Vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 36%, với gần 300 dự án, đứng đầu nguồn vốn FDI đầu tư vào TP.HCM trong năm nay. Trong khi các năm trước, nguồn vốn này đứng thứ 2, thứ 3. Điều này có đáng lo ngại hay không?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vốn FDI ở TP.HCM đổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản là quy luật tất yếu của thị trường. Vì hiện nay, ở đây không có nhiều lợi thế cho sản xuất, mặt bằng cho sản xuất rất đắt đỏ. Trong khi đó, các khu công nghiệp ở thành phố diện tích đã lấp gần đầy. Diện tích còn lại thành phố ưu tiên cho phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao. Cho nên, nếu doanh nghiệp muốn có mặt bằng rộng rãi, giá hợp lý để sản xuất hiệu quả thì buộc phải tìm đến các tỉnh lân cận.
Từ thực tế đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như: tòa nhà cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê,… là hợp lý.
“Những đô thị lớn như TP.HCM thì sẽ phát triển trung tâm thương mại dịch vụ, thương mại, tài chính. Còn các doanh nghiệp sản xuất đang dịch chuyển về các tỉnh ở khu vực lân cận. Thành phố sẽ có kết nối với các tỉnh lân cận làm đầu mối kết nối tiêu thụ sản phẩm và làm dịch vụ cho các tỉnh” - chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nói.
Vốn FDI đổ mạnhvào bất động sản TP.HCM trong 9 tháng qua. |
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fullright phân tích: Theo kết quả điều tra dân số mới đây, tỉ lệ dân số ở đô thị của Việt Nam chưa đến 35%. Tỉ lệ này còn thấp nên thời gian tới xu hướng đô thị hóa sẽ tăng rất cao, dân số ở đô thị có thể lên hơn 50% cho nên nhu cầu về hạ tầng đô thị và nhà ở sẽ còn sẽ rất lớn.
Nguồn vốn đầu tư đổ vào các dự án hạ tầng đô thị, nhà ở, các loại bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng cao, đây là sự phát triển bình thường, lành mạnh của nền kinh tế. Điều cần lưu ý là cơ quan chức năng đừng để các dự án nằm trên giấy và cũng đừng để tình trạng đầu cơ bất động sản xảy ra.
“Kinh tế của TP.HCM dựa vào dịch vụ, dịch vụ phải dựa vào bất động sản, nhà ở, cao ốc… Nó rất cần nhà ở chất lượng cao, văn phòng chất lượng cao, đó là nền tảng cạnh tranh của kinh tế, việc đầu tư vào bất động sản cũng tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế, xu hướng này phát triển tốt cho TP.HCM” - TS Huỳnh Thế Du nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, TP.HCM có nhu cầu nguồn vốn đầu tư rất lớn cho nên vốn đầu tư đổ vào bất động sản là tốt, miễn là nguồn vốn đó minh bạch. Vì hiện nay, lĩnh vực bất động sản liên quan đến 95 ngành nghề khác, nếu thị trường này phát triển cũng sẽ tác động tích cực đến những ngành nghề như: kiến trúc, xây dựng, vật liệu xây dựng… Điều quan trọng hiện nay là thành phố có chính sách thu hút đầu tư như thế nào cho hiệu quả, đảm bảo phát triển đô thị hài hòa và bền vững.
Cái khó của TP.HCM là các tòa nhà cao ốc, văn phòng cho thuê, dịch vụ bất động sản… đều tập trung ở khu vực trung tâm nên cơ sở hạ tầng quá tải dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập ước, ô nhiễm môi trường, thiếu cây xanh… Chính vì vậy, thành phố cần có chiến lược điều tiết dân số phù hợp, vì hiện nay có nơi 4.000 dân/km2, có nơi chỉ 1.000 dân/km2; có chính sách thu hút, khuyến khích mở rộng đầu tư hạ tầng đô thi, nhà ở, dịch vụ bất động sản… ra khu vực ngoại thành.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM nêu kiến nghị: “Thành phố cần tạo động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư nước ngoài thì phải lựa nơi có hạ tầng tốt, hoặc cùng nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng để dự án hấp dẫn. Thành phố cần có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia được hưởng những ưu đãi như nhau. Những dự án cốt lõi khó khăn quá không ai làm thì nhà nước phải làm”.
Vốn FDI đầu tư vào bất động sản góp phần tạo nền tảng cơ sở hạ tầng đô thị tốt để thành phố đáp ứng các yêu cầu phát triển cho thương mại, dịch vụ tài chính, nhất là thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Vì vậy, thành phố cần có những chính sách thu hút tốt vốn đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực này, tạo thêm động lực để doanh nghiệp cùng tham gia xây hạ tầng đô thị ở các khu vực ngoại thành.