Vietcombank trình mức lợi nhuận kỷ lục 20.500 tỷ đồng, xin chia cổ phiếu

Mức lợi nhuận cao kỷ lục này sẽ được HĐQT Vietcombank trình lên ĐHCĐ thường niên 2019 tới đây. Trước đó, lãnh đạo Vietcombank tiếp tục bày tỏ nguyện vọng cơ quan quản lý cho phép ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
vietcombank trinh muc loi nhuan ky luc 20500 ty dong xin chia co phieu

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên với kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đạt 20.500 tỷ đồng, là mức cao nhất trong lịch sử 20 năm của ngân hàng.

Theo Vietcombank, năm 2019 ngân hàng định hướng chú trọng tăng trưởng tín dụng cao ngay từ đầu năm khoảng 15%, để tăng hiệu quả và tạo dư địa cơ cấu danh mục trong năm. Ngoài ra, nếu được NHNN cho phép, VCB sẽ chủ động thanh khoản và tăng trưởng tín dụng cao hơn mức hiện tại.

Tăng trưởng huy động vốn ở mức 11-13% và sẽ tăng tỷ lệ sử dụng vốn (tín dụng, trái phiếu TCTD) lên mức 85% – 87%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 1%; tỷ lệ nợ nhóm 2 dưới 1,5%. Mục tiêu thu hồi nợ ngoại bảng trên 3.000 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng với năm 2018 với tỷ lệ 8%, bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Tại một hội nghị mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề cập tới kế hoạch tăng vốn của Vietcombank là rất cấp thiết. Nhất là với ngân hàng lớn như Vietcombank trong bối cảnh Chính phủ muốn nhà băng này trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực. Do đó, Vietcombank cần tiếp tục tăng vốn để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, tăng trưởng, chỉ tiêu an toàn tài chính…

Do đó, Chủ tịch Vietcombank đã kiến nghị Chính phủ cho phép ngân hàng thương mại Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay tăng vốn từ nguồn thặng dư và lợi nhuận tích lũy. Được biết, đề xuất này đã được Vietcombank đưa ra tại 3 kỳ họp ĐHCĐ gần đây thay vì chia cổ tức bằng tiền (mỗi năm chia tỷ lệ 8-10%). Song trước sức ép thu đòi cổ tức tiền mặt và nộp về ngân sách của Bộ Tài chính, Vietcombank vẫn phải chia cổ tức tiền mặt, nộp lợi ích về cho cổ đông Nhà nước.

Đến cuối năm 2018, nguồn tăng vốn của “ông lớn” ngân hàng này đang rất dư dả với 20.2029 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 5.056 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần… là cơ sở để tiếp tục tăng vốn. Vietcombank có thể lựa chọn tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ, hay lựa chọn cách chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu .

Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT cũng trình nội dung bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT Vietcombank cho đủ 8 thành viên, thay do bà Nguyễn Thị Dũng đã bị miễn nhiệm trong năm 2018.

Huyền Đoàn

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường