20 năm cây của Phật trồng nơi đất Tổ Vua Hùng

Với mỗi Phật tử, ai cũng biết cây Bồ Đề là cây linh thiêng mà Thái tử Tất Đạt Đa tọa thiền, khai minh trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giờ đây bất kỳ Phật tử nào, dù ở xa cách muôn trùng đều ước mong được đến chiêm bái một lần trong đời nơi cội Bồ Đề tại Bồ Đề đạo tràng. Và những người hành xử tốt đẹp đều được coi là người có Tâm bồ đề…
Lá thư kêu gọi bảo vệ môi trường của Thầy Huyền DiệuThầy Huyền Diệu: Mỗi người Việt Nam tự trồng 1.800 cây để bảo vệ môi trường‘Theo dấu chân Hồng Hạc’ - chuyện chưa kể về Thầy Huyền Diệu
20 nam cay cua phat trong noi dat to vua hung
Cây Bồ Đề được Hòa Thượng Thích Huyền Diệu trồng tại khuôn viên Đền Hạ tại Đền Hùng, Phú Thọ cách đây 20 năm.

Tôi xin ghi lại dưới đây về một trong triệu triệu cây bồ đề trên đất nước Việt Nam - đó là cây Bồ Đề được Hòa Thượng Thích Huyền Diệu trồng tại khuôn viên Đền Hạ thuộc Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ cách nay 20 năm. Coi như đây là nén tâm nhang kính dâng lên Tam Bảo nhân dịp Lễ Phật đản tháng Tư năm Canh Tý 2020.

Cây Bồ Đề có nguồn gốc từ Đất Phật, Ấn Độ

Đầu những năm 1990, như một cơ duyên, trong một lần đi thăm Bồ Đề đạo tràng tại Boudha Gaya, Bihar, CH Ấn Độ, một số cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam (trong đó có nhà văn Hồ Anh Thái) đã đến chiêm bái cội Bồ Đề linh thiêng và thật bất ngờ khi phát hiện ra một mảnh đất nhỏ đang trồng rất nhiều cây có một ngôi nhà 4 tầng với những tấm bản đồ Việt Nam khắc nổi trên cửa chính và tất cả các cửa sổ! Bên cạnh đó là ngổn ngang gạch ngói đang xây cất một công trình gì đó. Thì ra đó là nơi khởi đầu của Việt Nam Phật Quốc tự ngày nay như chúng ta thấy.

Ở đó duy nhất có một người Việt Nam xưng danh là Người làm vườn kiêm quét chùa. Một người đàn ông trạc tứ tuần trong bộ quần áo nâu nhà chùa đeo cặp kính cận, thân hình mảnh mai nhưng trông toát lên vẻ kiên nghị mà hiền từ, nhanh nhẹn mà cẩn trọng, giọng nói Nam bộ nhỏ nhẹ chầm chậm thể hiện là người đã lâu rất ít được trao đổi, tiếp xúc với người Việt Nam khi chào bằng tiếng Anh, và sự ngạc nhiên tột độ khi biết chúng tôi là người Việt Nam. Đó chính là Hòa thượng Thích Huyện Diệu.

Từ cuộc hạnh ngộ ấy, ngài Vũ Xuân Áng, Đại sứ Việt Nam tại CH Ấn Độ cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán có sự liên hệ và quảng bá rộng rãi về sự hiện diện của ngôi chùa Việt Nam Phật quốc tự nơi Bồ đề đạo tràng mà mọi Phật tử trong nước và quốc tế đều biết. Thậm chí, hàng năm vào dịp hè ông Tùy viên Khoa học nhiệm kỳ 1989-1992 thường tổ chức cho các lưu học sinh Việt Nam giao lưu, tọa đàm cùng Sư thầy Huyền Diệu (trong số đó có vợ chồng anh Bùi Bá Bổng, anh Nguyễn Minh Châu... học tập, nghiên cứu tại Học viện nông nghiệp Pusa).

Khi ấy, Thầy Huyền Diệu bày tỏ ý nguyện muốn được trở về thăm quê hương Việt Nam. Tất cả như một cơ duyên, đều dần hiện thực.

Sau một số lần về thăm Việt Nam để giảng pháp ở nhiều chùa khác nhau cũng như nói chuyện ở một số nơi trên khắp đất nước, huyến thăm lần này có lịch thăm viếng Đất Tổ với ý nguyện trồng một cây Bồ Đề tại đây.

Vậy là ý tưởng hình thành: Cây của Phật trồng nơi Đất Tổ!

Sau khi được Sư Thầy Huyền Diệu cho biết chương trình chuyến về Việt nam, chúng tôi đã lên lịch và có sự phân công rất cụ thể như: thông báo cho tỉnh Phú Thọ biết (Cục Môi trường soạn thảo công văn gửi UBND tỉnh với đầu mối thông qua Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường- trực tiếp là Giám đốc Trần Phúc Khánh) để xin chủ trương; chọn địa điểm để trồng cây (tại khu vực Đền Hạ), báo cáo, mời đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hoàng Xuân Cừ chủ trì đón tiếp Sư thầy và tham gia trồng cây, tọa đàm và mời cơm chay.

Chúng tôi cũng chuẩn bị đón Sư Thầy, vợ chồng cựu Đại sứ Vũ Xuân Áng, một số cán bộ từng công tác tại Ấn Độ, một số Phật tử Hà Nội và địa phương khác để lên đền Hùng. Một cây Bồ Đề giống đã được ươm sẵn trong chậu tại nhà Phật tử Trương Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Thúy Loan khi đó mọc cao chừng 1m50.

Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chuẩn bị sẵn hố trồng cây và trộn phân vi sinh bón lót, dụng cụ xẻng cuốc, cọc tre để buộc giữ cho cây đứng thẳng vững vàng. Sau lễ trồng cây, đoàn sẽ dâng hương Đề Hạ, Đền Trung và Đền Thượng + mộ Vua Hùng, Đền Giếng (riêng Bảo tàng sẽ vào thăm ngay khi đến để tranh thủ lên địa điểm trồng cây sớm)...

Cây Bồ Đề- Chứng nhân lịch sử nơi Đất Tổ

Năm đó, đoàn của Sư Thầy rất đông, có lẽ chừng 40-50 Phật tử cùng có mong muốn được về thăm đất Tổ và tham dự buổi lễ trồng cây Bồ Đề đặc biệt nay.

Buổi sáng hôm diễn ra lễ trồng cây, Sư Thầy dậy từ 4:00 giờ sáng, tọa thiền, tụng kinh và đi bộ (hành thiền) dọc phố Hà Nội và chuẩn bị cho chuyến đi.

Thật kỳ lạ là chúng tôi thấy có cả nồi cơm điện, đĩa quả tươi, mấy gói vừng lạc trên bàn do Sư Thầy thường tự nấu cơm bữa cơm đạm bạc. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, Thầy cũng không muốn phiền đến ai, tự nấu cơm ăn, giặt giũ… như nếp sống tự lập từ khi Thầy từ Việt Nam ra đi những năm 1960.

Khoảng 8:30 sáng, đoàn chúng tôi đến Việt Trì và rất bất ngờ khi Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hoàng Xuân Cừ ra tận nơi đón, niềm nở cùng mọi người đã chờ sẵn. Đoàn nhanh chóng di chuyển đến Đền Hùng, ghé thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng khu Di tích quốc gia Đền Hùng, cửa chính Đền.

20 nam cay cua phat trong noi dat to vua hung
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng khu Di tích quốc gia Đền Hùng, cửa chính Đền.

Đến bậc đá cuối cùng của Đền Hạ, chúng tôi thấy phía trước bên tay phải đã có sẵn một chiếc hố sâu chừng nửa mét, đất mới đào đỏ tươi, dưới đáy được bón sẵn phân vi sinh trộn với đất, bình tưới nước... đã sẵn sàng.

Cây Bồ Đề giống đã được ươn trồng sẵn trong chậu một thời gian nay đã khá cao. Nhưng khi mới trồng thì cây rất khẳng khiu và do cớm nắng nhưng cây cứ vươn cao lên trong chậu, và thật kỳ lạ là cây hầu như không rụng lá. Còn giờ đây (năm 2020) cây đã lớn, sum xuê tỏa bóng mát.

Hai thanh niên khiêng chậu cây đến, đặt giữa hố đất và đưa cây ra khỏi chậu sành. Sư Thầy và đồng chí Bí thư tỉnh ủy cùng mọi người trồng cây, vun đất rồi tưới nước. Một chiếc cọc tre được đóng cắm buộc dây giữ cho cây đứng thẳng vững vàng trước gió bão.

Vậy đó. Cây Bồ Đề - cây của Phật đã yên vị nơi Đất Tổ Vua Hùng!

Sư Thầy bảo mọi người thắp nhang cắm quanh gốc cây rồi cùng chắp tay đi vòng quanh vòng theo nhịp tụng niệm kinh Phật!

20 nam cay cua phat trong noi dat to vua hung
Sư Thầy, Bí thư, Đại sứ Vũ Xuân Áng và mấy anh em ngồi trao đổi bên bàn ghế đá phía trước bên trái Đền Hạ.

Trồng cây xong, mọi người nghỉ ngơi ít phút trước khi tiếp tục chiêm bái các khu Đền. Sư Thầy, Bí thư , Đại sứ Vũ Xuân Áng và mấy anh em ngồi trao đổi bên bàn ghế đá ở ngay Đền Hạ. Khi ấy, Sư Thầy bày tỏ ước nguyện có thể xây dựng một Đất Phật thu nhỏ ngay tại Đất Tổ này. Lý do thật vô cùng nhân văn: để mọi người con dân là Phật tử trên đất nước Việt Nam mỗi khi đến thăm viếng Đền Hùng - Đất Tổ thì cũng có điều kiện chiêm bái Đất Phật (Lâm Tỳ ni nơi Phật sinh) mà không phải tốn kém sang tận Nepal xa xôi, bởi đâu phải ai cũng có điều kiện và cơ duyên ).

Sư Thầy lần lượt lễ tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, viếng mộ Vua Hùng. Rất cung kính, Thầy đi chân trần nghiêm cẩn chắp tay đảnh lễ rồi áp đầu mình chạm vào ngôi mộ đá của Đức Vua Hùng!

Dừng chân nơi Đền Giếng đọc tấm bia khắc ghi những lời Bác Hồ huấn thị, căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong khi xưa, Thầy rất xúc động.

Sau bữa cơm chay đạm bạc, mọi người ngồi quây quần nghe đồng chí Bí thư báo cáo nhanh về tình hình Phú Thọ, cùng những chia sẻ của Sư Thầy về sau Lễ trồng cây, viếng thăm Đền Hùng đặc biệt này… Với cá nhân tôi, chuyến viếng thăm và trồng cây có một không hai này sẽ mãi đi vào lịch sử!

20 nam cay cua phat trong noi dat to vua hung
20 năm qua cây Bồ Đề tỏa bóng mát nơi núi Hy Cương hùng vĩ, linh thiêng thờ các Vua Hùng.

Hai mươi năm qua, cây Bồ Đề vượt qua bão gió giờ đã vươn cao, tỏa bóng cùng muôn ngàn cây lá ngút ngàn nơi núi Hy Cương hùng vĩ, linh thiêng thờ các Vua Hùng. Mỗi năm, đền Hùng đón đồng bào con dân đất Việt từ mọi phương trời về đây tụ hội, thăm viếng đảnh lễ với lòng tôn kính, biết ơn vô hạn.

Hàng năm, tại Đền Hùng vào ngày Giỗ quốc tổ Mồng 10 tháng 3 lại vang lên giọng đọc bản Hùng văn bất hủ trước muôn dân của vị Chủ lễ.

Cây Bồ Đề được bao quanh bởi một hàng rào bảo vệ bằng sắt luôn có những làn khói hương tỏa ngát bởi khách viễn du cung kính cắm nơi gốc cây. Bên cạnh đó là một tấm bia đá với dòng chữ khắc ghi “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN", như để nhắc nhở một thông điệp, một lời dặn dò cho con cháu muôn đời sau!

Xin được khép lại dòng suy tưởng của một nhân chứng tại sự kiện “ Cây của Phật trồng nơi Đất Tổ´với lòng tri ân sâu sắc nhất.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến

Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

An Nhiên
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường