Xử lý hơn 50% nợ xấu VAMC, VPBank báo lãi 4.343 tỉ đồng trong 6 tháng

Tín dụng của VPBank tăng trưởng chậm hơn ở mức 11,1% trong 6 tháng qua, nhưng nhờ xử lý nợ xấu tích cực hơn, thu nhập lãi tăng nên lợi nhuận tăng khả quan. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng báo lãi trước thuế 4.343 tỉ đồng.
MSB báo lãi “khủng” 567 tỉ đồng, dự kiến niêm yết cuối năm 2019Ngân hàng khó “nới room” tín dụngLo ngại “pha loãng” cổ phiếu, VPBank không chia cổ tức

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan với tổng thu nhập hoạt động đạt 16.832 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.343 tỉ đồng. Nếu không tính khoản thu nhập bất thường từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm được ghi nhận vào 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng lần lượt tăng 23,3% và 23,4% so với cùng kỳ.

xu ly hon 50 no xau vamc vpbank bao lai 4343 ti dong trong 6 thang
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng VPBank báo lãi trước thuế 4.343 tỉ đồng.

So với các kỳ trước, tín dụng của VPBank đã tăng trưởng chững lại với mức tăng chỉ 11,1% trong nửa đầu năm. Trong khi huy động vốn vẫn ở mức cao tăng 14,4% so với cuối năm 2018.

Riêng trong quý 2/2019, thu nhập của VPbank đạt 8.869 tỉ đồng, tăng trưởng 11,4%. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.560 tỉ đồng, tăng mạnh tới 43,6% so với quý 1.

Theo VPbank, thu nhập từ lãi thuần đạt 14.451 tỉ đồng, nhờ sự đóng góp tích cực từ các phân khúc kinh doanh chiến lược như bán lẻ, tài chính tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất trong quý 2 tăng mạnh tới 104,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.234 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của ngân hàng riêng lẻ trong quý 2/2019 cũng tăng khả quan, cụ thể tín dụng tăng 11,6% và huy động vốn tăng 14%. Doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.225 tỷ đồng, tăng lần lượt 23,5% và 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 54% và thu từ nợ đã xử lý rủi ro tăng 128% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số CIR đã giảm từ mức 42,2% cuối quý 1 xuống còn 41,3% cuối quý 2.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm VPBank đẩy mạnh hoạt động xử lý dư nợ VAMC, nhờ đó đã xử lý được hơn 50% dư nợ VAMC so với thời điểm cuối 2018, và theo kế hoạch thì đến cuối năm 2019, VPBank sẽ xử lý được toàn bộ dư nợ VAMC. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm xuống còn 2,4% dư nợ so với mức 2,6% hồi cuối tháng 3/2019.

Bên cạnh đó, VPBank cũng nằm trong nhóm nhà băng được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn việc áp dụng Thông Tư 41 theo chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II, như hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II đạt 11,2% và nếu tính theo Thông tư 36 là 12,3%, duy trì ở mức cao so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, ngân hàng được mở rộng tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 16%; tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa các sản phẩm, dịch vụ và quy trình; tiếp tục nắm giữ vị trí hàng đầu về phát hành mới và chi tiêu thẻ tín dụng.

Đơn cử, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tại ngày 30/6/2019 đạt 35,8%, giảm gần 2% so với quý I và ở mức thấp so với toàn hệ thống. Hệ số doanh thu trên tổng tài sản đạt mức 9,7%, đây là mức cạnh tranh trên thị trường hiện tại. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn ở mức khá cao trên thị trường, lần lượt là 9,4%, 19% và 2,1%.

Kim Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết