằm góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống.

Cụ thể, dự án “Khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn gắn với chế biến sâu, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS” sẽ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vùng DTTS; đề xuất giải pháp, thực hiện mô hình ứng dụng chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn gắn với chế biến sâu nhằm bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.

Ủy ban Dân tộc phê duyệt 4 dự án môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1
Các dự án bảo vệ môi trường được khởi động sẽ góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Đối với vùng DTTS khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban Dân tộc phê duyệt dự án “Khảo sát, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải thông thường và xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải từ sản xuất nông nghiệp tại vùng DTTS khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự kiến sản phẩm bao gồm: Báo cáo thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải thông thường ở vùng DTTS khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Bản đề xuất các giải pháp và kiến nghị chính sách; Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải từ sản xuất nông nghiệp.

Nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đồng bào DTTS và miền núi phía Bắc, Ủy ban Dân tộc sẽ khởi động dự án “Cải thiện môi trường thông qua xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại rét vào mùa đông cho gia súc tại vùng dân tộc và miền núi phía Bắc”. Định hướng mục tiêu là thực hiện tập huấn nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc; dựa trên báo cáo hiện trạng khu vực này, để từ đó xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc ứng phó với đói rét vào mùa đông và bảo vệ môi trường, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Dự án còn lại được Ủy ban Dân tộc phê duyệt là dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường cho học sinh các trường dân tộc nội trú khu vực Tây Bắc”. Dự kiến các sản phẩm của dự án bao gồm: Báo cáo đánh giá thực trạng nhận thức về bảo vệ môi trường của học sinh các trường dân tộc nội trú khu vực Tây Bắc; Bản tổng hợp kiến nghị giải pháp, chính sách; Bộ tài liệu truyền thông về bảo vệ môi trường cho học sinh các trường dân tộc nội trú; Mô hình truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của học sinh các trường dân tộc nội trú khu vực Tây Bắc.

Theo Ủy ban Dân tộc, các dự án bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện từ năm 2022, dự kiến sản phẩm của các dự án này là các báo cáo, đề xuất, mô hình, giải pháp… liên quan đến môi trường vùng đồng bào DTTS ở nước ta. Thời gian thực hiện mỗi dự án nêu trên là 2 năm (2022 - 2023).

Như vậy, các dự án được thực hiện sẽ đánh giá cụ thể thực trạng môi trường vùng đồng bào DTTS và nhận thức về bảo vệ môi trường của học sinh các trường dân tộc nội trú. Từ đó đề ra các giải pháp, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi bảo vệ môi trường cho học sinh dân tộc nội trú… góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS.

Lan Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường