Đại dương là một phần của Trái Đất và có vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Đây là nơi cung cấp nguồn năng lượng, tài nguyên, thực phẩm dồi dào cho con người. Biển và đại dương cũng là nơi hình thành những tuyến giao thông hàng hải huyết mạch, vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa trên thế giới... Tuy nhiên, biển và đại dương cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Khí hậu bề mặt đại dương, được xác định bằng nhiệt độ của nước, tính axit và mật độ aragonite mà nhiều động vật biển sử dụng để hình thành xương và vỏ, đảm bảo sự sống cho đa số sinh vật biển.
Bên cạnh đó, các đại dương trên thế giới hấp thụ khoảng 1/3 lượng khí thải carbon trên thế giới tạo ra từ Cách mạng công nghiệp.
Tuy nhiên, với lượng khí thải trong không khí gia tăng với tốc độ chưa từng có trong ít nhất là 3 triệu năm, có những lo ngại rằng khí hậu bề mặt đại dương có thể trở nên ít thân thiện hơn với các loài động vật biển.
Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã xem xét, đánh giá tác động của khí thải carbon đến bề mặt đại dương kể từ giữa thế kỷ 18. Đồng thời, dự báo về tác động của khí thải cho đến năm 2100.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lập mô hình hóa khí hậu đại dương trên toàn cầu theo ba giai đoạn: Đầu thế kỷ 19 (1795 - 1834); cuối thế kỷ 20 (1965 - 2004); và cuối thế kỷ 21 (2065 - 2014).
Sau đó, các nhà khoa học đã áp dụng mô hình này trong hai kịch bản phát thải. Cụ thể, kịch bản thứ nhất giả định lượng khí thải đạt đỉnh vào năm 2050, sau đó giảm chậm trong cho đến cuối thế kỷ. Kịch bản thứ hai giả định các hoạt động diễn ra như bình thường, với lượng khí thải tiếp tục tăng trong 80 năm tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 36% các điều kiện sống trên bề mặt đại dương hiện diện trong thế kỷ 20 có thể biến mất trong thế kỷ 21 theo kịch bản thứ nhất và con số này lên đến 95% theo kịch bản thứ hai.
Bên cạnh đó, trong khi khí hậu bề mặt đại dương có ít dấu hiệu thay đổi trong suốt thế kỷ 20 thì đến năm 2100, có tới 82% bề mặt đại dương có thể trải qua những dạng khí hậu chưa từng thấy trong lịch sử gần đây. Những dạng khí hậu khắc nghiệt này bao gồm vùng biển nóng hơn, có tính axit hơn và chứa ít khoáng chất quan trọng cho sự phát triển của sinh vật biển.
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Katie Lotterhos tại Trung tâm Khoa học Biển của Đại học Northeastern (Mỹ) nhấn mạnh, sự thay đổi thành phần của đại dương do ô nhiễm carbon có thể sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loài trên bề mặt. “Vì vậy, nếu không giảm thiểu phát thải khí carbon, hàng loạt các dạng khí hậu mới trên bề mặt biển sẽ phổ biến trên toàn cầu vào năm 2100”, Katie Lotterhos cảnh báo.
Trong bối cảnh lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn và nhanh hơn, ngay từ bây giờ”.
Đây là thời khắc quyết định để "thúc đẩy hay bỏ lỡ" các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Những cam kết được lãnh đạo các nước đưa ra sẽ phát đi thông điệp tích cực, trở thành “cú hích” cho những hành động toàn cầu mạnh mẽ và quyết liệt hơn để vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.