Báo cáo giám sát, đánh giá biến đổi khí hậu theo hình thức trực tuyến
Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đang hoàn thiện hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trực tuyến và cơ sở dữ liệu về BĐKH tại website: adaptation.dcc.gov.vn. Khi hệ thống chính thức vận hành, các Bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện cập nhật kết quả báo cáo giám sát, đánh giá theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 22/1/2022, bắt đầu từ cuối năm nay.
Theo đó, khi hệ thống giao diện trực tuyến cơ sở dữ liệu về BĐKH đi vào hoạt động sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn nhờ khả năng chia sẻ dữ liệu cao, có thể liên thông, kết nối với các hệ thống khác, dễ nâng cấp và mở rộng. Người dùng hoàn toàn có thể sử dụng các thông tin dữ liệu phục vụ cho việc triển khai Chiến lược quốc gia thích ứng với BĐKH, lồng ghép nội dung thích ứng vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành và địa phương. Từ đó, tăng cường phối hợp giữa các bên trong quản lý và triển khai hoạt động thích ứng.
Thông tin được đưa ra tại chuỗi Hội thảo Đào tạo sử dụng giao diện trực tuyến cơ sở dữ liệu về BĐKH - Phổ biến khung giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng BĐKH, do Cục Biến đổi khí hậu tổ chức. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, việc xây dựng giao diện trực tuyến cơ sở dữ liệu về BĐKH nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có thể kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin về BĐKH, phục vụ quản lý và sản xuất, tăng cường khả năng thích ứng với các tác động của BĐKH trên toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu hiện nay gồm có: Dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn; Kịch bản BĐKH; dữ liệu liên quan đến BĐKH trong các lĩnh vực y tế, giao thông, nông nghiệp, tài nguyên môi trường; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các Ban, Bộ, ngành và địa phương.
Sáu nội dung phải thực hiện giám sát, đánh giá bao gồm: Công tác quản lý Nhà nước về BĐKH; Tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng với BĐKH trong các lĩnh vực; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH; Nguồn lực cho thích ứng với BĐKH; Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; Đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Hệ thống được ban hành theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 22/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu nhằm cung cấp cơ sở cho việc quản lý, điều phối và nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH và công tác quản lý Nhà nước về BĐKH.
Theo quy định, định kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải lập báo cáo giám sát, đánh giá hằng năm và gửi Bộ TN&MT tổng hợp, lập báo cáo quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu sẽ phối hợp với các chuyên gia xây dựng hướng dẫn thực hiện báo cáo này, từ khâu thu thập thông tin số liệu, cách thức tổng hợp và báo cáo. Hệ thống báo cáo trực tuyến hiện đã được lồng ghép vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về BĐKH nên các đơn vị có thể truy cập để tham khảo nội dung và các bước thực hiện.
Rà soát, cập nhật nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu
Được biết, Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020. Theo quy định, sau 2 năm đầu tiên của quá trình triển khai thực hiện, kế hoạch sẽ được rà soát, cập nhật. Sau 3 năm tiếp theo, công việc này được thực hiện căn cứ vào kết quả giai đoạn 2021 – 2025.
Theo GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH, Quyết định 1055 là nền tảng để xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia về BĐKH (NAP) chi tiết theo hướng dẫn của UNFCCC và điều chỉnh định kỳ. NAP không chỉ là một kế hoạch hay báo cáo mà là cả một quá trình - từ xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện, giám sát đánh giá, cập nhật điều chỉnh, thực hiện. NAP cũng cần phải cập nhật theo Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050 sắp được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Trong đó khung xây dựng NAP của Việt Nam bao gồm các phần: Giới thiệu; Yêu cầu và hành động quốc tế về thích ứng; BĐKH ở Việt Nam; Thành quả, thiếu hụt trong thích ứng; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; Hiệu quả của kế hoạch; Khung phân tích dựa trên kết quả và Hệ thống giám sát, đánh giá Kế hoạch quốc gia.
Bên cạnh đó, kế hoạch chú trọng rà soát, cập nhật nhiệm vụ đã phê duyệt. Đồng thời, bổ sung nhiều nhu cầu cần hỗ trợ về ngăn chặn suy giảm, suy thoái, phục hội tài nguyên; nông nghiệp; an ninh lương thực; đa dạng sinh học; lũ lụt miền Trung; bảo hiểm rủi ro thiên tai; ô nhiễm nhựa và kinh tế tuần hoàn, tác động của Net Zero; bình đẳng giới...
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, việc xây dựng báo cáo kỹ thuật nhằm phục vụ công tác rà soát, cập nhật Kế hoạch thích ứng quốc gia về BĐKH (NAP) trong thời gian tới. Báo cáo cũng cung cấp những luận cứ để đánh giá tác động của BĐKH, đề xuất những biện pháp giảm tính tổn thương, tăng cường sức chống chịu của BĐKH cho các địa phương, các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần cập nhật các quy định mới về BĐKH, cam kết quốc tế của VIệt Nam tại COP 26 để trình lên UNFCCC.
Tại Hội nghị COP26, các quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu thích ứng toàn cầu với việc thực hiện Thỏa thuận Paris; đề nghị các nước phát triển cần nhanh chóng tăng nguồn lực tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho thích ứng để đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển.
Trên cơ sở này, Hội nghị đã thông qua Chương trình làm việc về mục tiêu thích ứng toàn cầu, tăng cường hỗ trợ thực hiện thích ứng BĐKH; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng ở cấp quốc gia; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng ở các nước dễ bị tổn thương.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức, đến nhận nhức của các tổ chức, tập thể, cá nhân về BĐKH, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân… đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng”.
Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Lan Anh