Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa

Khi những chuyến tàu bắt đầu chở hàng, quà xuân của quân dân cả nước gửi tặng ra quần đảo Trường Sa cũng là lúc không khi mùa xuân đã nhen nhóm nơi đầu sóng ngọn gió.
Xanh lắm Trường Sa…Dệt thảm xanh giữa biển trời Trường SaNhững cây di sản trên quần đảo Trường Sa

Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng những tổ chức, cá nhân trong cả nước vẫn không quên chuẩn bị những kiện hàng hoá với đầy đủ lương nhu chuyển đến quân và dân Trường Sa.

Đón Tết nơi đầu sóng, ngọn gió

Từ xa xa, đảo Trường Sa Lớn - trái tim của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện lên giữa màu xanh ngắt của biển, của cây xanh và những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm kiêu hãnh bay cao. Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Từ khi Trường Sa khoác lên mình màu áo mới nhờ sự quan tâm chăm sóc của hậu phương, hầu hết các đảo đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng rau xanh, nên thực đơn trong những ngày Tết khá phong phú.

Sau những trận mưa rào chợt đến, chợt đi ngày cuối năm, các đơn vị, bộ phận trên đảo tổ chức thi gói bánh chưng. Để tham gia, mọi người phân nhóm chuẩn bị gạo, đỗ, thịt, lá bàng vuông… Những năm gần đây, được sự quan tâm từ đất liền, rất nhiều lá dong, lá chuối từ đất liền đưa ra đảo để gói bánh chưng, nhưng Tết đến bộ đội vẫn ưu tiên dùng lá bàng vuông để gói bánh chưng. Theo Trung tá Trần Văn Thuấn (từng công tác ở 17 đảo của Trường Sa), gói bằng lá bàng vuông, bánh không chỉ mang vị chát ngọt của lá mà nó còn mang cả hương vị mặn mòi của biển. Ngày Tết, món bánh chưng gói bằng lá bàng vuông ăn kèm với thịt mỡ, dưa hành đã trở thành một đặc sản của lính đảo Trường Sa.

tm-img-alt

Những ngày cuối năm, vợ chồng anh Lâm Ngọc Vinh (SN 1983) và chị Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1995) cùng 2 con nhỏ tất bật sửa soạn bàn thờ gia tiên thêm tươm tất. Do không thể mua sắm như ở đất liền nên cái sự ăn Tết của gia đình anh chị cũng xuề xoà. Ngoài bánh chưng, bánh kẹo, hương hoa thì đôi khi mâm ngũ quả đặt bàn thờ chỉ vỏn vẹn… ba thứ quả.

Anh Vinh tâm sự, dù cuộc sống ở đảo xa còn thiếu thốn nhưng người dân không ỷ lại, cái gì có thể làm được thì tự làm, tự chuẩn bị để Tết càng phong phú, càng vui thêm. Mùa xuân ở đảo cũng có thú vị riêng của nó. Tuy đón giao thừa không có pháo hoa hay cảnh người chen chúc ra phố hái lộc nhưng ở đảo mọi người được ngắm biển trời bao la, xem các anh bộ đội diễu hành, hát quốc ca…

Để chuẩn bị cho ngày Tết thêm vui tươi, những người lính trẻ là phẳng phiu những bộ quân phục, cắt tóc cho nhau, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác. Phòng nghỉ của lính biển cũng được trang trí bằng những con ốc biển, vỏ sò. Đặc biệt, tại “góc nhỏ riêng tư” của các chiến sĩ cạnh đầu giường trung bày những lá thư “màu tím”, vật kỷ niệm hoặc cuốn nhật ký để chia sẻ niềm vui cùng đồng đội.

Sáng 30 Tết, các đơn vị tiếp tục tổ chức cuộc thi nấu cỗ. Mỗi mâm cỗ phải đảm bảo ít nhất 5 loại thực phẩm như: Thịt mỡ dưa hành, chả giò, thịt gà, làm nộm, tráng miệng bằng salad. Ngũ quả phải đầy đủ, rồi phải có hoa mai, đèn lồng. Đơn vị nào có rau xanh thì điểm sẽ được chấm cao hơn.

tm-img-alt

Chiều 30 Tết, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo sẽ cùng thắp hương, viếng các liệt sỹ. Tối giao thừa, đảo tổ chức bình thơ, bình văn, tập trung nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên tivi rồi cùng tỏa đi chúc Tết các đơn vị và người dân. Ở Trường Sa, có một nghi lễ thiêng liêng và thực sự xúc động, đó là vào sáng mùng 1 Tết, tất cả quân và dân trên đảo sẽ ra cột mốc chủ quyền, cạnh đó là cột cờ Tổ quốc để làm lễ chào cờ. Sau phần diễu hành qua cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc, bộ đội và người dân tới thắp hương tại các địa điểm tâm linh, đó là Đài tưởng niệm các liệt sỹ, nghĩa trang các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, Nhà tưởng niệm Bác Hồ… Tiếp đó, mọi người đến chùa Trường Sa Lớn thắp hương và chúc mừng năm mới sư trụ trì của chùa.

Ngày Tết trên đảo, vui nhất vẫn là trẻ em háo hức chạy khắp nơi, vui mừng khoe áo mới. Xa xa, những cánh sóng vỗ dạt dào đập vào kè đá. Những búp non tím biếc hoa muống biển nở tung trên nền xanh cây lá ven đảo. Một khung cảnh thanh bình và thơ mộng.

Gieo mầm xanh giữa đại dương

Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa thường khắc nghiệt, có lúc nắng như đổ lửa, khi mùa mưa bão thì sóng, gió cuồn cuộn, mịt mù. Thiếu nước ngọt, chất đất cằn cỗi, nhiễm mặn nặng cộng với khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng, gió là những yếu tố khó khăn để trồng cây trên đảo. Đặc biệt, để trồng và chăm sóc các loại rau xanh vốn rất nhạy cảm với thời tiết biển thật không phải chuyện dễ…

tm-img-alt
Các chiến sỹ trên đảo Đá Tây A trồng cây ngày xuân.

Tại đảo chìm Đá Lát, xung quanh là đại dương mênh mông nước. Thế nhưng trong không gian chưa tới 20m2, dưới góc một trụ ăng-ten, được rào chắn gió cẩn thận là nơi tăng gia sản xuất của chiến sỹ trên đảo, màu xanh và sức sống đã hiện hữu.

Còn tại đảo An Bang – điểm đảo khó vận chuyển người và hàng vào nhất tại quần đảo Trường Sa do nằm trên dòng hải lưu chảy mạnh và đặc điểm địa chất nên nơi đây quanh năm sóng to, gió lớn. Những con sóng bạc đầu dồn thẳng vào đảo khiến xuồng có thể bị lật bất cứ lúc nào. Để vận chuyển, người và hàng sẽ lên một chiếc xuồng chuyển tải không có động cơ. Một xuồng máy khác sẽ kéo chiếc xuồng chuyển tải vào gần đảo để lực lượng trên bờ dùng dây kéo vào. Thế nhưng ở một nơi thời tiết khắc nghiệt nhất trên biển Đông nhưng những chậu hoa, luống rau ở đây lại xanh tốt đến lạ kỳ.

tm-img-alt
Những chậu lan trên đảo Thuyền Chài nhờ các chiến sỹ chăm sóc cẩn thận đã ra hoa ngày Tết.

Theo các lính đảo Trường Sa, việc trồng rau phải được chăm sóc cực kỳ công phu, vì đất, phân vi sinh, giống cây, rau được chở ra từ đất liền ra và thiếu nguồn nước ngọt để tưới. Nước ngọt trên đảo cực kỳ hiếm. Nếu khoan được giếng thì mạch nước cũng lợ, chỉ phục vụ cho sinh hoạt chứ không tưới rau được. Còn nước mưa hứng được dự trữ trong các bể, thùng phi để dành cho ăn uống. Nhưng những người lính Trường Sa đã nghĩ cách tái sử dụng lại nước ngọt từ vo gạo, rửa rau, tắm rửa để tưới rau. Tại những hố nước sinh hoạt đều có hồ phụ chứa nước sau sinh hoạt để dành tưới rau.

Chiến sỹ Lê Văn Thông (quê ở Nghệ An) đang hái những bó rau mùng tơi non mơn mởn để chuẩn bị bữa tất niên cuối năm vừa hồ hởi kể chuyện: Không phải loại rau nào cũng sống và phát triển tốt được ở đây. Và phải mất rất nhiều thời gian thử nghiệm thì mới có thể chọn được những giống rau phù hợp. Thậm chí, những cành lá khô ở đảo cũng được mọi người thu gom cẩn thận và tận dụng để chôn ủ làm phân hữu cơ bón cho rau.

Tại đảo Trường Sa Đông dù thời tiết không thuận lợi cho cây cối phát triển nhưng từ năm này qua năm khác, từng tấc đất, cây giống ở đất liền chuyển ra cùng với bao mồ hôi, công sức của các thế hệ người lính đã phủ xanh hòn đảo cằn cỗi. Thứ Bảy hằng tuần, chỉ huy đảo đều tổ chức cho Đoàn Thanh niên xung kích nhặt rác thải nhựa và chăm sóc cây xanh. Xây dựng cảnh quan môi trường đảo xanh, sạch, đẹp là tiêu chí quan trọng của đơn vị. Đảo được phủ xanh vừa làm giảm đi sự khắc nghiệt của thời tiết, vừa giúp cán bộ, chiến sĩ có cảm giác gần gũi như ở nơi quê nhà. Những cây bàng vuông, tra, chuối, phi lao, bồ đề… sống được và phát triển bình thường đã làm nên một Trường Sa đầy sắc màu. Một ít loài hoa như địa lan, hoa giấy, hoa chuối, hoa mướp cũng dần thích nghi với môi trường khắc nghiệt của nắng gió biển khơi. Trên những đám cỏ dại lưa thưa bên đường mọc lên những bông hoa trắng, vàng, hồng nhỏ xíu cũng gợi lên một sức sống mãnh liệt trên đảo đá giữa trùng khơi muôn sóng.

tm-img-alt
Những cây bầu trên đảo Trường Sa cho lứa thu hoạch đầu tiên.

Ở các đảo Đá Tây, Đá Đông, Thuyền Chài… nơi chúng tôi đến cũng đang cùng đất trời vào xuân bừng lên sức sống. Cán bộ, chiến sỹ người nào người ấy cũng tất bật với phần việc của mình để chuẩn bị đón Tết. Hoa, cây cảnh của đảo cùng hoa, cây cảnh từ đất liền ra, cùng đua nhau khoe sắc. Pháo thủ Trần Văn Thương (quê Nam Định) chia sẻ: “Năm đầu đón Tết ngoài đảo xa, em nhớ nhà lắm. Nhưng ở đây có đồng đội, có đầy đủ hương vị ngày Tết cũng vơi đi phần nào. Khi thời khắc giao thừa, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, chúng em cùng bảo nhau rằng: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, ăn Tết ở đảo là niềm hạnh phúc thiêng liêng vì được góp phần bảo vệ nơi tiền tiêu của Tổ quốc”.

Vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ

Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa chia sẻ: “Trong những ngày xuân, tại 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa đều tổ chức nhiều hoạt động để bộ đội, nhất là các chiến sỹ trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà. Tết ở Trường Sa bây giờ đầy đủ hơn xưa, ở các điểm đảo đã có sóng điện thoại, tivi giúp cho không khí đón Tết thêm tưng bừng, phấn khởi. Tuy nhiên, vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Thời điểm trước, trong và sau Tết, cùng với việc tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ đón Tết, chỉ huy các đảo đã yêu cầu cán bộ, chiến sỹ bám sát kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn. Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc, đó là mệnh lệnh, cũng là trách nhiệm, trái tim mà mỗi người lính đảo hiểu và đặt lên trên hết”.

Cao Bảo Nguyên
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết