Xây dựng, phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam

Cảng xanh là mô hình cảng biển hướng đến sự hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc phát triển cảng biển theo hướng "cảng xanh" thân thiện môi trường để hạn chế ô nhiễm bởi hoạt động vận tải tàu biển, chất thải từ các cảng biển.
Phát triển cảng biển xứng tầm vùng kinh tế trọng điểm miền TrungThủ tướng: Tài nguyên sáng tạo là quý giá nhất, càng khai thác càng nảy nở

Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức hội thảo góp ý vào đề án "Phát triển cảng xanh tại Việt Nam" tại Hà Nội với sự tham dự của các học giả, chuyên gia và đại diện cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển trong cả nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và áp dụng phát triển cảng biển theo hướng "cảng xanh" thân thiện môi trường.

Cụ thể, theo báo chí phản ánh, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh việc phát triển cảng biển theo hướng "cảnh xanh" thân thiện môi trường để hạn chế ô nhiễm bởi hoạt động vận tải tàu biển, chất thải từ các cảng biển.

xay dung phat trien cang bien xanh tai viet nam
Cảng Tân Cảng - Cát Lái là cảng biển đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được trao giải thưởng Cảng xanh năm 2018 - Ảnh sưu tầm.

Hiện tại nhiều cảng biển, lượng dầu mặt nước khá cao và chưa được thu gom, xử lý. Để xây dựng cảng xanh phải có hành lang pháp lý về xây dựng và vận hành cảng biển, có chế tài ràng buộc để giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Để được công nhận là cảng xanh thì phải đáp ứng các tiêu chí và tiêu chuẩn của quốc tế về quản lý cảng và quản lý môi trường, trong đó hạn chế tối đa các tác động đến môi trường là tiêu chí quan trọng nhất.

Hiện nay, cảng Tân Cảng - Cát Lái do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Bộ Quốc phòng quản lý là cảng biển đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được các tiêu chí đó và đã được Hội đồng dịch vụ Cảng biển APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng xanh năm 2018.

Giải thưởng là ghi nhận của Cộng đồng Cảng APEC về những nỗ lực của tập thể lãnh đạo và nhân viên Tân Cảng Cát Lái trong những năm qua trong việc không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên, liên tục mở các lớp đào tạo nâng cao ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, phát triển cảng bền vững.

Việc nhận được giải thưởng Cảng xanh của Mạng lưới hệ thống dịch vụ cảng biển APEC cũng là một chứng chỉ quan trọng ghi nhận nỗ lực cảng biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Một cảng xanh, hay còn gọi là cảng sinh thái, đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng. Việc đưa thuật ngữ này vào quy hoạch phát triển cảng có ý nghĩa đối với các cải tiến công nghệ trong sản xuất hiệu quả năng lượng (đổi mới công nghệ, thiết bị cải tiến mới,...) cho phép phối hợp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới.

Mục tiêu đặt ra là 100% cảng biển trên cả nước sẽ được công nhận là cảng xanh vào năm 2050. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham gia hội thảo, đây là một mục tiêu khó và cần phải đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.

Các đại biểu cũng kiến nghị nên tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đặc biệt là yếu tố kỹ thuật, lấy cảng Tân Cảng - Cát Lái làm hình mẫu để triển khai mô hình thí điểm tại một số cảng biển trước khi nhân rộng ra toàn quốc.

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Cục hàng hải Việt Nam tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2019.

Phát triển cảng xanh là đề án do Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng từ tháng 7/2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đề án đã đưa ra những tiêu chí đánh giá và công nhận cảng xanh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Theo Môi trường và Đô thị