Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát VEAM đã chỉ ra nhiều sai phạm tại doanh nghiệp này trong việc rót vốn vào dự án nhà máy ôtô (VM).
Theo đó, ngày 18/5/2004, HĐQT của VEAM đã có quyết định phê duyệt dự án VM với tổng mức đầu tư 462,46 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, ngày 27/6/2013, Hội đồng thành viên (HĐTV) của VEAM đã có quyết định phê duyệt quyết toán dự án VM với giá trị 661,88 tỉ đồng, tài sản lưu động là 8,92 tỉ đồng.
Trong giai đoạn cấp vốn từ 2009-2013, ngay trong quá trình đầu tư, VEAM đã chuyển một lượng vốn lớn cho dự án. Tính đến 31/12/2013, công ty mẹ chuyển số vốn lưu động cho VM lên tới 1.214 tỉ đồng ngoài vốn đầu tư chủ sở hữu là 662 tỉ đồng.
VEAM rót hàng nghìn tỉ vào nhà máy ôtô thua lỗ - Ảnh MH. |
Việc chuyển vốn lưu động cho VM không có một quyết định nào của HĐTV. Chủ tịch HĐTV là người trực tiếp chỉ đạo Tổng giám đốc và kế toán của VEAM thực hiện chuyến vốn. Trong thời gian này, VM lỗ luỹ kế gần 345 tỉ đồng.
Đến năm 2014, Tổng giám đốc VEAM đã có văn bản trình HĐTV phê duyệt chuyển tiếp khoảng 194 tỉ đồng cấp cho VM mà không được các thành viên khác chấp nhận (bởi trước đó, việc chuyển vốn không thông qua HĐTV).
Đến ngày 9/2/2015, HĐTV của VEAM lại bất ngờ phê duyệt hỗ trợ vốn lưu động 2015 cho VM tối đa 194 tỉ đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc và yêu cầu phải thu hồi được trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay khoản hỗ trợ này vẫn không thu hồi được.
Đến 31/12/2018, tổng số vốn mà VEAM đưa vào VM lên tới 2.634 tỉ đồng. Song VM lỗ luỹ kế tới 343 tỉ đồng. Vì vậy, số phải thu của công ty mẹ chỉ còn 1.638 tỉ đồng.
Trách nhiệm đối với việc cấp vốn cho VM không thông qua HĐTV giai đoạn 2015 thuộc về Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc.
Trong giai đoạn 2015-2018, HĐTV có trách nhiệm trực tiếp đối với khoản cấp vốn 194 tỉ đồng và HĐQT chịu trách nhiệm gián tiếp khi không quản lý được việc Tổng giám đốc và Kế toán trưởng chuyển vốn cho VM mà không thu hồi được...
Bán hàng không theo thông lệ kinh doanh
Cũng trong báo cáo của VEAM, thì quy chế bán hàng trước đây mà VM thực hiện không tuân theo bất kỳ thông lệ hoạt động kinh doanh nào. VM trả hoa hồng cho đại lý, nhưng đại lý lại bán lẻ với mức giá cao hơn VM đề xuất.
Trong quy chế bán hàng trước đây của VM, phân biệt đại lý cấp 1 và đại lý cấp 2. Thực tế các đại lý này đều là đại lý trực tiếp của VM. Một đại lý không tham gia vào quá trình tiêu thụ sản phẩm nhưng lại được VM trích cho một khoản hoa hồng. Đây là khoản chi không đúng đối với một hoạt động kinh tế, là khoản chi không hợp pháp với một doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ngày 14/8/2018, VEAM gửi văn bản điều hành, yêu cầu VM phải chấm dứt phương thức bán hàng trên, không trả tiền cho đại lý không tham gia bán hàng.
Báo cáo của VEAM cũng kiến nghị, chính sách phòng chống tham nhũng cần xem xét trường hợp người thân là Tổng giám đốc VEAM, Giám đốc VM là đại lý, nhà cung cấp hoặc nắm giữ các vị trí kinh tế và điều hành quan trọng của VM.
"Gần đây, một số trang tin điện tử nói về nhóm lợi ích ở VEAM, thì HĐQT và Ban kiểm soát cũng cần xem xét có đánh giá cụ thể" - nội dung báo cáo nhấn mạnh.