Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới

Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt 2 con số và sẽ tiếp tục đạt mức này trong năm nay và hết năm 2020.

viet nam la mot trong nhung thi truong hang khong phat trien nhanh nhat the gioi
Buổi tọa đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững tổ chức chiều 11/4 tại Quy Nhơn, Bình Định.

Nhận định này được Bộ GTVT, Cục Hàng không, đại diện các hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không,… đưa ra tại cuộc Toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững”diễn ra chiều 11/4/2019 tại FLC Quy Nhơn, Bình Định

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, trong 5 năm qua, mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008 – 2018, về số lượng tàu bay, năm 2008 tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu. Còn hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần, lên 192 tàu. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Liên quan đến đội tàu bay, tôi muốn cung cấp thêm một số liệu nữa. Đó là năm 2008, tàu bay sở hữu của chúng ta chỉ có 29 tàu, còn lại là tàu đi thuê. Con số này hiện nay là 57 tàu bay sở hữu.

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…. Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số”.

Đồng thời, ông Hảo cũng nhấn mạnh, với hàng không, an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề về an toàn, khó có thể tồn tại. An toàn không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả một quốc gia. Bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, như Bamboo Airways, SunGroup với Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay. Sự cạnh tranh lành mạnh trong hàng không tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng và uy tín của quốc gia.

viet nam la mot trong nhung thi truong hang khong phat trien nhanh nhat the gioi
Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.

Trước những lo ngại về hạ tầng quá tải, thị trường tăng trưởng nhanh như vậy có phải là tăng trưởng nóng hay không, ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư- Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục đến năm 2020 và giảm dần xuống một con số sau năm 2020”, ông Phương nói và nhận định: Đây là con số mang tính chất dự đoán, là cơ sở, định hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển của các hãng hàng không để chúng ta đầu tư, khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cũng như tạo ra hiệu quả của các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Chia sẻ về quan ngại này, ông Đỗ Đức Tú – đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ luỵ nhất định.Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người. Các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối.”

Đồng quan điểm với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Hàng không Việt Nam- ACV khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng hàng không có đặc thù là dù phát triển nhanh, phát triển mạnh đến đâu, vẫn luôn phải có sự kiểm soát của Nhà nước, không thoát ra ngoài Chiến lược phát triển giao thông vận tải hàng không mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

“Điều này có nghĩa là chúng ta đã hoạch định được, dự báo được. Vì chúng ta dự báo được thị trường sẽ phát triển rất mạnh, Thủ tướng đã hoạch định kế hoạch hạ tầng hàng không, đến 2020, tổng công suất thông qua là 104 triệu khách/năm. Đến 2030 là 308 triệu khách/năm. Sự phát triển này hoàn toàn nằm trong dự báo, định hướng và kế hoạch của Nhà nước”, Chủ tịch ACV chia sẻ.

Trấn an rằng thị trường phát triển nhanh nhất nhưng không nóng vì vẫn trong tầm kiểm soát, ông Phạm Văn Hảo cho rằng, hàng không là lĩnh vực đặc thù, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng chung của hàng không thế giới, tốc độ tăng trưởng 2 con số liên tục của hàng không Việt Nam trong giai đoạn hơn 10 năm qua, một số người có thể nói là nóng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vào đặc thù của hàng không Việt Nam là thị trường có xuất phát điểm thấp, nên chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển đột phá.

Cụ thể, theo nhận định của Cục Hàng không, sự tăng trưởng đột phá đầu tiên là nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm qua, GDP của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định từ 5,5% – 7,5%/năm trong 10 năm qua, tăng trưởng về hàng không đạt gấp 2 đến 2,5 lần là hoàn toàn phù hợp với các đánh giá, dự báo của các tổ chức, doanh nghiệp hàng không lớn trên thế giới như: ICAO, IATA, Boeing…

Thừa nhận sự quá tải ở Tân Sơn Nhất là thực tế. Tuy nhiên, ông Hảo cho rằng đó chỉ “tính thời điểm”. “Tính toàn mạng, chúng tôi không coi đó là nóng. Hàng không không chỉ tuân thủ quy định trong nước mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn không của ICAO và cả các nhà chức trách hàng không nước ngoài. Đến năm 2020, ICAO sẽ thanh sát Cục Hàng không VN, đánh giá toàn bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh an toàn hay không. Vừa qua, Cục Hàng không liên bang Mỹ cũng đã làm việc 3 tháng, đánh giá vấn đề đảm bảo an ninh an toàn trong toàn bộ hệ thống và đạt mức cao nhất là CAT 1”, ông Hảo nói.

Ông Hảo cũng cho rằng dư địa hàng không của Việt Nam còn rất lớn. Theo ICAO, tính theo dân số, một quốc gia có hàng không phát triển, tỷ lệ người dân phải đi gấp đôi năng lực. Ví dụ Việt Nam có 90 triệu dân, năng lực phải trên 100 triệu. Nhưng hiện chúng ta mới chỉ 50 triệu. Và trong bối cảnh này, bàn về cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng trên thị trường mới là vấn đề rất thiết thực, bổ ích, không chỉ cho lĩnh vực hàng không, mà cho cả những đơn vị có liên quan đến ngành hàng không.

Nam Phương

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường