Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, là điểm du lịch không khói thuốc ở Hà Nội (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia). |
Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, cho biết, Hoàn Kiếm sẽ triển khai các điểm du lịch không khói thuốc. Danh sách đề xuất cụ thể có 12 di tích như đình, đền, chùa; 16 điểm văn hóa như các bảo tàng, nhà thờ, nhà hát; 12 nhà hàng; 11 khách sạn từ 3 sao trở lên. Thời gian triển khai mô hình điểm diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay.
Trong năm 2018, quận Hoàn Kiếm đón hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan và nghỉ lại. Vì thế, trong năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quận. Mục tiêu là nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng các địa điểm an toàn với môi trường trong lành không khói thuốc. Duy trì và mở rộng các mô hình không khói thuốc, tạo nên hình ảnh văn minh, hiện đại, an toàn, góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, thương mại và du lịch.
Bên cạnh chỉ tiêu 70% nhà hàng, khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn quận thực hiện mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc, quận Hoàn Kiếm triển khai điểm du lịch không khói thuốc tại một số điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khách du lịch trên địa bàn. Cụ thể như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Thư viện Quốc gia, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Hàm Long, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Rạp Công nhân, Ngôi nhà di sản ở phố Mã Mây… Đây là các điểm có đông khách du lịch đến tham quan mỗi ngày.
Bà Nhàn nhấn mạnh về những tiêu chí đánh giá với điểm du lịch không khói thuốc. Cụ thể như, cần có nội quy, biển báo cấm hút rõ ràng và được treo đặt ở những vị trí dễ quan sát. Không có hiện tượng mua, bán, quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức. Không có hiện tượng hút thuốc lá; không có gạt tàn, đầu mẩu thuốc lá ở khu vực trong nhà và khuôn viên của điểm du lịch, Thường xuyên nhắc nhở du khách không hút thuốc lá trong phạm vi điểm du lịch, cả khu vực bên trong và khuôn viên.
Đặc biệt, không nhận bất kỳ sự hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của các công ty thuốc lá, hoặc các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá. Có hình thức nhắc nhở hoặc xử phạt đối với người vi phạm có hành vi hút thuốc lá.
Tổ chức những điểm du lịch không khói thuốc ở quận Hoàn Kiếm nhằm giúp du khách hưởng bầu không khí trong lành, không khói thuốc lá khi tham quan các điểm du lịch, bảo tàng, di tích hay ăn uống, nghỉ ngơi tại các nhà hàng, khách sạn. Điều này giảm bớt sự lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của khói thuốc lá với sức khỏe. Từ đó, giúp tránh phơi nhiễm khói thuốc lá, giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hen suyễn… gây ra với du khách.
Trước đó, từ đầu năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm triển khai đề án “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc trên địa bàn giai đoạn 2017-2018”. Sau hai năm triển khai, đã có 181/311 nhà hàng khách sạn tham gia, chiếm gần 60% trên địa bàn. Qua đánh giá, 109 cơ sở được công nhận là nhà hàng, khách sạn an toàn thực phẩm - không khói thuốc.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hoan nghênh việc triển khai mô hình điểm du lịch không khói thuốc tại địa bàn quận Hoàn Kiếm. Mô hình này đã được triển khai nhiều nơi trên thế giới. Còn ở trong nước, chương trình cũng đã thực hiện ở các địa bàn như Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Huế; và giờ tới Hà Nội - một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, triển khai điểm du lịch không khói thuốc nhằm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhưng ý nghĩa lớn hơn là thực hiện một chính sách nhân văn, vì sức khỏe của người dân và sức khỏe cộng đồng.
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Một số trường hợp tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng thuốc lá cao.
Hút thuốc thụ động là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em. Phải hút khói thuốc lá thụ động từ khi còn nhỏ có thể sẽ mang những hậu quả về sức khỏe tuổi trưởng thành với các em. Các bệnh tim mạch, huyết áp tiểu đường đang là gánh nặng lớn nhất ở Việt Nam, chiếm tới 70% người bệnh đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Nguyên nhân chính là sử dụng thuốc lá và khói thuốc lá thụ động.
Ông Khuê kỳ vọng, để thực hiện tốt chương trình này, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Mô hình nhà hàng không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thời gian qua đã có những quả khả quan, góp phần nâng cao uy tín cho hoạt động du lịch trên địa bàn. Hy vọng, chương trình điểm du lịch không khói thuốc của quận Hoàn Kiếm sớm thành công. Từ đó, có thể nhân rộng ra các địa điểm văn hóa, du lịch ở Thủ đô, làm hình mẫu cho nhiều địa phương khác áp dụng.