Về thăm Nghĩa trang sinh thái Đất Mẹ Văn Lý

Văn Lý là một xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ xa xưa, Núi Đọi – Sông Châu đã được coi là biểu tượng của vùng đất cổ Hà Nam, là cặp biểu tượng danh thắng của tỉnh Hà Nam. Xã Văn Lý may mắn nằm ở vị trí đắc địa.
Cận cảnh dự án xẻ núi làm khu du lịch sinh thái gây xôn xao ở Hà GiangNam Định: Lấy ý kiến về các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biểnNước biển ấm lên - mối nguy hiểm đối với hệ sinh thái đại dương

Vùng quê bình yên và thơ mộng

Dòng sông Châu như một dải lụa vắt qua các thôn Quan Thượng, Quan Hạ, Quan Lạng, Quan Trung với chiều dài hơn 1.200 m. Đứng nơi bờ sông Văn Lý, nhìn về phía bờ sông Châu bên kia là xã Đọi Sơn, một xã đồng bằng bỗng nhiên trồi lên hòn núi Đọi. Núi cao khoảng 400 m, với chu vi khoảng 2.500 m.

Tín ngưỡng dân gian từ lâu đã coi Đọi Sơn là trái núi thiêng. Trên đỉnh núi có chùa Long Đọi, với tháp bia Sùng Thiện Diên Linh, do Vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054 là di tích lịch sử rất có giá trị. Dưới chân núi là xã Đọi Sơn, là nơi tổ chức Lễ hội Tịch điền từ thời Vua Lê Đại Hành.

Dòng sông Châu xưa là nơi giao thông thủy rất tấp nập, là một phần của hành trình Vua Lý Công Uẩn dời đô từ cố đô Hoa Lư về kinh đô mới Hà Nội. Thời nhà Trần, sông Châu còn được gọi là sông Thiên Mạc, con đường thủy huyết mạch nối Thăng Long và Tức Mặc (Nam Định) - kinh đô thứ 2 Triều Trần. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đã có nhiều trận đánh lịch sử  trên sông, gắn liền với tên tuổi của các vị tướng lĩnh lừng danh như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật…

tm-img-alt
Văn Lý – Vùng quê bình yên bên dòng sông Châu…

Núi Đọi - sông Châu đã từng là cảm hứng bất tận cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Xin được trích dẫn mấy câu trong bài thơ Gửi sông Châu của một nhà thơ có liên quan với làng quê Văn Lý :

Anh là hòn núi Đọi/ Em là nước Châu xanh/ Bóng em lồng bóng anh/ Ta bên nhau mãi mãi/ …Quê hương ta có dòng sông/ Hạnh phúc đời ta biết mấy/ Có phải chính sông đã dạy / Cho anh biết sống, yêu em?

Ý tưởng về một Nghĩa trang sinh thái nhân văn

Mùa Thu năm 2013, thầy Tâm và mình dạo chơi nơi cánh đồng. Thầy buột miệng : "Cánh đồng Bắc Bộ mới đẹp làm sao! Đồng xa tít tắp, với những cây đa cổ thụ vươn cao và những hàng cau…".

Thế rồi thầy nói đã nảy sinh ý tưởng mong muốn xây dựng một Nghĩa trang sinh thái nơi Đồng bằng Bắc Bộ. Chuyện qua đi như khi nó đến. Không ngờ cách hơn một tuần sau, tôi nhận được điện thoại từ Mỹ: "Mình và bà xã đã nhất trí xây dựng Nghĩa trang sinh thái tặng cho một làng quê Bắc Bộ. Vấn đề là Tập đoàn Giáo dục quốc tế Á Châu chi toàn bộ kinh phí, còn địa phương cần có đất xây dựng Nghĩa trang từ 5 đến 10 ha. Anh lo giúp nhé!".

Khảo sát vùng đất xây dựng và đặt tên Nghĩa trang

Hẳn là cơ duyên khi Văn Lý được lựa là xã điểm xây dựng nông thôn mới, trong đó Tỉnh Hà Nam chấp nhận quy hoạch xã được xây dựng một Nghĩa trang mới, với diện tích quy hoạch giai đoạn 1 rộng 4,5 ha. Một ngày hè năm 2014, Đoàn khảo sát đi thẳng từ Hà Nội về vùng đất quy hoạch. Đoàn gồm nhà thiện nguyện, nhà phong thủy, nhà nghiên cứu lịch sử và tác giả. Đoàn dừng chân nơi sân Đình làng Quan Hạ. Ngôi đình cổ kính, được bao bởi những cây nhãn cổ thụ, có cây đến trăm năm tuổi.

Theo sử chép, ngôi Đình thuộc đất Quan Lan, tổng Văn Quan, Phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội. Từ ngày 20/10/1890, phủ Lý Nhân được triều đình nhà Nguyễn và thống xứ Bắc Kỳ tách khỏi Hà Nội để trở thành một Phủ của tỉnh Hà Nam. Ngôi Đình Làng Hạ nằm kề bên khu đất Nghĩa trang.

Sau khi làm lễ nơi sân Đình, cả Đoàn thả sức ngắm nhìn khu đất. Trời nắng, gió nồm Nam thổi về từ phía biển, mát rượi. Khu đất rộng, phẳng phiu, lúa xanh rì đang thì "con gái". Sau lưng khu đất, chếch về phía Tây chừng hơn hai cây số chính là hòn núi Đọi. Phía trước là một con sông nhỏ, chảy chừng 300 m thì hợp vào sông Châu.

Từ đây sông Châu chảy qua đập Quan Trung, đập Vĩnh Trụ, qua cửa Tuần Vường đổ vào sông Hồng. Không hẹn mà tất cả chúng tôi đều có chung một cảm giác lâng lâng, khoan khoái và dễ chịu. Thầy phong thủy xắn quần, lội ruộng. Bốc lên một nắm đất bùn, thầy lặng nhìn, lặng ngắm rồi thốt lên: "Đất tốt lắm! Tôi đảm bảo ở độ sâu 6 m sẽ toàn là cát vàng và cát sa non". Chúng tôi tin vào lời thầy phong thủy, nhất là khi biết rằng tự xa xưa, đây chính là lưu vực của sông Hồng.

Trước đó, tôi cũng có đọc về phong thủy vùng đất rộng lớn liên quan đến Núi Đọi - sông Châu. Với cách tạo thế: Lưng tựa sơn (Núi Đọi), chân đạp thủy (Tuần Vường) nên tín ngưỡng dân gian vùng này xuất hiện truyền ngôn về cách để mộ phần cho người đã khuất: Đầu gối núi Đọi/ Chân dọi Tuần Vường/ Phát tích đế vương/ Lưu truyền vạn đại.

Thầy phong thủy cười, nói có « phát tích » hay không là chuyện của hồi sau, điều có thể khẳng định xây dựng Nghĩa trang nơi này là thuận thiên, là rất tốt cho nhân dân Văn Lý.

Tiếp theo là chuyện đặt tên Nghĩa trang. Có nhiều phương án được đề xuất. Ví dụ Nghĩa trang Từ Tâm, Nghĩa trang Từ Mẫu, Nghĩa trang Công viên… Phải đến ngày hôm sau, khi gặp lại nhau ở Hà Nội, mọi người mới có được sự nhất trí về tên gọi Nghĩa trang do nhà thiện nguyện đề xuất "Nghĩa trang Đất Mẹ Văn Lý". Lý lẽ thuyết phục của tên gọi, đó là con người ta, khác nhau về ngày sinh, giới tính, thân thế, sự nghiệp… nhưng cuối cùng khi chết đều trở về với Đất. Mẹ Đất là mẹ của mọi người, Mẹ yêu thương, chở che và tiếp nhận tất cả!

Ý tưởng Nhà thiện nguyện và những điều bất ngờ

Sau rất nhiều nỗ lực của Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu và UBND xã Văn Lý, ngày 5/3/2016, Bản thỏa thuận xây dựng Nghĩa trang sinh thái Đất Mẹ Văn Lý đã được ký kết. Theo đó, Tập đoàn chịu trách nhiệm xây dựng toàn bộ Nghĩa trang theo thiết kế, phía địa phương chịu trách nhiệm bàn giao đất sạch, trồng 3000 cây cau và một số cây đa, cây gạo trong khuôn viên Nghĩa trang và các đường bao.

tm-img-alt
Phía trước sân thờ của Nghĩa trang Đất Mẹ Văn Lý. (Ảnh: Thiều Thanh Liêm).

Bản thỏa thuận đã được ký kết, nhưng còn đó rất nhiều ý kiến khác nhau, tin tưởng cũng có nhưng phần đông là nghi ngờ. Ông Phạm Ngọc Tú, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lý, trong một lần ngồi uống trà giữa mấy anh em nói một câu mang đặc tính ông đồ xứ Hà Nam: "Mới nhìn bản vẽ thôi mà tôi đã muốn chết.  Nghĩa trang đẹp quá!".

Trong khi đó, tuyệt đại đa số nhân dân thì nghi ngờ. Làm gì có nhà từ tâm nào từ mãi Sài Gòn xa lắc xa lơ bỏ ra nhiều tỉ xây dưng Nghĩa trang mà không đòi hỏi gì? Người thì nói chắc Xã và Huyện phải cấp không cho họ hàng chục mẫu đất để "đổi đất lấy công trình". Người khác lại nói chắc chắn xây dựng xong, họ sẽ thu phí cao cho ai muốn đưa người vào mai táng ở Nghĩa trang… Có lần một cụ già ngoài 90 tuổi chặn xe và hỏi tác giả: "Chắc khi tôi chết, con cháu tôi phải trả chục triệu mới có một chỗ chôn phải không anh?".

Tinh thần của Bản thỏa thuận được Đảng ủy xã phổ biến đến từng chi bộ và Chính quyền quán triệt đến từng thôn. Nhưng xem ra hiệu quả còn rất thấp. Ngay cả khi đã triển khai xây dựng, vẫn còn đó những nghi ngờ. Thế là tác giả đành phải xuất hiện tại cuộc họp Hội đồng nhân dân xã Văn Lý. Rất nhiều câu hỏi được nêu lên và trả lời, được truyền thanh đi khắp cả xã để bà con được nghe. Tập trung nhất vẫn là các câu hỏi về "mục đích đầu tư" Nghĩa trang là gì? Câu trả lời được đưa ra một cách khẳng định, chắc "như đinh đóng cột": "Đây không phải công trình đầu tư, mà là công trình thiện nguyện.  Mục đích của nhà thiện nguyện là gì ư? Họ mong muốn  bà con có được một Nghĩa trang sinh thái xanh, sạch, đẹp, làm cho đời sống người dân tốt lên, môi trường cũng tốt lên".

Thế đấy, thuyết phục bà con không phải dễ. Các hạng mục của công trình được triển khai, nhất là khi các tượng Phật và Đỉnh hương bằng đá khối (đặt mua từ Đà Nẵng) được chở về, những tiếng nói nghi ngờ cuối cùng mới dần hết.

Những tháng năm xây dựng

Ngày 16/3/2017, xã Văn Lý tổ chức Lễ động thổ xây dựng Nghĩa trang. Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Văn Thảnh là chủ Lễ. Vừa như khẳng định, vừa như có tính động viên, thầy Thảnh nói với mọi người, rằng khi hoàn thành, đây sẽ là Nghĩa trang xanh, Nghĩa trang sinh thái do tư nhân đầu tư thiện nguyện đẹp nhất Việt Nam. Việc xây dựng diễn ra khá suôn sẻ, bởi nguồn tài chính luôn đảm bảo cấp đủ theo các gói thầu, sau khi được đại diện Tập đoàn giáo dục Quốc tế Á Châu và UBND xã Văn Lý nghiệm thu.

Với tấm lòng thành kính, Tập đoàn giáo dục quốc tế Á Châu đã triển khai thêm gói tu bổ Đình Làng Hạ, bao gồm các hạng mục làm lại các bộ cửa, láng sân Đình, đắp đường mở lối đi mới, làm mới giếng nước phía trước Đình cho thuận phong thủy đình làng.

Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Văn Thảnh đã có những đóng góp có giá trị trong quá trình hoàn thiện bản thiết kế Nghĩa trang. Theo đó, phía trước sân thờ có đắp nổi ao phong thủy, hình chữ nhật. Trong ao có xây bệ thờ để trên đó dựng tượng Phật A Di Đà. Đáy ao có lớp bùn sạch, thả cây hoa súng. Hoa súng nở đẹp, hương thơm dịu nhẹ, ngát hương gần như quanh năm.

Cổng Nghĩa trang được hình thành bởi bốn cột lửa, tạo nên lối đi chính to và rộng ở giữa và hai lối đi nhỏ hơn ở hai bên. Các cột lửa được đắp theo mô hình cột lửa đình thời Lý, nhìn xa như những cây bút viết thơ lên trời xanh!

Tiếp giáp cổng và là phía trước ao súng thờ Phật là Hồ phong thủy hình bán nguyệt. Đến đây thấy rõ trục chính của Nghĩa trang được xây dựng để nguyện cầu linh ứng với truyền ngôn: Đầu gối núi Đọi, Chân dọi Tuần Vường.

tm-img-alt
Ông Ngô Duy Dền - Chủ tịch UBND xã Văn Lý trước Nghĩa trang. (Ảnh: Vũ Xuân Căn).

Công trình Nghĩa trang sinh thái Đất Mẹ Văn Lý không phải lớn, nhưng là mới. Một không gian thoáng rộng, một cảnh quan hài hòa. Những con đường bê tông vừa có ý nghĩa chia Nghĩa trang thành các khu khác nhau, vừa để hôm nay và mãi mai sau con cháu đi tảo mộ, viếng thăm mộ phần ông bà, cha mẹ và tổ tiên. Hai ngôi nhà nghỉ được dựng ở hai phía với các bộ bàn ghế giả gỗ là nơi mọi người nghỉ chân hoặc che mưa, che nắng.

Trong khuôn viên Nghĩa trang, cán bộ và nhân dân xã Văn Lý đã đóng góp và trồng được hơn 2000 cây cau, 100 cây gạo, 10 cây đa, nhiều cây xanh, cây si, cây lộc vừng và rất nhiều cây hoa, trong đó nổi trội hơn cả vẫn là hoa mẫu đơn. Sự tâm huyết của Chủ tịch xã Ngô Duy Dền đã thực sự là động lực cuốn hút mọi người noi theo. Những người con Văn Lý xa quê đã có những đóng góp thiết thực, trồng được 100 cây hoa ban, là "biểu trưng của núi rừng Tây Bắc" nơi Nghĩa trang Đất Mẹ Văn Lý. Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - PGS. TS. Trương Mạnh Tiến, giảng viên cao cấp (nay đã được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng) của Đại học Quốc tế Sài Gòn, đã trồng tặng hai cây bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật.

Khắp Nghĩa trang, bốn mùa hoa lá tươi xanh. Hàng ngày vào hai buổi sáng và chiều, rất nhiều người tới đây tập thể dục, đi bộ. Điều đó cắt nghĩa vì sao không ít người gọi Nghĩa trang Đất Mẹ Văn Lý là Nghĩa trang sinh thái.

Ngày 26/8/2018, Nghĩa trang Đất Mẹ Văn Lý được hoàn thành. Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu đã làm lễ nghiệm thu và bàn giao công trình cho UBND xã Văn Lý. Sau lễ hô thần nhập tượng, ngày 16/9/2018, UBND xã Văn Lý tổ chức Lễ Khánh thành và chính thức đưa công trình Nghĩa trang Đất Mẹ Văn Lý vào hoạt động.

Nhà Hành Lễ Tam tôn và ý nghĩa sinh tử

Hầu hết người dân Văn Lý theo tín ngưỡng đạo Phật. Bắt gặp ý tưởng của Phật giáo đại thừa, trong ao phong thủy đắp nổi là bức tượng Phật A Di Đà đứng, làm từ đá hoa cương trắng (Đà Nẵng) cao hơn 6 m (tính cả chân đế). Được biết, Đức Phật A Di Đà là vị Phật làm giáo chủ ở cõi Tây phương Cực Lạc, tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu và giải thoát hoàn toàn khổ đau. Ngài đứng đó, một tay duỗi xuống và một tay nâng ngang ngực, mang ý nghĩa sẵn sàng tiếp nhận lời nguyện cầu (Nam mô A Di Đà Phật) để tiếp dẫn chúng sinh được vãng sinh vào một bông sen ở cõi Tây phương Cực Lạc.

Người thân của những người đã khuất và những khách chiêm bái gần xa có thể thắp nén hương thơm nơi Đỉnh hương bằng đá hoa cương trắng liền khối, cao khoảng 1m40. Tiếp theo, mọi người có thể bước vào Nhà Hành Lễ, nơi thờ các Đức Phật Tam tôn. Ở chính giữa là Tượng Phật A Di Đà. Sự nghiệp giáo hóa của Phật A Di Đà tại cõi Tây phương Cực Lạc  được hỗ trợ bởi Bồ Tát Đại Thế Chí (phía bên phải) và Bồ Tát Quán Thế Âm (phía bên trái). Hai vị Bồ Tát biểu hiện nguyện lực cứu độ chúng sinh của Phật A Di Đà. Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng cho Trí Tuệ, hiểu theo nghĩa Ngài dùng ánh sáng trí tuệ soi khắp hết thảy khiến chúng sinh trong ba đường ác được giải thoát. 

Hình tượng Phật và những lời nguyện cầu có tác dụng độ cho các thần thức được an nhiên tự tại, có nhiều cơ hội được tiếp nhận về cõi Tây phương tịnh độ.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Nghĩa trang sinh thái Đất Mẹ Văn Lý mà phóng viên ghi lại được:

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Bà con xã Văn Lý thường xuyên dọn dẹp vệ sinh xung quanh nghĩa trang, trồng thêm cây xanh, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp.
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Nghĩa trang sinh thái Đất Mẹ Văn Lý được hình thành đã mang đến niềm phấn khởi, an vui cho nhân dân xã Văn Lý...
tm-img-alt
Những người con của mảnh đất Văn Lý chụp ảnh kỷ niệm tại Nghĩa trang sinh thái Đất Mẹ Văn Lý, từ trái qua: PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, ông Ngô Duy Dền - Chủ tịch UBND xã Văn Lý, TS. Trần Xuân Định - tác giả, TS. Cao Văn Quyền - Giảng viên ĐH Quốc tế Sài Gòn.
Trần Xuân Định
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết