Việt Nam có lấy lại tốc độ tăng trưởng nhờ gói hỗ trợ phục hồi?

Cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, Việt Nam đã và đang tiếp tục tính toán các gói hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Các gói hỗ trợ nhanh chóng kịp thời, đúng đối tượng là rất cần thiết.
Việt Nam với nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựaKinh tế Việt Nam năm 2021 Điểm sáng giữa bức tranh kinh tế toàn cầuViệt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững

Ở một số nước, khi nhiều doanh nghiệp bị khó khăn do đại dịch, Chính phủ đã thực hiện việc bơm vốn cổ phần tạm thời để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Có thể chia quá trình hỗ trợ nền kinh tế của các Chính phủ trước đại dịch Covid-19 thành hai giai đoạn: một, chống chọi để tránh phá sản hàng loạt cũng như thất nghiệp; và hai, hỗ trợ để nền kinh tế hồi phục trở lại.

Ở giai đoạn sau, các hỗ trợ nếu không cẩn trọng sẽ dần chuyển thành các hỗ trợ mang tính hệ thống (structural supports). Các hình thức hỗ trợ của Chính phủ phổ biến nhất trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn là thông qua các khoản cho vay, bảo lãnh nợ và bơm vốn cổ phần.

Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ này kéo dài thì vấn đề sẽ phát sinh tương tự như trong thương mại và cạnh tranh: nó khiến cho việc tham gia, thoát khỏi thị trường hay mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thay đổi, và thị trường từ đó bị méo mó bởi vì vấn đề trở nên mang tính hệ thống.

Việt Nam có lấy lại tốc độ tăng trưởng nhờ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế? - Ảnh 1
Tận dụng tốt các cơ hội phục hồi kinh tế. (Ảnh minh họa)

Cụ thể hơn, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ có thể tác động đến cấu trúc doanh thu và chi phí của doanh nghiệp, các quyết định quan trọng liên quan đến các yếu tố đầu vào, đầu ra, mở rộng hay thu hẹp, thậm chí thoát khỏi thị trường.

Giữa doanh nghiệp được hỗ trợ và không hỗ trợ sẽ có nguồn lực và điều kiện để cạnh tranh khác nhau, nhiều khi doanh nghiệp không được hỗ trợ lại hiệu quả hơn. Khi có được lợi thế, quy mô tăng dần của doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ là khó khăn của các doanh nghiệp còn lại trong cùng lĩnh vực.

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, sự gián đoạn của chuỗi lao động cùng với chi phí đầu vào liên tục tăng trong lúc doanh thu sụt giảm, sản xuất ngưng trệ như những cơn sóng dữ dội trùm qua “ngưỡng chịu đựng” của hầu hết các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đã nhận định như vậy khi nói về rủi ro của nền kinh tế và hoạt động doanh nghiệp hiện nay.

Không chỉ bà Thanh, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều mối đe doạ lớn sau dịch bệnh. Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế đang rất bất định, tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch.

Trên quy mô toàn thế giới, tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế, tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này. Hiện thế giới đã buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với khủng hoảng và các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD.

Hơn nữa, kinh tế thế giới cũng đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau. Trong khi một số sản phẩm, nổi lên là nhiên liệu, năng lượng gia tăng tạo nên nguy cơ lạm phát lớn thì lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do cầu giảm vì thu nhập của của phần lớn các tầng lớp dân cư thuyên giảm đáng kể. Cùng với những khó khăn về kinh tế, những bất ổn về xã hội sau dịch không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần.

"Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn, lẫn quản lý xã hội mới. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới", ông Khoan nhìn nhận.

Trong khi dịch bệnh đang tác động tiêu cực tới nhiều khía cạnh của nền kinh tế thì về cơ chế quản lý nhà nước lại chưa có những giải pháp nhanh, hiệu quả để gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Đình Cung: "Chúng ta nói nhiều, nói đúng nhưng lại xa vời thực tiễn".

Ông Cung cảm thấy đáng tiếc khi những gì Quốc hội thông qua không có sự kết gắn nhiều với hiện trạng thực tiễn. Câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế đã cũ, do đó không nên bàn luận lại. Điều Việt Nam cần ngay lúc này chính là thay đổi chiến lược để nắm bắt các xu hướng trên thế giới, qua đó không đánh mất những cơ hội lớn trước mắt.

Để làm được điều này, quá trình ra quyết định nói chung cần phải có sự thay đổi, trong đó cần thay đổi cơ cấu quản trị quốc gia. Đưa ra giải pháp cho răng trưởng kinh tế, tại Hội thảo "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Việt Nam cần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, an toàn, linh hoạt.

Chương trình tổng thể cho phát triển kinh tế cần rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc. Ngoài ra, hy vọng rằng lĩnh vực 'xã hội' theo nghĩa rộng sẽ được đề cập đậm nét hơn bình thường vì tác động của các mối đe dọa phi truyền thống đối với lĩnh vực này rất nặng nề và lâu dài có thể ảnh hưởng ngược lại về chính trị an ninh và kinh tế - tài chính.

Theo ông Khoan, việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 và tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người.

"Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này nhằm mang lại cơ hội cho phát triển", nguyên Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Linh (T/h)