Vay 16 triệu USD biên soạn sách giáo khoa: Kế hoạch 'phá sản', tiền chi vào đâu?

Trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD dự kiến để Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Băn khoăn từ việc thẩm định sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2019Cần đưa giáo dục môi trường vào chương trình từ mẫu giáo, tiểu học
vay 16 trieu usd bien soan sach giao khoa ke hoach pha san tien chi vao dau
Dư luận đang quan tâm số tiền 16 triệu USD sẽ được chi cho việc gì khi Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn SGK mới. (Ảnh minh hoạ)

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa công bố, không có bộ nào do Bộ GD&ĐT biên soạn.

Được biết, vào tháng 5/2019, Bộ này báo cáo không thực hiện được Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc chủ động biên soạn bộ sách giáo khoa, do không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả.

Trước đó, trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD (khoảng 370 tỉ đồng) dự kiến để Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa. Nay không thực hiện được việc này, dư luận đặt câu hỏi khoản tiền 16 triệu USD đang ở đâu và Bộ sẽ chi tiêu như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ đàm phán với Ngân hàng Thế giới về việc tái cấu trúc kinh phí dự án, trong đó có tái phân bổ nguồn kinh phí thiết kế cho biên soạn sách giáo khoa nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Trả lời báo Vietnamnet, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho biết, theo dự kiến, 16 triệu USD này ngoài dùng để biên soạn sách giáo khoa còn có nhiều công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu; tập huấn gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hỗ trợ các vùng khó khăn…

"Số tiền thiết kế 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được Ngân hàng Thế giới giải ngân. Chứ không phải là Bộ GD&ĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm sách giáo khoa thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới", ông Thành phân tích.

Trong khi đó, trả lời Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý nợ Đa phương (Cục Quản lý nợ vài Tài chính đối ngoại) khẳng định, khoản tiền 16 triệu USD dành cho cấu phần biên soạn sách giáo khoa mà dư luận đang quan tâm thực ra vẫn chưa rút vốn.

Cũng theo ông Nghĩa, Bộ Tài chính là đơn vị trực tiếp vay, Bộ GD&ĐT chỉ là đơn vị sử dụng số tiền này. Trường hợp Bộ GD&ĐT đề nghị vay thì Ban Quản lý của Bộ Tài chính sẽ có đơn rút vốn gửi cho Ngân hàng Thế giới để rút vốn sử dụng cho dự án. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa đề nghị vay và Bộ Tài chính vẫn chưa có đơn rút vốn.

"Nếu Bộ GD&ĐT không sử dụng đến số tiền đó thì có thể xảy ra hai phương án: Một là sử dụng số tiền đó cho việc khác, hai là trả lại. Nhưng ở đây chưa rút vốn nên không phải trả lại gì cả", ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.

Trong một diễn biến khác có liên quan, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 5 bộ sách gồm 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 của tám môn học được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, 6 cuốn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 lại chưa được công bố dù đã được các hội đồng thẩm định đánh giá "đạt”.

Lý giải về sự chậm công bố sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 với Pháp luật TP.HCM, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết trong chương trình lớp 1 có hai môn tự chọn là môn tiếng dân tộc và môn tiếng Anh.

Bộ đã công bố sách giáo khoa những môn học bắt buộc, sau đó mới công bố môn tự chọn và những bản thảo sách giáo khoa được thẩm định lại.

Được biết, các trường sẽ có hai tháng để lựa chọn sách giáo khoa. Đến ngày 31/3, các trường phải công bố các sách giáo khoa đã lựa chọn. Sau đó, nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn sẽ tiến hành in, phát hành và phối hợp tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021.

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết