Tìm giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Hà Nội

Các nhà khoa học đã thảo luận, đề xuất các giải pháp cung cấp nguồn nước ổn định phục vụ dân sinh, kinh tế xã hội cho vùng Thủ đô.
DNP Water khánh thành Nhà máy xử lý nước sạch Sơn ThạnhHải Phòng: Đảm bảo học sinh được tiếp cận với nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường họcHà Nội chính thức tăng giá nước sạch sinh hoạt từ tháng 7

Các nhà khoa học đã thảo luận, đề xuất các giải pháp cung cấp nguồn nước ổn định phục vụ dân sinh, kinh tế xã hội cho vùng Thủ đô trong bối cảnh nguồn nước ngày càng suy kiệt.

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) và Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức hội nghị “Đề án cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho thủ đô Hà Nội”.

Tìm giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban khoa học Công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) Lê Công Lương cho biết, hiện nay quá trình đô thị hóa ngày một phát triển, sự hình thành các điểm, cụm công nghiệp khiến địa hình khu vực sản xuất nông nghiệp và hệ thống công trình thủy lợi bị thay đổi, chia cắt không tập trung, liền mạch.

Cùng với đó, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó dự đoán, nguồn nước sông thiếu hụt, tình trạng khai thác cát khó kiểm soát dẫn đến mực nước sông ngày càng hạ thấp khiến việc vận hành các công trình lấy nước đầu mối ngày càng khó khăn, hao phí nhân công, nguyên nhiên vật liệu gấp nhiều lần so với thời gian trước.

Theo PGS.TS Hoàng Thái Đại - Hội Thủy Lợi Việt Nam, chất lượng nguồn nước mặt của các hệ thống thủy lợi cấp nước cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, Hệ thống thủy lợi của Hà Nội bao gồm các đập, kênh, và hệ thống cấp nước từ các sông như sông Hồng, sông Đáy, và các hồ chứa. Những nguồn nước này không chỉ phục vụ cho nông nghiệp mà còn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.

PGS.TS Hoàng Thái Đạt chia sẻ, nguồn nước mặt trong các hệ thống thủy lợi hiện nay thường bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, chất thải công nghiệp, và hoạt động nông nghiệp như sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón.

Theo PGS.TS Hoàng Thái Đạt, hồ Hòa Bình là gần như đáp ứng yêu cầu về sử dụng nước thô cho sinh hoạt với yêu cầu xử lý ít nhất. Theo đó, ông đề nghị nghiên cứu giải pháp cấp nước cho Hà Nội trực tiếp từ nguồn nước trong Hồ Hòa Bình.

ThS. Trần Văn Minh - Hội Thủy lợi Việt Nam đã đề xuất lấy nguồn nước trực tiếp trong hồ Hòa Bình để cấp nước tổng hợp cho Thủ đô Hà Nội gồm: Nước sinh hoạt, nước môi trường các sông hồ và nước cho nông nghiệp chủ yếu bằng tự chảy, để thay thế phương thức cấp nước hiện nay là chất lượng nước không tốt, đơn lẻ, chủ yếu sử dụng nguồn nước tại sông Hồng, sông Đà và khai thác nước ngầm, bơm nhiều cấp, giá thành cao và hoàn toàn bị động.

Tìm giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2

Hồ thủy điện Hòa Bình

Giải pháp đề xuất là lấy nước từ hồ Hòa Bình, dẫn về các hộ dùng nước trên toàn TP. Hà Nội, tận dụng các công trình hạ tầng nước đã có sẵn, với phương thức cấp nước tiên tiến. Giải pháp đề xuất chất lượng nước hồ Hòa Bình rất tốt, đường dẫn thuận lợi cấp nước trước mắt và đảm bảo an ninh nguồn nước cho Thủ đô Hà Nội.

ThS. Trần Văn Minh cho rằng, đây là một giải pháp đề xuất cấp nước hoàn toàn mới hoàn thiện cho Thủ đô Hà Nội, cấp nước lấy trực tiếp từ hồ Hòa Bình kết hợp với hệ thống cấp nước hiện trạng của các ngành để cấp nước một cách tổng hợp và toàn diện cho tất cả nền kinh tế - xã hội của Thủ đô, thay thế dần dần các phương pháp cấp nước hiện tại của Hà Nội. Những lợi ích về cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình là rất lớn bao gồm:

Tạo cho Hà Nội một môi trường dùng nước đảm bảo chất lượng với một hệ thống công trình mà có thể cấp nước cho 3 loại hình dùng nước khác nhau là: Nước cho sinh hoạt, nước cho môi trường sông hồ và nước cho nông nghiệp cùng một tuyến dẫn nhờ chất lượng nước sông Đà cơ bản đạt tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt, đồng thời đạt yêu cầu cho nước nông nghiệp và môi trường sông hồ, là tiết kiệm nước dùng và giảm được giá thành sử dụng nước.

"Bên cạnh đó, tận dụng hoàn toàn cơ sở hạ tầng đã có tại hồ Hòa Bình và khu vực sử dụng nước ở Hà Nội, chỉ cần chuyển nước từ hồ về Hà Nội sau đó phối hợp tốt cơ sở hạ tầng có sẵn, sẽ mang lại lợi ích cao hơn nhiều việc sử dụng nguồn nước đó để phát điện", ThS. Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Cuối cùng, giải pháp này đảm bảo việc sử dụng nước thuận lợi về mọi mặt cả chất lượng nước, phương thức cấp nước bằng tự chảy lớn cho Hà Nội, tạo cho sự phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt cấp nước tự chảy cho gần 50.000 ha đất nông nghiệp và hàng tỷ m3 nước cho môi trường sinh thái của sông hồ và hầu như toàn bộ nước sinh hoạt Thủ đô là lợi ích lớn nhất không có bài toán nào về kinh tế - kỹ thuật có thể so sánh được với lợi ích dân sinh - xã hội./.

Quang Đức