Trước đó, khoảng 6h ngày 6/8, ông Doãn Quý Phiến lái xe buýt số 19 từ bãi gửi xe trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến đón cô Nguyễn Bích Quy là nhân viên đưa đón học sinh của trường Gateway để đi đón học sinh. Xe này sau đó đón bé Lê Hoàng Long tại tòa nhà Trung Yên Plaza, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong số 13 học sinh đi xe, Long ngồi ở hàng ghế cuối cùng.
Trường Quốc tế Gateway nơi xảy ra sự việc. |
Khi đến trường, các cháu xuống xe nhưng tài xế và cô phụ trách không kiểm tra lại tổng số học sinh nên không biết việc em Long vẫn chưa xuống. Sau đó, ông Phiến đưa xe về bãi trông giữ. Chiều cùng ngày, tài xế đánh xe về trường đón học sinh thì phát hiện sự việc.
Tại buổi họp báo diễn ra lúc 11h45 ngày 7/8/2019 tại UBND quận Cầu Giấy, đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, Trung tá Trần Văn Hóa, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy thông báo với báo chí rằng, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người theo Điều 129 Bộ luật Hình sự.
Điều 129 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau: 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh) cho hay: Đây là một vụ việc hết sức đau lòng xuất phát từ sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm kiểm tra khi đưa đón học sinh đến trường.
“Để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra trên cơ sở làm rõ nguyên nhân chết của cháu để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quan điểm của luật sư, nhiều khả năng cháu bé bị tử vong do ngạt đường hô hấp khi nằm ngủ trên xe ô tô trong tình trạng tắt máy, đóng kín cửa” - Luật sư Thơm nhận định.
Theo Luật sư Trương Anh Tú (Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú), qua sự việc trên cũng cho chúng ta thấy khiếm khuyết của người lớn, của cả xã hội hiện nay là thiếu các khóa đào tạo về sinh tồn cho trẻ em mà vốn trước đây chúng ta có cả một hoạt động hướng đạo sinh rất mạnh mẽ, để dạy cho các em kỹ năng về sinh tồn.
Chúng ta cần phải xây dựng các quy trình của ngành giáo dục hoặc của từng trường về đảm bảo an toàn cho học sinh trong công tác đưa đón nói riêng và mọi hoạt động của nhà trường nói chung. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có các chương trình đào tạo về các kỹ năng sinh tồn cho trẻ em.
"Như vậy, trong trường hợp này, đối với người tài xế thì cũng phải đảm bảo an toàn cho hành khách, những người trên xe theo các quy chuẩn về nghề nghiệp lái xe; Đối với các thầy cô giáo có nhiệm vụ trực tiếp về quản lý và dạy dỗ em học sinh thì đây cũng là trách nhiệm trên nguyên tắc nghề nghiệp. Do đó, khi xảy ra hậu quả thì rất có thể những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 Bộ luật Hình sự. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, thì nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình cháu bé" - Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.