Vì sao hàng loạt công ty bảo hiểm lỗ nặng, vẫn mở rộng quy mô?

Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ báo lỗ trong năm 2018 với tổng số lỗ gần 3.000 tỉ đồng.

Theo thống kê sơ bộ từ 18 doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ (BHNT), năm 2018 có 10 doanh nghiệp báo lỗ và chiếm quá nửa tổng số lỗ.

Đứng đầu danh sách thua lỗ lớn nhất năm qua là Bảo hiểm Manulife Việt Nam với mức lỗ trước thuế là 2.721 tỉ đồng, tăng 117% so với năm 2017 (năm 2017 công ty chỉ ghi nhận lỗ 1.254 tỉ đồng). Trong khi năm 2016 công ty này vẫn báo lãi trước thuế 555 tỉ đồng. Nhưng do năm 2018 lỗ nặng nên số lỗ lũy kế của Manulife đến cuối năm 2018 đã lên tới 2.356 tỉ đồng.

vi sao hang loat cong ty bao hiem lo nang van mo rong quy mo
Bảo hiểm Manulife Việt Nam với mức lỗ trước thuế là 2.721 tỉ đồng trong năm 2018

Không kém cạnh Manulife Việt Nam, dù mới giao nhập thị trường Việt Nam vài năm song công ty Generali Việt Nam liên tục báo lỗ. Năm 2018, Generali Việt Nam ghi nhận mức lỗ kỷ lục 997 tỉ đồng.

Generali Việt Nam cũng nằm trong nhóm công ty bảo hiểm không đáp ứng nhu cầu về vốn chủ sở hữu, do đó liên tục phải thực hiện tăng vốn điều lệ theo quy định. Trong năm 2018, Generali Việt Nam đã 2 lần tăng vốn bổ sung và hiện nay có mức vốn điều lệ là 4.852,6 tỉ đồng.

Tiếp theo, các công ty bảo hiểm nhân thọ tên tuổi cũng báo lỗ lớn trong năm 2018, như: Sun Life bị lỗ 304 tỉ đồng, Hanwha Life lỗ 186 tỉ đồng... Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác như Sun Life, Phú Hưng Life, BIDV Metlife, MB Ageas Life... cũng “đua nhau” báo lỗ trong năm 2018.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Manulife Việt Nam cho biết, việc công ty lỗ trong năm 2018 là do khoản trích lập dự phòng chiếm tới 2/3 chi phí hoạt động 2018. Còn năm qua, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng ấn tượng với doanh thu tăng 38% so với năm 2017. Nhưng để đảm bảo khả năng chi trả các quyền lợi của khách hàng trong tương lai, Manulife Việt Nam đã trích lập thêm khoản dự phòng trong năm 2018 là 7.228 tỉ đồng, dẫn đến khoản lỗ trước thuế là 2.721 tỉ đồng.

Về ý kiến cho rằng, khoản lỗ của Manulife Việt Nam và của một số doanh nghiệp bảo hiểm khác là do hợp tác độc quyền bán bảo hiểm qua ngân hàng, không phải do lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, vị này khẳng định, “những thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối qua ngân hàng không phải là lý do phát sinh lỗ tại Manulife Việt Nam”.

Theo vị này giải thích, chi phí hợp tác bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng được dàn trải đều theo thời gian hợp tác và đảm bảo nằm trong phần ngân sách của chi phí kinh doanh. Hơn nữa, khoản dự phòng bổ sung 7.228 tỉ đồng trong năm 2018 có tới 40% là do tác động của việc sụt giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ, gần 60% còn lại là khoản dự phòng dành cho các hợp đồng mới phát hành.

Tình trạng “bỗng dưng” báo lỗ lớn của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: lãi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng lớn tới thu nhập, giảm mạnh lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật, trích lập dự phòng rủi ro…

Cùng nguyên nhân thua lỗ, đại diện Generali Việt Nam cho hay, các thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối qua ngân hàng không phải là lý do gây lỗ của công ty trong năm 2018. Vì thực tế, chi phí này được dàn trải đều theo nhiều năm hợp tác và tính đến thời điểm này, công ty đã có lãi.

Các doanh nghiệp cho rằng, do đặc thù kinh doanh BHNT, hợp đồng BHNT thường kéo dài nhiều năm, với phí bảo hiểm được khách hàng nộp hàng năm chưng chi phí phát sinh nhiều nhất voà những năm đầu của hợp đồng mới. Đây là nguyên nhân chính khiến công ty bị lỗ.

Theo Luật kinh doanh BHNT, tất cả các chi phí này phải được tất toán vào báo cáo lãi lỗ khi phát sinh, trong khi doanh thu phí của hợp đồng này lại trải đều qua các năm. Do vậy, các công ty BHNT mới hoạt động tại Việt Nam, nhất là những công ty có tăng trưởng doanh thu cao thường phải chịu lỗ qua một số năm cho đến khi có được quy mô lớn.

Dù vậy, một số doanh nghiệp bảo hiểm khác lại có sự “trở mình" ngoạn mục khi năm 2018 không chỉ thoát lỗ mà còn báo lãi lớn. Điển hình như Dai-ichi Life có lãi 57 tỉ đồng, Prudential lãi trước thuế 554 tỉ đồng.

Ðược biết, tháng 2/2019, Bộ Tài chính đã cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ thực hiện một số thay đổi liên quan đến lãi suất được sử dụng để lập dự phòng nghiệp vụ. Nhờ đó dự phòng nghiệp vụ sẽ giảm (trong trường hợp lãi suất trái phiếu chính phủ không giảm đáng kể trong năm 2019) và khoản giảm này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm nay.

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ khó tránh "lỗ kỹ thuật" trong thời gian hoạt động. Thực tế tại thị trường Việt Nam cho thấy, sau 5-7 năm hoạt động, một công ty bảo hiểm nhân thọ mới có thể ghi nhận lãi và lợi nhuận tăng trưởng bền vững hay không phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng công ty.

Nam Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường