Vietravel là doanh nghiệp lớn, thuộc hàng nhất nhì trong mảng lữ hành tại Việt Nam nên động thái thành lập Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lập tức gây chú ý. Kế hoạch thành lập hãng hàng không riêng được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel tiết lộ lần đầu tiên tại một hội thảo đầu tháng 4. Vietravel Airlines có vốn điều lệ ban đầu là 300 tỉ đồng, mới đây đã nâng vốn lên 700 tỉ đồng, đặt trụ sở tại thành phố Huế.
Dù vốn chủ sở hữu “tí hon” nhưng Vietravel vẫn muốn lấn sân vào ngành hàng không |
Ở thời điểm hiện tại, việc gia nhập thị trường hàng không của Vietravel theo đánh giá của một số chuyên gia là quyết định khá liều lĩnh. Bởi việc vận hành một hãng hàng không mới đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh của nhà đầu tư là một yếu tố then chốt nhất, cùng với chuyên môn, kinh nghiệm, hệ thống mạng lưới... Những yếu tố này đều không phải thế mạnh của Vietravel.
Xem xét khả năng tài chính của doanh nghiệp này, có thể thấy quy mô vốn chủ sở hữu của Vietral hiện vẫn còn rất khá “khiêm tốn” so với các đơn vị đang hoạt động trong ngành hàng không khác. Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản của Vietravel chỉ có 1.368 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu vẫn duy trì ở mức thấp chỉ 235 tỉ đồng, khó có thể đảm bảo tài chính để hãng bay Vietravel Airlines có thể cạnh tranh nổi trong ngành hàng không.
Trong khi đó, Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia với sở hữu nhà nước 86,19% - hiện có vốn chủ sở hữu hơn 19.870 tỉ đồng cùng nguồn huy động vốn từ các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước. Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air sau hơn 12 năm thành lập và phát triển, hiện vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên mức hơn 15.507 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Vietjet Air có mối liên hệ mật thiết với HDBank cùng các tổ chức tài chính, kênh huy động vốn hiệu quả trên sàn chứng khoán... để đảm bảo tài chính cho các kế hoạch đầu tư mua sắm máy bay, vận hành khai thác.
Hay như Bamboo Airways mới gia nhập thị trường hàng không từ năm 2018 đã nhanh chóng nâng vốn điều lệ lên 1.300 tỉ đồng. Bamboo Airways thuộc sở hữu 100% vốn của Tập đoàn FLC và được hậu thuẫn tài chính lớn nhờ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty mẹ lên đến hơn 9.023 tỉ đồng.
Có thể thấy, nguồn vốn chủ sở hữu quá "mỏng" của Vietravel sẽ khó đảm bảo tài chính để thực hiện kế hoạch đầu tư đội tàu bay, chi phí vận hành thường xuyên, nhân sự, phát triển mạng lưới kinh doanh... Nhất là Vietravel sẽ phải chịu áp lực thua lỗ trong vài năm đầu cất cánh bay thường mại, chưa kể tới các chi phí dự phòng rủi ro mà bất kỳ hãng hàng không nào cũng phải đối mặt.
Theo thông tin công bố, ngày 11/6/2019 Vietravel vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành trái phiếu không chuyển đổi trị giá 700 tỉ đồng, có kỳ hạn 2 năm với lãi suất không quá 11% một năm. Nguồn vốn thu từ đợt bán trái phiếu này sẽ dùng bổ sung nguồn vốn cho dự án thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines. Việc phát hành trái phiếu cho thấy một bước chuẩn bị tài chính của Vietravel khi lấn sân kinh doanh hàng không. Được biết, Vietravel muốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng vào hãng bay Vietravel Airlines nhằm kết nối dịch vụ vận tải hàng không và du lịch (mảng kinh doanh thế mạnh của Vietravel). Dự kiến hãng bay sẽ hoạt động chính thức vào đầu năm 2020 và sẽ tiếp nhận 20 máy bay, khai thác 5 triệu hành khách mỗi năm.
Nhưng nguồn vốn 700 tỉ đồng có lẽ chỉ như "muối bỏ bể" nếu so với các khoản chi phí "khổng lồ" để "nuôi" đội tàu bay, đội ngũ nhân sự, phát triển tuyến đường bay... Do đó, không ít ý kiến tỏ ra nghi ngại về khả năng vận hành hãng hàng không với 20 máy bay của Vietravel khi doanh nghiệp này chưa có kinh nghiệm ở lĩnh vực kinh doanh hàng không.
Một điểm lạ là, Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam được thành lập từ tháng 2/2019 với vốn điều lệ 300 tỉ đồng (3 tháng sau nâng lên 700 tỉ đồng), nhưng trong báo cáo tài chính của Vietravel tại thời điểm 31/3/2019 lại không đề cập tới khoản góp vốn vào Vietravel Airlines. Liệu Vietravel đã thực góp vốn bao nhiêu vào Vietravel Airlines và hãng bay này sẽ trông chờ vào đâu để có vốn hoạt động?
Vốn chủ sở hữu của Vietravel đang "lép vế" so với các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực hàng không |
Các chuyên gia tài chính cho rằng, Vietravel là đơn vị lữ hành lớn nhưng do ít tăng vốn nên công ty có vốn chủ sở hữu khá nhỏ so với các đơn vị khác.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Khương - Trưởng phòng phân tích, Công ty cổ phần chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia nhận định: “Vietravel là đơn vị có tiếng trong ngành lữ hành, do đó sẽ có nhiều lợi thế khi tham gia thị trường hàng không. Với tiềm lực tài chính hiện tại công ty này khó lòng có thể thực hiện được kế hoạch với Vietravel Airlines. Chắc chắn công ty sẽ phải tăng vốn, đi vay ngân hàng hoặc tìm một đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh để phối hợp thực hiện dự án hàng không”. Tuy nhiên, bài toán vay ngân hàng sẽ cần phải tính toán thận trọng bởi quy mô vốn vay lớn, sẽ làm tăng gánh nặng chi phí và giảm hiệu quả lợi nhuận của doanh nghiệp.
Được biết, trong hoạt động kinh doanh lữ hành, Vietravel đang phải thuê lại các chuyến bay của một số hãng hàng không để phục vụ cho các đoàn khách lớn với chi phí đáng kể. Trong năm 2018, công ty đã thuê hơn 300 chuyến bay để phục vụ hành khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng chính là nguồn thu nhập lớn cho các hãng hàng không, đơn cử doanh thu từ cho thuê chuyến bay của Vietjet đã tăng từ 1.300 tỉ đồng hồi năm 2015 lên tới gần 7.000 tỉ đồng trong năm 2018.
Trong xu thế đa dạng dịch vụ và gia tăng giá trị trong hệ sinh thái, việc thành lập hãng bay riêng sẽ giúp Vietravel tận dụng các lợi thế sẵn có ở mảng kinh doanh lữ hành, chủ động về thuê chuyến bay, đường bay riêng nhắm tới nhu cầu của đối tượng khách du lịch của mình...
Được biết, tháng 4/2019 Vietravel đã tổ chức Đại hội Đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019, trong đó Nghị quyết Đại hội có thông qua chủ trương tăng vốn trong năm 2019. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ĐHĐCĐ chỉ quyết định việc tăng vốn thêm khoảng 30 tỉ đồng thông qua hai hình thức: Thứ nhất, phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá trị cổ phiếu phát hành sau hai đợt là gần 7 tỉ đồng. Thứ hai, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với giá trị cổ phiếu phát hành là hơn 23 tỉ đồng. Mục đích phát hành được ghi rõ là bổ sung vốn lưu động kinh doanh. Có thể thấy rằng, dù tỏ ra quyết liệt trong việc tham gia thị trường hàng không và tuyên bố cố gắng để Viettravel Airlines có thể cất cánh sau 18 tháng kể từ khi thành lập, nhưng dường như về vấn đề quan trọng nhất để thực hiện việc này là nguồn vốn thì vẫn chưa thấy động thái nào từ công ty. |