Theo đó, công ty đối tác VABIOTECH bên phía Việt Nam đã xác nhận thông tin này.
Đài Sputnik, hãng tin Reuters đưa tin các mẫu phẩm của lô vaccine thử nghiệm này sẽ được chuyển đến Trung tâm Gamaleya ở Nga để đánh giá chất lượng.
Thông cáo của RDIF nêu rõ: "Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, quỹ tài sản có chủ quyền của Liên bang Nga, và Vabiotech, một trong những công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam, thông báo về việc sản xuất lô thử nghiệm vaccine Sputnik V chống lại virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Các mẫu trong lô thuốc đầu tiên sẽ được gửi đến cơ quan kiểm tra chất lượng của Nga."
Bộ Y tế đã phê chuẩn vaccine Covid-19 Sputnik-V của Nga ngày 23/3 vừa qua.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc RDIF, ông Kirill Dmitriev nói: “RDIF và Vabiotech đang tích cực hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ. Đại dịch Covid-19 còn tiếp diễn, các chủng virus mới, nguy hiểm hơn đang xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, vì vậy RDIF đang tăng cường năng lực sản xuất Sputnik V, để tăng tốc độ tiêm chủng bằng một trong những loại thuốc tốt nhất trên thế giới".
Về phần mình, Chủ tịch Công ty Vabiotech, ông Đỗ Tuấn Đạt được RDIF dẫn lời phát biểu với đài Sputnik: “Chúng tôi hy vọng sự hợp tác giữa RDIF và Vabiotech sẽ giúp cung cấp cho Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á loại vaccine Covid-19 chất lượng và giá cả phải chăng”.
Sputnik V là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ ngày 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vaccine Sputnik-V ngay cả khi vaccine này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Theo RDIF, tới nay gần 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng dân số trên 3,7 tỉ người đã đăng ký vaccine Sputnik-V.
Nhà khoa học Nga Denis Logunov, người được xem là nhà phát triển hàng đầu vaccine Sputnik V, cho biết trong bản đánh giá thực dựa trên dữ liệu của 3,8 triệu người, vaccine Sputnik-V đạt hiệu quả 97,6% trong việc ngăn chặn Covid-19. Tỉ lệ trên cao hơn so với mức 91,6% vốn được công bố trong báo cáo kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet hồi tháng 3 năm nay.
Phát biểu tại một sự kiện ở Viện hàn lâm khoa học Nga, ông Logunov cho hay sau khi phân tích cơ sở dữ liệu của những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Sputnik-V, các nhà khoa học thuộc Viện Gamaleya, nơi bào chế vaccine Sputnik-V, đã đi đến kết luận rằng tỉ lệ hiệu quả thực của vaccine này lên tới 97,6% trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Viện Gamaleya ngày ngày 29/6 cho biết thêm vaccine Sputnik-V cũng đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng chống biến thể mới Delta của virus SARS-CoV-2 vốn có tốc độ lây lan rất nhanh. Phó giám đốc Viện Gamaleya, Denis Logunov cho biết kết quả này được đưa ra sau khi tính toán dựa trên thông tin từ các hồ sơ y tế kỹ thuật số và số liệu tiêm phòng.
Hiện nay, Ấn Độ là một trong những nước sản xuất số lượng vaccine Sputnik-V nhiều nhất. Ngày 13/7, Nga đã đạt một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 300 triệu liều vaccine mỗi năm tại quốc gia Nam Á này. Quỹ RDIF cho hay lô vaccine đầu tiên sản xuất tại Ấn Độ dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2021".