‘Theo dấu chân Hồng Hạc’ - chuyện chưa kể về Thầy Huyền Diệu

Trong những chuyến hành hương đầu năm về đất Phật - Ấn Độ và Nepal, bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều dành thời gian ghé thăm An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, ngôi chùa giản dị, ẩn mình giữa màu xanh của thiên nhiên. Một câu chuyện đầu năm, chúng tôi muốn chuyển đến quý vị và các bạn là hành trình không mệt mỏi nhưng cũng đầy nhân duyên để xây dựng 2 ngôi chùa này của Hòa thượng trụ trì, Thầy Huyền Diệu. Thầy cũng là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - Nepal và có những đóng góp to lớn tại đất nước này.
10 ngôi đền, chùa linh thiêng nhất miền Bắc nên đi lễ đầu năm 2020Chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ danh tiếng bậc nhất xứ HuếTƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trao chứng nhận “Ngôi Chùa Xanh” cho chùa Cao Linh

Video: Thầy Huyền Diệu chúc Tết 2020 tại An Việt Nam Phật Quốc Tự.

"Tôi một mực tin tưởng rằng, nếu như tất cả chúng ta biết yêu thương xứ sở của mình, biết làm việc phúc đức, biết tôi luyện ý chí để vươn tới thành công, biết nuôi dưỡng văn hóa hiếu hòa trong tâm hồn thì xung quanh chúng ta sự màu nhiệm sẽ luôn lấp lánh, kì diệu và bất ngờ. Cũng giống như câu chuyện mà loài chim quý hiếm đã bay về ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật làm bạn với tôi và mang lại cho tôi những bài học quý giá về cuộc sống", Thầy Huyền Diệu - An Việt Nam Phật Quốc Tự Ấn Độ - Nepal..

Gian nan xây chùa Việt Nam trên đất Phật

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Bến Tre, là nạn nhân chịu nhiều đau khổ của bệnh tật, đói nghèo và chiến tranh. Năm 8 tuổi, như một nhân duyên, Thầy Huyền Diệu được sư phụ Hoằng Nhơn cứu giúp và đưa tới ngôi chùa ở vùng Bảy núi Thất Sơn, giáp biên giới Miên - Việt.

“Hồi nhỏ tôi giống như bao đứa trẻ khác, say sưa với Tam Tạng thỉnh kinh. Lớn lên được đọc truyện của thầy Huyền Trang, tôi rất là xúc động. Thầy là một người phi thường, có một lý tưởng đặc biệt, đã quyết tâm đi bộ từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Khi đó tôi chỉ mơ ước trong cuộc đời của mình sẽ được theo dấu chân ngài. Khi lớn lên nữa, tôi được đọc đoạn kinh Maha Mangala Sutta thì còn thích nữa. Đức Phật khuyên trong đời những người đệ tử của Phật nên có một lần chiêm bái một trong tứ thánh địa, tứ đồng tâm”, Thầy Huyền Diệu chia sẻ.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
Thầy Huyền Diệu.

Năm 1969, khi đang là sinh viên theo học Đại học Nantes và Sorbonne của Pháp, Thầy Huyền Diệu đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ. Quỳ dưới Kim Cang tọa, lòng thầy trào dâng một niềm xúc động bởi ước nguyện của cuộc đời mình đã thành sự thật. Chứng kiến các ngôi chùa của các nước hiện hữu trên thánh địa Phật giáo, Thầy không khỏi chạnh lòng, đạo Phật đã đến Việt Nam trên 2.000 năm nhưng nơi đây lại không có bóng dáng ngôi chùa của quê hương xứ sở. Trong cảm xúc ấy, Thầy nhớ lại những lời Thẩy tổ Hoằng Nhơn đã dạy.

“Tôi nhớ lại mật pháp của sư phụ, khi nào mình được may mắn đến những nơi linh thiêng thì mình nên thành tâm, thành thật khấn nguyện, ước mơ rất nhiều điều. Trong đó, có 1 điều mà tôi lặp đi lặp lại rất nhiều lần là trước khi nhắm mắt, mong rằng được thấy hình ảnh ngôi chùa Việt Nam, chùa lá cũng được ở gần cõi Bồ Đề, gần nơi đức Phật đắc đạo giữa các chùa quốc tế”, Thầy Huyền Diệu nói.

Dành dụm từng đồng tiền đi dạy học và nhận được sự ủng hộ tích cực của các học trò Âu Mỹ. Nhiều năm sau đó, trải qua bao khó khăn trắc trở, Thầy mua được miếng đất 450m2, trong khi chùa của các nước rộng hàng ngàn mét do nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ.

Việt Nam những năm đầu của thập kỷ 80, tình hình trong nước sau chiến tranh còn đói nghèo, Phật giáo chưa được chấn hưng, cộng đồng người Việt ở Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ khi ấy chỉ có một mình Thầy nên việc xây chùa khó khăn chưa từng thấy. Nhưng đã là nhân duyên thì mọi việc dường như được sắp đặt, lần lượt những chủ đất xung quanh đã đồng ý bán lại cho Thầy, dần dần, diện tích của ngôi chùa lên đến 30.000m2. Khi việc xây chùa còn đang dang dở thì một cơ duyên khác lại bất ngờ đến với Thầy.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
Buổi nói chuyện, gặp mặt thân tình của Thầy Huyền Diệu với TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường.

“Sau khi chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng, tôi đến Lâm Tỳ Ni lúc đó đang còn tiêu điều, tôi bàng hoàng, trong sách mình đọc đây là nơi đức Phật rất là linh thiêng, đẹp mà rồi khi mình đến lại như thế này, nhưng khi nhìn lên thì thấy có 5 dòng chữ của vua A Dục (Ashoka) viết, đó là một trong những chữ cổ thì tôi mới biết đây là nơi đức Phật được sinh ra. Tôi cũng áp dụng mật pháp của sư phụ là mình khấn nguyện và ước mơ. Nếu chỗ này thực sự là nơi đức Phật giáng trần xin được nhìn thấy trước khi nhắm mắt, chỉ như vậy thôi.

Tôi tốt nghiệp xong và đi dạy học các nơi thì tôi thường đem tâm sự, đây là nơi Phật giáng trần mà tại sao lại hoang phế điêu tàn như vậy thì chính những người cảm tình với tôi cũng như những học trò đã đem câu chuyện này nói với vua Birendra (Vua Nepal hồi đó). Vua Birendra cũng rất cảm kích và nói mời Thầy đến thì sẽ cho đất”, Thầy Huyền Diệu kể.

Vì Thầy Huyền Diệu là người nước ngoài đầu tiên được cấp đất xây chùa tại nơi đức Phật đản sinh nên vua Nepal cho một chiếc máy bay đặc biệt đưa Thầy xuống Lâm Tỳ Ni để chọn đất. Ngồi trên máy bay lựa chọn kỹ lưỡng nhưng khi đứng trước khu đất, Thầy thất vọng não nề. Một vùng đất trũng sình lầy và toàn ao hồ sẽ khiến việc dựng chùa khó khăn chồng chất thêm khó khăn. Số tiền 60 USD còn lại trong túi của Thầy lúc ấy chỉ đủ dựng căn lều plastic và mua các vật dụng sinh hoạt.

Là khởi nguồn của đạo Phật nhưng ở Ấn Độ và Nepal số người dân theo đạo Phật lại rất khiêm tốn, chính vì vậy, Thầy Huyền Diệu hiểu rằng, ngôi chùa Việt Nam không thể tồn tại độc lập ở nơi này nếu không vận động các nước Phật giáo trên thế giới cùng kiến tạo Lâm Tỳ Ni trở thành một quần thể. Và thế là Thầy bền bỉ, kiên trì đến các nước thuyết phục.

“Số phận của tôi khổ hay sao đó, mấy chục kiến trúc sư và kĩ sư, cuối cùng bỏ giữa chừng vì họ khám phá ra việc xây chùa này là không có tiền. Tôi cũng phải nói là may mắn khi gặp kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và sau đó tôi tự làm lấy, tự mua sắt, xi măng. Phải nói cụ Nguyễn Bá Lăng là một kiến trúc sư rất là có tâm”, Thầy Huyền Diệu chia sẻ.

Ngôi chùa Một Cột, một trong những biểu tượng kiến trúc độc đáo của Thăng Long, Hà Nội đã được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng trùng tu lại năm 1955. Và thật nhân duyên khi chính ông là người tái hiện biểu tượng của Thăng Long trên đất Phật cùng kiến trúc đậm bản sắc văn hóa Việt của ngồi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
Thầy Huyền Diệu chụp ảnh kỷ niệm cùng Lãnh đạo và PV, BTV Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Thầy Huyền Diệu cho biết: "Tôi đọc lịch sử Việt Nam thì thời Lý – Trần là một thời rất là đặc biệt, có một tư tưởng rất độc lập về kiến trúc. Mái chùa thuần Việt Nam phải là mái chùa Một Cột, vừa nhu vừa cương. Hồi xưa, tôi muốn làm y hệt chùa ngoài Hà Nội nhưng không biết sao mà lúc đào móng và đúc lên thì mới thấy lớn hơn gấp 2,5 lần ngôi chùa ngoài Bắc. Ngôi chùa này tôi không sao chép giống ngôi chùa ngoài Bắc, tôi chế lại, thay vì ngoài Bắc có cây cầu thì tôi làm búp sen lên”.

Tự tay bẻ sắt, đúc móng làm chùa rồi tự tay trồng những bông sen, bông súng, tự tay đóng những vật dụng sinh hoạt. Thầy lấy sự giản dị, đơn sơ làm điều an vui cho cuộc đời mình. Chính sự giản dị ấy, đã làm nên hồn cốt cho ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự giữa muôn vàn kiến trúc chùa chiền tại Lâm Tỳ Ni.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
An Việt Nam Phật Quốc Tự - Ngôi chùa Việt Nam tại Nepal.

Trong bước chân hành hương đầu năm tới Nepal, mảnh đất nơi đức Phật sinh ra, chiêm bái quần thể hơn 30 ngôi chùa mà Thầy đã dày công vận động các nước cùng kiến tạo, lòng bạn sẽ không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh của quê hương rất đỗi thương yêu sau cánh cổng bình dị.

Là những bụi tre rợp bóng của làng quê, là hình ảnh giữa trưa hè yên ả của chú bé chăn trâu thổi sáo, là những đóa sen trắng muốt, thanh tao tỏa hương ngan ngát giữa một màu xanh của cây trái. Bạn sẽ thấy chốn nương náu cho tâm hồn mình giữa những tháng ngày nơi đất khách, bởi những gì từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.

Sinh ra trong những năm tháng quê hương bị giày xéo bởi chiến tranh, trưởng thành và học tập xa đất nước, Thầy Huyền Diệu luôn thương nhớ về những hình ảnh bình dị, thân thuộc đã ấp ôm mình thời thơ ấu. Trái tim yêu quê hương đất nước, tri ân cội nguồn ấy đã tạo nên một không gian An Việt Nam Phật Quốc Tự bình yên, hiền hậu như vòng tay người mẹ. Điều bạn sẽ ấn tượng không thể quên khi đặt chân đến nơi này là hình ảnh của những tấm bản đồ Tổ quốc.

“Tôi ở đây có một mình thôi, thành ra chỗ nào tôi cũng để bản đồ để rủi tôi có chết thì không ai vào mà đổi được hết, ngay cả cửa sổ và chỗ nào cũng vậy. Chính vì vậy mà tôi làm bản đồ Việt Nam để xác định đây là chùa Việt Nam”, Thầy Huyền Diệu vui vẻ kể.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (Berlin – Đức) cho biết: “Chúng tôi là người Việt Nam sống xa xứ cũng đã lâu, hơn 10.000km chúng tôi cũng đã đến được nơi đất Phật này. Khi chúng tôi bước chân vào ngôi chùa này, chúng tôi cảm thấy mình đang sống giữa một làng quê của Việt Nam. Nơi đây đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc, tôi cảm thấy được thầy trụ trì đã rất thương yêu đất nước Việt Nam và luôn luôn hướng về đất nước”.

Chim Hồng Hạc bay về và tấm lòng Thầy Huyền Diệu đối với đất nước Nepal

Nhiều phật tử cũng được biết đến Thầy Huyền Diệu bởi những lần theo dấu chân Hồng Hạc sau khi đọc xong cuốn sách rất nổi tiếng của Thầy “Khi Hồng Hạc bay về”. Đó là câu chuyện kể về loài chim quý hiếm đã đáp cánh xuống An Việt Nam Phật Quốc Tự làm tổ trong những ngày Thầy cất chùa tại Nepal.

Chị Nguyễn Thị Hà (TP.HCM) chia sẻ: “Cách đây 17 năm, tình cờ tôi đọc được cuốn sách ‘Khi Hồng Hạc quay về’ của Thầy Huyền Diệu và trong tâm trí của tôi ước ao được một ngày đặt chân đến nơi đây. Và hôm nay tôi đã thực sự được đến đây, tôi thật sự ngỡ ngàng với bao khung cảnh mà Thầy đã dày công gây dựng, bảo vệ loài chim quý hiếm này”.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
Chim Hồng Hạc ở An Việt Nam Phật Quốc Tự tại Nepal.

“Vào buổi sáng khi tôi đang chuẩn bị công chuyện thì tự nhiên thấy 2 con chim từ phương xa tới sà xuống, nó đứng cao hơn tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là chạy vào căn chòi tranh, lấy cây gậy cầm trong tay để nếu nó tấn công thi tôi sẽ đánh nó. Nhưng sau khi quay ra thì thấy 2 con chim này nhìn tôi cũng rất cảm tình. Suốt từ đó tôi nghĩ rằng, trong cuộc đời làm gì có những con chim lạ lùng thế này, tôi đi vào thư viện Nhật Bản lục sách ra xem thì mới biết được tên là Sarus Crane. Tôi liên lạc điện thoại với mấy người bạn bên Mỹ tìm hội bảo vệ chim vì nó là một loại chim quý hiếm. Sau đó, tôi vận động họ sang bên này và lập một ban về chim, tôi được họ bầu làm trưởng ban”, Thầy Huyền Diệu cười nói.

Loài chim đó được Thầy Huyền Diệu gọi một cách yêu thương là Hồng Hạc, tên khoa học là Sarus Crane hay còn gọi là Sếu đầu đỏ có chiều cao trung bình 1,8 m. Kể từ ngày chim Hồng Hạc xuất hiện ở Lâm Tỳ Ni, Thầy lại thêm công việc của một nhà bảo vệ môi sinh giữa những bộn bề của việc xây chùa. Thầy lặn lội xuyên qua những đầm lầy lau sậy, tìm hiểu, quan sát các tập tính của Hồng Hạc.

Tâm huyết vận động người dân địa phương cùng tham gia bảo vệ và nỗ lực ngăn chặn những kẻ trộm trứng và săn bắt loài chim này. Từ chỗ chỉ có vài chục con sinh sống rải rác, đến nay đàn Hồng Hạc tại Lâm Tỳ Ni đã lên đến gần 380 con. Trong quá trình cùng các tổ chức quốc tế bảo vệ loài chim, khi đi qua một dòng sông, Thầy đau lòng chứng kiến cảnh người dân phải lội dòng nước siết dâng cao, nhiều phụ nữ và trẻ em phải bỏ mạng. Lúc này, dù việc xây chùa đang dang dở, do kinh phí cạn kiệt nhưng cứu một mạng người bằng xây 7 tòa tháp, thầy quyết định đứng ra kêu gọi đóng góp để xây dựng cây cầu mang tên “Cây cầu tình thương Việt Nam”.

Ông Telak Ram, người dân địa phương Lumbini (Nepal) cho biết: “Nhiều năm trước tôi sống và làm việc ở đây, trước khi Thầy xây dựng ngôi chùa ở đây thì làm gì có đường xá đâu. Mùa mưa nước ngập đến đầu người, nhiều người đã bị nước cuốn đi, Thầy thấy thương chúng tôi quá nên đã quyết định giúp đỡ, rồi thầy kêu gọi người dân ở ngôi làng này và nhiều ngôi làng lân cận, huy động nhân công xây dựng cây cầu. Từ khi có cây cầu Việt Nam người dân chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.

Còn ông Chanta Ram – Chủ tịch liên xã Lumbini (Nepal) thì cho biết: “Lần đầu Thầy đến đây, chúng tôi đã kể cho Thầy nghe về sự hung dữ của con sông này. Ngày hôm sau Thầy chứng kiến chúng tôi lặn lội vượt sông và thế là Thầy đã quyết định giúp đỡ dân làng xây dựng cây cầu. Phải nói là việc làm này rất kì công và trải qua nhiều trở ngại. Cây cầu được xây dựng lên đã giúp chúng tôi rất nhiều, vượt qua những khó khăn hàng ngày. Tôi thay mặt người dân trong làng gửi lời tri ân đến Thầy và những người đã phát tâm đóng góp. Thầy cũng mong muốn xây một ngôi trường cho trẻ em nghèo, nếu điều đó thành hiện thực quả là điều kì diệu cho chúng tôi”.

Không chỉ là cây cầu nối 2 bờ sông mà đó thực sự còn là cây cầu nối tình yêu thương và lòng nhân ái giữa con người với con người.

Chứng kiến cảnh những người dân, những đứa trẻ địa phương qua sông giữa bình an ngày hôm nay, lòng ta cảm thấy lay động trước những điều thiết thực và ý nghĩa mà Thầy cùng các học trò quốc tế và những tấm lòng từ Việt Nam gửi tới.

Ở vùng đất này, không ai là không biết tới Doctor Lâm, cái tên mà người dân gọi Thầy với tấm lòng trìu mến. Thương mảnh đất cằn và những con người nghèo khó, Thầy vận động các gia đình cho con em tới trường, khuyến học bằng những phần thưởng cụ thể.

“Các cháu phải nhớ rằng việc học là chìa khóa để hướng đến thành công. Nếu cháu nào tốt nghiệp được cấp 3, ông sẽ tặng chiếc xe đạp. Cháu nào tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, ông sẽ tặng chiếc xe máy. Và các cháu phải luôn biết ơn công sức nuôi dạy của cha mẹ mình”, Thầy Huyền Diệu nói chuyện với trẻ em tại Lumbini.

Là người ngoại quốc đến sinh sống và làm việc trên đất nước này, Thầy Huyền Diệu yêu quý Nepal như quê hương thứ hai. Và khi chiến tranh Nepal nổ ra, tình yêu ấy đã thôi thúc Thầy thực hiện một sứ mệnh cao cả, đó là góp phần mạnh mẽ trong việc chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu làm chết hơn 14.000 người.

“Khi tôi đến đây thì đất nước Nepal đang hòa bình, đùng một cái có chiến tranh, khi đó phần lớn các chùa ở đây họ bỏ đi hết. Tôi nghĩ rằng, nếu ở lại thì mình phải làm gì và tôi đã ở lại vì tôi là người ưu chuộng hòa bình, ảnh hưởng tư tưởng từ đức Phật là hận thù không trừ được hận thù chỉ có từ bi xóa được hận thù. Tôi là người quyết liệt dấn thân, cũng gay go lắm. Cuối cùng các phe lâm chiến đã gặp nhau nhiều lần ở chùa mình, có một cuộc ra thăm ở Lâm Tỳ Ni và buông súng”, Thầy Huyền Diệu chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ giới thiệu sách “Nepal – Hòa bình trong tầm tay của Thầy Huyền Diệu, Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli chia sẻ: “Cuộc nội chiến tại Nepal kéo dài suốt 10 – 12 năm nhưng từ đó đến nay, các cuộc xung đột đã được giải quyết ổn thỏa. Việc kiểm soát vũ khí hay các vấn đề khác đã được tiến hành rất tốt. Chúng tôi đã có được một nền hòa bình, thịnh vượng. Tôi muốn cảm ơn Thầy Huyền Diệu vì tình cảm to lớn mà Thầy dành cho đất nước Nepal. Xin cảm ơn tình cảm của những người bạn, những gia đình đã yêu quý đất nước chúng tôi”.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
Chiếc bàn nơi Thầy Huyền Diệu vận động các bên tham chiến ngừng bắn trong cuộc nội chiến của Nepal.

Chiếc bàn này là nơi Thầy Huyền Diệu đã âm thầm tiếp đón và tận tay làm những bữa cơm để vận động các bên tham chiến ngừng bắn. Đây cũng là nơi để các bên ngồi lại với nhau trước khi có cuộc gặp chính thức ký kết những thỏa thuận vãn hồi hòa bình cho đất nước Nepal. Chiếc bàn giản dị giờ đây Thầy dành để dùng trà và tiếp đón những người bạn quý.

Chính thành công trong cuộc vận động chấm dứt nội chiến của Nepal đã là động lực để Thầy Huyền Diệu cho ra mắt cuốn sách “Vũ khí tình thương” xuất bản bằng tiếng Anh và được Liên Hợp quốc giới thiệu tới công chúng vào tháng 7/2015 tại Thụy Sĩ.

Để có được ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật ngày hôm nay, không chỉ là sự dấn thân, là mồ hôi và nước mắt của Thầy Huyền Diệu mà còn là sự sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của Thầy cho đạo pháp và dân tộc.

“Khi còn vua Birendra, có lẽ một số người ích kỉ, thiển cận không muốn đạo Phật phát triển nên họ tổ chức ám sát tôi mấy lần. 9 lần không được nên quay ra giết thầy Nhật Bản”, Thầy Huyền Diệu kể.

Những phần tử đó đã không thể dùng cái chết của thầy Yutaka Nabatame để uy hiếp được lòng tự tôn xây dựng ngôi chùa Việt Nam, cũng như niềm tin mãnh liệt của Thầy dành cho Phật pháp. Mặc dù, Chính phủ Nepal nhiều lần khuyên Thầy tạm lánh một thời gian nhưng Thầy đã từ chối bởi sự bạo tàn từ xưa đến nay chưa bao giờ khuất phục được tinh thần người Việt, nhất là khi mảnh đất này là nơi an nghỉ của người bạn mà thầy vô cùng yêu mến và gắn bó.

“Tôi rất tin luật nhân quả, khi quý vị nghĩ điều tốt, làm điều tốt sẽ có nhiều chuyện tới. Cũng như quý vị đưa bông hồng tặng cho người khác thì đầu tiên tay mình đã có mùi thơm rồi, thành ra tôi thích thế giới này ai cũng theo lời Phật dạy, ai cũng theo lời Chúa dạy và những người ưu chuộng hòa bình thì sẽ có tình thương”.

theo dau chan hong hac chuyen chua ke ve thay huyen dieu
2 ngôi chùa Việt Nam đã mọc trên thánh địa Phật giáo Ấn Độ và Nepal.

50 năm sau ngày Thầy phát nguyện khi lần đầu đặt chân đến đất Phật, 2 ngôi chùa Việt Nam đã mọc lên trên thánh địa Phật giáo Ấn Độ và Nepal. Lâm Tỳ Ni từ một vùng đất đầm lầy hoang vu đã trở thành một quần thể văn hóa Phật giáo không chỉ của Nepal mà của cả thế giới. Những ước nguyện tốt đẹp của Thầy qua bao khó khăn và thử thách của cuộc đời cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực.

“Ngày hôm nay được an vui, hạnh phúc và thành công như thế này, tôi rất may mắn khi sinh ra ở Việt Nam, bố mẹ Việt Nam và gặp được ông thầy người Việt Nam. Ông thầy Việt Nam dạy rất nhiều điều, trong đó có một điều mà thầy nói rất ấn tượng: Khi nào con uống một chén nước, ăn một bát cơm là không được quyền quên ơn. Và nhờ triết học này mà cách đây trên 50 năm, tôi rời khỏi đất nước Việt Nam chỉ có cái quần và 2 cái áo, tất cả những gì mơ ước đều đạt được hết. Nhờ tri ân thầy tổ, nhờ tri ân đất nước Việt Nam cho nên mới làm được tác phẩm này. Nhờ tri ân ông thầy, nhờ tri ân đất Phật, đức Phật cho nên chúng ta đã cứu được Lâm Tỳ Ni. Người nào mà tri ân cha mẹ, ông bà tổ tiên, tri ân đất nước, thầy tổ là cuộc đời họ sẽ rất hạnh phúc”, Thầy Huyền Diệu chia sẻ.

Sự tri ân và lòng hiếu hòa của người con Việt Nam ấy đã lan tỏa một năng lượng an bình cho loài chim Hồng Hạc quý hiếm tìm được đất lành dừng chân, trở thành câu chuyện kể đầy nhân văn, truyền cảm hứng cho biết bao người sống có ước mơ, có lý tưởng và niềm tin vào đạo pháp.

Xuân Đoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường