Xu hướng 'xanh' trong canh tác lúa và cây trồng quan trọng ở Việt Nam

Đề xuất về các giải pháp cho ngành nông sản, bà Dina Umali Deininger, Giám đốc phụ trách nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế Giới (WB) cho rằng, cần thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp xanh và carbon thấp.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón. Lượng phân bón trong nước sản xuất tăng dần, giảm bớt nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, bà Dina Umali Deininger, Giám đốc phụ trách nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế Giới (WB) cho rằng: Mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua và hiện nay đạt khoảng 42 tỉ USD/năm, tuy nhiên, hiện đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng đang giảm xuống do nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu... trong nông nghiệp.

Năm 2020, Việt Nam sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Hiện nay, tổng công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn.

Xu hướng 'xanh' trong canh tác lúa và cây trồng quan trọng ở Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam đang là một trong những quốc gia sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát. (Ảnh: ANTV)

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón các loại đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, tăng 11,7% so cùng kỳ 2020. Trong đó, lượng phân bón nhập khẩu đạt khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667.000 tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, theo nhận định của Tổng hội NN&PTNT, Việt Nam đang là một trong những quốc gia sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát. Thống kê sơ bộ cho thấy, trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500 - 700 triệu USD để nhập hóa chất bảo vệ thực vật. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19 nghìn tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16 nghìn tấn.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, trong những năm gần đây, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đã giảm dần qua các năm. Đồng thời, lượng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng tăng, góp phần nâng cao giá trị nông phẩm.

Xu hướng xanh cho ngành sản xuất phân bón

Đề xuất về các giải pháp cho ngành nông sản, bà Dina Umali Deininger cho rằng, cần thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp xanh và carbon thấp. Chúng ta cần tập trung “xanh hóa” trong canh tác lúa và cây trồng quan trọng của Việt Nam.

Xu hướng 'xanh' trong canh tác lúa và cây trồng quan trọng ở Việt Nam - Ảnh 2
Ứng dụng công nghệ xanh sẽ giúp giá trị nông sản Việt được nâng cao hơn. (Ảnh minh họa)

Do đó, phải quản lý các yếu tố đầu vào khoa học hơn, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như “một phải năm giảm”, cải thiện xử lý rơm rạ, chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm hơn đến thị trường carbon bởi Việt Nam vẫn còn dư địa giảm phát thải khí nhà kính. Với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ xanh, sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội nâng giá trị cao hơn.

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây thiệt hại đến thương hiệu và giá trị nông sản Việt. Thuốc bảo vệ thực vật hoàn toàn sinh học đã được nghiên cứu thành công để diệt trừ các loại sâu, bệnh gây hại trên cây trồng.

Đặc biệt, sản phẩm này được chiết xuất hoàn toàn bằng thảo dược có hoạt lực cao, giá thành rẻ, không độc hại, đáp ứng được tiêu chuẩn canh tác hữu cơ trong nông nghiệp. Vì vậy, nó được đánh giá là xu hướng tất yếu, cần được ưu tiên khuyến khích sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, mới đây các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore đã phát minh ra phương pháp sản xuất phân urê “xanh hơn”, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực phân bón. Đây là một phương pháp bền vững và tiết kiệm năng lượng hơn, với việc sử dụng điện để thúc đẩy các phản ứng hóa học trong một dung dịch.

Xu hướng 'xanh' trong canh tác lúa và cây trồng quan trọng ở Việt Nam - Ảnh 3
Các nhà khoa học nghiên cứu quá trình sản xuất phân urê trong phòng thí nghiệm tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore. (Ảnh: NTU)

Được biết, quy trình Haber-Bosch hiện nay được sử dụng để sản xuất phân urê tiêu tốn nhiều năng lượng, đồng thời tạo ra lượng khí thải CO2 đáng kể, đóng góp vào khoảng 2% năng lượng toàn cầu hàng năm.

Theo đó, vật liệu nano indium hydroxide được sử dụng làm chất xúc tác, các nhà nghiên cứu đã tạo phản ứng giữa nitrat và carbon dioxide, và phát hiện ra rằng quá trình hình thành urê hiệu quả hơn gấp 5 lần so với những nỗ lực được nghiên cứu trước đây, đặc biệt là bằng cách làm cho phản ứng hóa học diễn ra theo cách “chọn lọc cao”.

Các nhà khoa học cho rằng, phương pháp sản xuất urê này có thể truyền cảm hứng cho việc thiết kế các phương pháp tiếp cận hóa học bền vững trong tương lai và đóng góp vào các hoạt động nông nghiệp “xanh hơn” để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng trên thế giới.

Thuỳ Linh
Theo Tạp chí KTMT