Uỷ ban Dân tộc: Thiết kế một đằng, thi công một nẻo

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ảnh của độc giả về những bất cập trong dự án điện mặt trời của Ủy ban Dân tộc thuộc Chính phủ.
uy ban dan toc thiet ke mot dang thi cong mot neo bai 2Dấu hỏi lớn trong quản lý đầu tư xây dựng của Ủy ban Dân tộc

Cụ thể, thực tế thi công sai hoàn toàn so với thiết kế được duyệt khiến cho nhiều hạng mục của dự án điện mặt trời bị nứt, gãy, hỏng, bị sét đánh, không an toàn... gây bức xúc cho chính quyền và người dân sở tại.

Được biết, dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam (gọi tắt dự án điện mặt trời) thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa các nguồn năng lượng điện để từng bước đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ bộ máy chính quyền cơ sở và các dịch vụ khác như y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường ở các xã đặc biệt khó khăn khi chưa chưa có điện lưới quốc gia sau năm 2010.

Ban quản lý dự án dự án điện mặt trời trực thuộc Ủy ban Dân tộc là đơn vị được giao quản lý, thực hiện dự án này. Thực hiện trách nhiệm của mình, Ban quản lý đã phối hợp với các chuyên gia Tập đoàn NAPS (Cộng hòa Phần Lan) và chính quyền các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã tiến hành khảo sát, lựa chọn, thẩm định và trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt địa điểm đầu tư tại 70 xã của 19 huyện thuộc 8 tỉnh gồm: Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư 197.273.926.360 đồng. Trong đó vốn ODA 134.133.255.480 đồng; Vốn đối ứng 63.140.670.880 đồng.

Qua tìm hiểu, điều tra của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cho thấy, dự án điện mặt trời có nhiều dấu hiệu sai phạm hàng loạt, cụ thể :

Địa điểm lắp đặt, về cơ bản các hệ điện đều lắp đặt đúng xã có danh sách được phê duyệt. Tuy nhiên, một số xã đã có chủ trương thay đổi địa điểm trụ sở, trạm y tế nhưng Ban quản lý dự án điện mặt trời (Ban quản lý) vẫn cho đơn vị thi công lắp đặt tại trụ sở xã cũ. Khi trụ sở xã mới được xây dựng xong thì việc di chuyển các hệ điện vẫn chưa thực hiện được như xã Kim Cúc , huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; xã Dang, Trà Vàl thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam... Bên cạnh đó, một số hệ điện của nhà văn hoá xã lại được lắp cho nhà văn hoá thôn, đồn Biên phòng, trường học…

uy ban dan toc thiet ke mot dang thi cong mot neo bai 2
Việc thực hiện dự án ứng dụng điện mặt trời cho vùng đồng bào dân tộc miền núi là chủ trương đúng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng ,Nhà nước. Ảnh minh hoạ.

Về vị trí lắp đặt và hướng pin: Theo yêu cầu thiết kế được duyệt, các tấm pin phải lắp đặt ở dưới mặt đất thì mới thuận tiện trong việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa khi hỏng hóc; hướng pin phải lắp đặt phía chính Nam thì thiết bị mới phát huy hết công suất. Tuy nhiên, khi thi công, các hệ điện đều lắp đặt chủ yếu lắp trên mái nhà, gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo trì, bảo dưỡng và rất ít tấm pin lắp đúng hướng chính Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An do đó công suất không đạt như thiết kế được duyệt. Đồng thời, việc khoan lắp chốt vít đặt lên mái nhà (nhà mái bằng) của một số xã của tỉnh Nghệ An gây thêm những hệ luỵ khác như gây thủng mái, thấm dột, ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình, gây bức xúc cho chính quyền và người dân sở tại.

Về bệ đỡ tấm pin, theo thiết kế được duyệt thì bệ đỡ tấm pin có 3 loại được thiết kế bằng bê tông cốt thép mác 200. Loại một được thiết kế bằng 2 dầm đỡ đặt dưới mặt đất, kích thước của mỗi dầm đỡ dài 2,68m, cao 60cm, rộng 30cm; loại thứ hai được thiết kế bằng 4 dầm đỡ đặt dưới mặt đất, kích thước mỗi dầm dài 2,68m, cao 60cm, rộng 30cm; loại thứ ba được thiết kế dạng cọc, kích thước mỗi cọc là (40x40)cm, cao 70cm; số lượng cọc dao động từ 4 cọc đến 16 cọc tuỳ từng hệ điện. Tuy nhiên, thực tế thi công 100% là dạng cọc và kết cấu xây bằng gạch chỉ hoặc gạch bi được sản xuất bằng thủ công là chính. Một số ít ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được thi công bằng cọc bê tông nhưng không cốt thép, kích thước của các loại bệ đỡ này chỉ dao động từ 20cm đến 35cm, cá biệt (40x40)cm.

Về hệ thống tường rào bảo vệ được thiết kế hoàn chỉnh, có cửa ra vào; cột tường rào được xây bằng gạch chỉ vữa xi măng mác 50, khoảng cách giữa các cột có lưới B40 được liên kết hàn với thép hình thành từng tấm và neo chặt vào cột gạch; khoảng cách giữa tường rào xung quanh với tấm pin tối thiểu là 45cm để tiện cho công nhân đi lại xung quanh tấm pin khi bảo dưỡng, sửa chữa. Tuy nhiên, thực tế thi công có nơi làm bằng cọc bê tông kích thước vuông 10cm x10cm, cao 1,5m và được quây xung quanh bằng lưới B40, số ít thì dùng cọc gỗ, hoặc ống thép; có nơi tường rào không có cửa ra vào, hoặc tường rào bám sát tấm pin do đó rất khó khăn trong việc ra vào và đi xung quanh tấm pin để bảo dưỡng, sửa chữa khi cần thiết, nhất là những tấm pin lắp trên mái nhà càng gặp nhiều khó khăn hơn.

uy ban dan toc thiet ke mot dang thi cong mot neo bai 2
Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự thất bại của dự án là do quản lý yếu kém, không có chuyên môn, không tuân thủ theo các quy định của pháp luật của Uỷ ban dân tộc thuộc Chính phủ, dẫn đến lãng phí rất lớn tiền ngân sách của nhà nước. Ảnh minh họa.

Nhà trạm nạp ắc quy được thiết kế móng xây gạch chỉ đặc mác 75, có giằng móng bằng bê tông cốt thép mác 200, tường chịu lực được xây bằng gạch chỉ rộng 22cm mác 50; mái bằng bê tông cốt thép mác 200 có 02 dầm mái để liên kết với giá đỡ tấm pin (để tránh khi đặt bu lông neo gây thủng mái); có 3 ô thoáng, mỗi ô thoáng đều có lưới chắn côn trùng; có cửa ra vào làm bằng tấm thép hàn trong khung thép hình. Nhưng thực tế thi công sai vật liệu cho kết cấu móng từ gạch sang đá hộc, tường xây bằng gạch bi sản xuất thủ công, không có giằng móng, không có lưới bảo vệ. Một số nơi không có dầm mái, không có cánh cửa. Tấm chớp ô thoáng không đảm bảo số lượng, sai kích thước và đặt sai kỹ thuật do đó không ngăn được nước mưa; mái bê tông nhiều nơi đã nứt, gẫy, thấm dột.

Hệ thống rãnh kỹ thuật đặt cáp điện được thiết kế chôn sâu dưới mặt đất 70cm; các tầng kỹ thuật của rãnh lần lượt được thiết kế gồm 6 lớp rất an toàn cho quá trình sử dụng. Nhưng thực tế thi công, tất cả hệ thống cáp được đặt dưới lớp đất tự nhiên bình quân khoảng 20cm, được chôn lấp rất sơ sài, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, rất mất an toàn khi vận hành khai thác.

Đặc biệt, hệ thống chống sét được thiết kế bằng cách là khoan giếng để chôn cọc tiếp địa với kích thước chiều sâu bình quân là 20m. Nhưng thực tế không khoan giếng tiếp địa mà chôn sơ sài, không đảm bảo an toàn; cá biệt có nơi đã bị sét đánh như xã Tà Tổng thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Thêm vào đó, theo thiết kế tất cả ắc quy được đặt trong thùng gỗ ở nơi khô thoáng, nhưng không địa điểm nào đóng thùng gỗ như thiết kế. Việc này vừa không an toàn vừa ảnh hưởng đến tuổi thọ của ắc quy.

Bên cạnh đó, về phần thiết bị của dự án, qua kiểm tra có 35/66 xã lắp thiếu thiết bị (gồm 9 loại thiết bị); 14/66 xã thiết bị đã bị hỏng chưa được thay thế, đặc biệt có 9/66 xã đã bị tháo dỡ. Nhiều thiết bị chưa lắp đặt được Ban quản lý dự án báo cáo đang bảo quản tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Một số đoạn thân cột Ban quản lý báo cáo để tại các huyện và các xã được đầu tư nhưng khi kiểm tra thực tế tại các huyện và các xã đều không có.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Ban quản lý dự án điện mặt trời, ông Thanh khẳng định việc thi công sai thiết kế là có thật nhưng nguyên nhân không phải vì cố ý làm sai mà do tình hình thực tế tại mỗi địa phương khác nhau nên phải thi công cho phù hợp.

Tuy nhiên khi PV hỏi là như vậy quá trình khảo sát, thiết kế đã sai vì không khảo sát cụ thể từng địa hình, khi chưa có đầy đủ thông số chi tiết về hướng mặt trời, về thời tiết đã vội vàng phê duyệt thiết kế thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Thanh không trả lời được.

Được biết, trước khi ông Nguyễn Văn Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Quản lý dự án điện mặt trời là một bác sĩ về lĩnh vực thể thao. Điều này cho thấy, công tác cán bộ ở Uỷ ban dân tộc thuộc Chính phủ là có vấn đề (?!).

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài viết sau.

Theo Môi trường và Đô thị
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường