Lên Ý Tý mùa này, sẽ được “mục sở thị” những vườn sâm đất ngồn ngộn củ, được nếm ly sâm đất tinh khiết, xua tan mệt nhọc sau quãng đường dài gần trăm cây số trên lưng dãy núi Nhìu Cồ San hùng vĩ…
Thủ phủ sâm đất Ý Tý
Vượt cung đường đèo dốc, với nhiều cua tay áo, độ nghiêng mặt đường trên 10 độ, chúng tôi có mặt ở Ý Tý khoảng 8 giờ sáng, dưới thung lũng Thiên Sinh ngập tràn sương mây, phủ một màu trắng toát, tinh khiết lên lưng núi Nhìu Cồ San hùng vĩ và khu rừng già nguyên sinh nơi đây, được ví như rừng treo trên núi đá, cao hơn nghìn mét so với mực nước biển.
Ý Tý là xã vùng cao của huyện Bát Xát, nằm ở cực tây của biên giới Lào Cai, cách xa tỉnh lỵ gần trăm cây số, được mệnh danh là “xứ mưa” của vùng đất này. Ở đây mưa dai lắm, khí hậu lúc nào cũng ẩm ướt, mùa hè thì mưa lớn ào ạt, mùa đông thì sương mù lạnh giá, tù mù cả tháng không thấy ánh mặt trời.
Cách đây vài năm, cữ này tôi lên Ý Tý, khi ấy chỉ một màu xám xỉn của thân cây ngô đã thu hoạch xong từ lâu, phơi rạp trên những sườn núi lô nhô đá xám, cỏ cây úa vàng vì lạnh và gió núi hào phóng thổi suốt đêm ngày.
Hôm nay thì khác, xanh mượt phủ kín triền núi đá “xứ mưa” là những nương hoàng sin cô đang vào mùa thu hoạch củ ngọt, mát, bổ dưỡng được ví như sâm đất của đất trời Ý Tý.
Vừa chạm đất Ý Tý, ngay ở đầu thôn Mò Phú Chải, chúng tôi bắt gặp rất đông bà con đồng bào dân tộc Hà Nhì, với trang phục lạ mắt, tay dao phát lưng đeo lù cở lên nương thu hoạch sâm đất để bán cho Công ty thạch rau câu Long Hải và du khách đến chơi chợ phiên Ý Tý ngày cuối tuần.
Hôm nay, tổ đổi công của Chi hội phụ nữ thôn đến giúp chị Phà Giá Nhò thu hoạch sâm đất hoàng sin cô cho đủ số lượng để cân bán cho công ty ở tận dưới Hải Dương lên thu mua.
Chị Phà Giá Nhò là một trong những người đầu tiên đưa cây sâm đất đặc sản này về trồng ở đất Ý Tý và có diện tích sâm đất nhiều nhất ở đây. Năm ngoái, gia đình chị trồng và thu hoạch được hơn bốn tấn củ, bán với giá tám nghìn đồng/kg, thu được hơn 30 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng ngô như trước.
Nhìn bề ngoài, cây sâm đất gần giống cây hoa dã quỳ, một gốc mọc ra nhiều thân cao hơn đầu người, hoa có sắc vàng đẹp như những bông hoa hướng dương. Mỗi gốc sâm đất lại mọc ra nhiều củ giống như gốc sắn.
Cây sâm đất được trồng từ trước tết Nguyên đán, đến tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi cây trổ hoa màu vàng tươi cũng là vào mùa thu hoạch, chỉ cần dùng tay lay nhẹ gốc vài cái rồi nhấc lên cả chùm củ sai lúc lỉu, có gốc sâm đất thu được đến 4-5 kg củ.
Hấp thụ nắng mưa, sương gió, khí trời mát mẻ, nguồn nước tinh khiết của đại ngàn Ý Tý, lại được trồng ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, sâm đất ở đây có vị giòn ngọt và thanh mát như sâm, ít thứ củ nào có được.
Theo các tài liệu nghiên cứu, trong củ sâm đất có hàm lượng saponin giống như trong củ sâm Hàn Quốc, rất bổ dưỡng, có lẽ vì thế mà khi đang mệt hoặc đói, ăn vài miếng củ này thấy tỉnh táo hẳn người, bao mệt mỏi tiêu tan.
Lạ hơn nữa là củ sâm đất để phơi nắng càng héo càng ngọt sắc và ngon hơn. Sâm đất có thể gọt ăn sống tráng miệng, hầm xương, xào thịt hoặc ngâm rượu đều rất tốt.
Cây xóa nghèo và hút khách du lịch
Cây sâm đất có nguồn gốc từ Trung Quốc được đồng bào dân tộc Mông ở thị xã Sa Pa di thực về trồng ở địa phương, chỉ dùng để giải khát cho gia đình vào ngày hè.
Người Hà Nhì, người Mông ở Ý Tý (Bát Xát) tiếp tục đưa sâm đất hoàng sin cô về “xứ mưa” Ý Tý có khí hậu tương đồng, nhưng trồng với diện tích lớn, tập trung theo hướng hàng hóa để tạo nguồn thu ổn định, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Chủ tịch Hội nông dân xã Ý Tý Phu Mò Giờ cho biết, đến nay bà con địa phương đã trồng được 28 ha sâm đất, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có thu nhập khá nhờ trông sâm đất, như anh Ly Xá Suy, Phà Ta Có…
Điều đáng mừng là, từ chỗ bà con trồng tự phát, đến nay ngành nông nghiệp huyện Bát Xát và chính quyền các xã Ý Tý, A Lù, Trịnh Tường đã vào cuộc hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và tìm đầu ra với số lượng lớn, ổn định, giá tốt cho bà con nông dân ở đây.
Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát Vũ Văn Sơn cho biết, vùng núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm như Ý Tý, A Lù, Trịnh Tường rất thích hợp để sâm đất sinh trưởng và phát triển.
Cây sâm đất dễ trồng, thích hợp với đất có độ dốc vừa phải, thoát nước nhanh, chỉ cần bót lót lần đầu khi trồng mầm cây và làm cỏ ba lần là đợi mùa thu hoạch. Nhờ vậy, bà con nông dân ở đây có thể chuyển đổi đất trồng ngô truyền thống trên những triền núi sang trồng sâm đất hoàng sin cô.
Mỗi héc-ta trồng sâm đất có thể cho thu hoạch từ 20-25 tấn củ, với giá bán ổn định từ 6-8 nghìn đồng/kg có thể thu về từ 140-170 triệu đồng.
Năm 2019, bà con nông dân ở ba xã nói trên đã bán cho Công ty thạch rau câu Long Hải khoảng 200 tấn củ, thu về 1,3 tỉ đồng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân nơi đây còn nhiều gian khó.
Vụ sâm đất năm nay, Ý Tý và các xã nói trên trồng được khoảng hơn 100 ha, dự kiến xuất bán hơn 2.500 tấn củ cho công ty Long Hải và du khách vào những buổi chợ phiên cuối tuần, thu về khoảng hơn 10 tỉ đồng.
Sâm đất không chỉ là cây xóa nghèo mà còn như là một thứ quà đặc sản của xứ mưa Ý Tý dành tặng cho du khách đến đây.
Bí thư Đảng ủy xã Ý Tý Ngô Quốc Cường cho biết, đến nay bà con người Hà Nhì, người Mông ở đây đã biết làm nhà homestay đón khách du lịch trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, khám phá vùng đất và con người “xứ mưa”, với những sản vật bản địa riêng có.
Toàn xã hiện có 30 homestay đón khách, làm thay đổi tư duy và cuộc sống của đồng bào bản địa nơi đây. Mùa sâm đất lá xanh, hoa vàng và củ ngọt kết đọng hương khí của đất trời và con người ‘xứ mưa” Ý Tý đang đón chào du khách muôn phương…