Vietmindo dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, 200 lao động mất việc

Việc tranh chấp hợp đồng kinh tế dẫn tới xô xát tại khai trường Uông Thượng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) giữa Vietmindo và Tân Việt Bắc chưa có hồi kết, khiến 200 công nhân mất việc.
Bộ luật Lao động sửa đổi: Phải đem lại lợi ích tốt hơn cho người lao độngBộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh đề xuất giờ làm việcXuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gặp khó vì nhân công “chui”

Ngày 4/6, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Công ty PT.Vietmindo Energitama (Công ty Vietmindo) đã tổ chức buổi họp báo xung quanh vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế dẫn tới xô xát tại khai trường Uông Thượng (phường Vàng Danh, TP Uông Bí, Quảng Ninh) với Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Tân Việt Bắc). Đồng thời, Công ty Vietmindo cũng thông báo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh sau gần 30 năm có mặt tại Việt Nam.

vietmindo dung toan bo hoat dong san xuat 200 lao dong mat viec
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Xuân Đoàn.

Công ty Vietmindo được Chính phủ Indonesia chỉ định ký Hợp đồng khai thác mỏ than Uông Thượng và Đồng Vông (TP Uông Bí) với đối tác là Công ty Than Uông Bí, thành viên của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (phía Việt Nam).

Dự án là một trong các sáng kiến thuộc khuôn khổ các hiệp định giữa hai Chính phủ

Dự án khai thác than tại Việt Nam là một trong các sáng kiến trong khuôn khổ của các Hiệp định Kinh tế - Thương mại - Khoa học - Kỹ thuật - Đầu tư được ký kết giữa Chính phủ Indonesia và Chính phủ Việt Nam từ năm 1978 đến 1991.

Ngày 19/4/1991, dự án chính thức được thành lập bằng việc Vietmindo và Công ty Than Uông Bí được chỉ định thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết bản Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (BCC). Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh sau đó đã được UBNN về HT&ĐT (Nay là Bộ KH&ĐT) chuẩn y bằng việc cấp Giấy phép Kinh doanh số 260/GP ngày 22/10/1991. Quyết định đầu tư của Vietmindo căn cứ các nội dung và cam kết của cả hai bên ghi trong Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh.

Dự án được phép hoạt động tại khu vực Đồng Vông - Uông Thượng với diện tích 1.300ha; thời hạn hoạt động 30 năm kể từ ngày sản xuất. Vietmindo chịu trách nhiệm đóng góp toàn bộ vốn đầu tư trị giá 27 triệu USD. Phần đóng góp của Công ty Than Uông Bí là toàn bộ trữ lượng than nguyên khai có trong khu vực dự án tính từ các cao độ +125m đối với khu vực Uông Thượng và +330m đối với khu vực Đồng Vông (ước lượng vào khoảng 36 triệu tấn). Lợi ích của dự án được chia bằng sản phẩm với tỷ lệ 90/10.

Sau khi Hợp đồng hợp tác được ký, ngày 25/1/1994, Bộ Năng lượng Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 29/NL/XDCB và Quyết định số 30/NL/XDCB về phê duyệt trữ lượng và luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án.

Nhằm thu hút đầu tư, trong các quyết định này, Bộ Năng lượng Việt Nam đã cho phép Viemindo khai thác ở khu vực Uông Thượng tới độ sâu +60m.

Ngày 12/10/1995, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 67/TTg cho phép VUBC được quyền thuê 691ha đất tại khu vực Đồng Vông - Uông Thượng làm phần đóng góp vào dự án. Đồng thời, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào 21/8/1995

Trên cơ sở Hợp đồng hợp tác và sự tạo điều kiện của các Cơ quan chức năng tại Việt Nam, tháng 7/1997 Vietmindo sản xuất ra tấn than thương phẩm đầu tiên.

Ngày 13/8/2009, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Vietmindo đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1555/GP-BTNMT. Tuy nhiên, giấy phép này không phù hợp với BCC và các quyết định trước đó bằng cách giới hạn diện tích được phép khai thác của Vietmindo trong khu vực Uông Thượng chỉ 133ha (tương ứng bằng 1/10 diện tích cam kết trong BCC), độ sâu khai thác +180m và sản lượng cố định 500,000 tấn/năm.

Một điều bất cập nữa là khi cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản số 1555/GP-BTNMT, phần mỏ Đồng Vông ghi trong các quyết định trước đây và thể hiện trong hợp đồng BCC không được đề cập đến.

Dừng sản xuất, cho nghỉ việc 200 lao động

Tính đến nay, Vietmindo đã khai thác được 13,6 triệu tấn than nguyên khai, chế biến được 10 triệu tấn than sạch và đã xuất khẩu 8,8 triệu tấn. Vietmindo đã thực hiện nghiêm túc các cam kết về đóng góp vốn đầu tư, chia đủ sản phẩm với Công ty Than Uông Bí, sử dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, chế biến than, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Công ty thực hiện nghiêm túc đóng góp cho ngân sách nhà nước với tổng số thuế, phí đã nộp đến nay là 158 triệu USD. Công ty thực hiện nghiêm túc và công bằng chính sách việc làm và phúc lợi người lao động. Công ty luôn duy trì việc làm cho khoảng 450 lao động với mức lương cạnh tranh.

Từ giữa năm 2018 trở lại đây, Vietmindo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do hành vi cản trở sản xuất gây ra bởi Công ty Tân Việt Bắc. Đã có rất nhiều sự kiện tranh chấp xảy ra, nhiều nỗ lực đàm phán với sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương nhưng tình hình chưa được giải quyết. Đến nay, Vietmindo buộc phải dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, cho nghỉ việc khoảng 200 lao động.

Ông Eko Satriono - Giám đốc điều hành công ty Vietmindo cho biết, định hướng phát triển sắp tới của công ty sẽ ưu tiên tiếp tục tìm hướng tháo gỡ tranh chấp với Tân Việt Bắc theo các quy trình pháp lý. Công ty tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiêm minh và rõ ràng của luật pháp, sự khách quan, công tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc giải quyết tranh chấp này.

Xuân Đoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường