1/2 dân số thế giới sẽ thiếu nước trầm trọng trong ít nhất 1 tháng mỗi năm

Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 4 tỉ người đang gặp tình trạng thiếu nước trầm trọng trong ít nhất 1 tháng mỗi năm và khoảng 1,6 tỉ người (gần 1/4 dân số thế giới) gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp nước sạch và an toàn.
Ứng phó với tình hình thiếu nước trên lưu vực sông Mê KôngGần 55.000 hecta cây trồng ở khu vực Trung Bộ bị hạn hán, thiếu nướcCảnh báo hạn hán, thiếu nước diện rộng ở khu vực Trung BộDự báo mùa mưa lũ, thủy điện có thể vẫn thiếu nước nghiêm trọng

Những con số trên chỉ ra một thực trạng đáng báo động về nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới. Tình trạng khan hiếm nước đang gia tăng và hơn một nửa dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực bị thiếu nước sạch vào năm 2050.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ thống tài nguyên nước mô hình hệ thống toàn cầu tích hợp của MIT để đánh giá các nguồn nước và nhu cầu sử dụng trên toàn thế giới. Công cụ mô hình hóa cũng cho phép các nhà nghiên cứu đo lường mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và kinh tế xã hội đối với tình trạng “căng thẳng” về nước.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy dân số và tăng trưởng kinh tế là các yếu tố kinh tế xã hội chịu trách nhiệm lớn nhất cho việc gia tăng “căng thẳng” về nước, khiến 1,8 tỉ người trên thế giới rơi vào cảnh sống trong các khu vực thiếu nước sạch. Trong số này, có đến 80% người dân sống ở các nước đang phát triển.

tm-img-alt
Có khoảng 4 tỉ người trên thế giới đang gặp tình trạng thiếu nước trầm trọng trong ít nhất 1 tháng mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sạch ở các quốc gia phát triển. 37 quốc gia phải đối mặt với mức độ căng thẳng về nước “cực kỳ cao”, sử dụng hơn 80% nguồn cung cấp nước sẵn có của họ mỗi năm.

Tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia nghèo đói như Bangladesh, Pakistan, Nigeria đang đối diện với tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Đặc biệt tại các bang California, Texas và Florida của Mỹ cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch. Vấn nạn này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cực kỳ nghiêm trọng đối với tình trạng thiếu nước sạch trên toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của FAO Andrea Cattaneo nhấn mạnh, hiện 1,2 tỉ người sống ở những vùng nông nghiệp có khả năng sẽ phải hứng chịu tình trạng hạn hán và khan hiếm nước triền miên. Ông Cattaneo cho rằng áp lực ngày càng tăng đối với nguồn nước sẽ đe dọa cả an ninh lương thực toàn cầu và các hệ sinh thái thủy sinh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch, do khí hậu biến đổi, thiên tai, bùng nổ dân số, sự nóng lên của Trái Đất. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sự lãng phí và khai thác nguồn nước quá mức của con người. Những công trình xây dựng, những cuộc khai thác tập trung vào tài nguyên nước quá nhiều đã gián tiếp làm hao mòn và cạn kiệt nguồn nước sạch.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, hiện mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh.

Nguyễn Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường